“Sứ mệnh xanh”

Ngày 7-5-1954, quân và dân ta đã đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ. Miền Bắc được giải phóng chưa lâu thì quân đội Mỹ thay chân quân Pháp hòng xâm chiếm miền Nam Việt Nam. Lúc này, Trung ương Đảng xác định nhiệm vụ trung tâm của cách mạng là phải thống nhất đất nước. Nhiệm vụ của miền Bắc là khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng gia sản xuất, làm hậu phương cho miền Nam, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Mùa xuân năm 1958-xuân mở đầu kế hoạch 3 năm (1958-1960) phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Trung đoàn 176, Đại đoàn 316 được giao hành quân trở lại Điện Biên Phủ để vỡ đất, xây dựng nông trường. Trước khi lên đường, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, động viên đơn vị. Người căn dặn: Bác thay mặt Trung ương cử đơn vị các chú lên Điện Biên làm nhiệm vụ... Bác tin các chú có truyền thống đoàn kết, kỷ luật chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Sắp tới các chú xây dựng quyết tâm mới, trở lại Điện Biên vượt mọi khó khăn, xây dựng đất Điện Biên giàu đẹp cho đất nước...

Những lời động viên, dặn dò ân cần của Người là động lực để Trung đoàn 176 hành quân liên tục, băng rừng, lội suối trở lại chiến trường xưa. Ngày 11-4-1958, đơn vị có mặt tại Điện Biên. Theo quyết định của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 8-5-1958, Trung đoàn 176 tổ chức lễ ra mắt Nông trường Quân đội Điện Biên gồm 1.954 cán bộ, chiến sĩ với Phong trào “Ba vừa” (vừa tổ chức sản xuất, vừa thực hiện nhiệm vụ dân vận, vừa sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ thành quả Chiến thắng Điện Biên Phủ). Tổ chức Nông trường khi đó gồm: Nông trường bộ, các phòng, ban trực thuộc và 23 đơn vị sản xuất, mỗi đơn vị là 1 đại đội (gọi là C), được bố trí xen kẽ với các xã vùng lòng chảo Điện Biên và các huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo. Cuối năm 1959, Nông trường được bổ sung lực lượng thanh niên xung phong đầu tiên gồm hơn 210 nữ thanh niên Thủ đô Hà Nội và tỉnh Thái Bình. Ngày 22-12-1960, Nông trường Quân đội Điện Biên được đổi tên thành Nông trường Quốc doanh Điện Biên, trực thuộc Bộ Nông trường.

leftcenterrightdel
 Chiến sĩ Điện Biên Lại Văn Năm kể chuyện thời kỳ công tác tại Nông trường Quốc doanh Điện Biên.

Sau 3 năm, chiến trường Điện Biên Phủ ngổn ngang vết tích bom đạn, dây thép gai, chiến lũy thấm mồ hôi và máu xương của quân, dân ta, đã hóa đồng ruộng, núi đồi xanh tươi, trù phú. Những người lính Cụ Hồ cùng lực lượng thanh niên xung phong đã khai hoang hàng nghìn héc-ta đất trồng cây lương thực và cà phê, tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vùng đất hoang vu, um tùm lau lách ngày nào đã trở thành cánh đồng Mường Thanh mênh mông ngút ngàn, bờ nối bờ, thửa liền thửa. Dáng dấp Điện Biên hôm nay có công sức lao động, trí tuệ của lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân Nông trường Quốc doanh Điện Biên và sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến năm 1994, Nông trường chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ trong sản xuất, kinh doanh.

“Lấy Nông trường làm gia đình, Tây Bắc làm quê hương”

Đó là quyết tâm trong tâm khảm mỗi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 176 khi rời cây súng, trở thành công nhân Nông trường Quốc doanh Điện Biên. Họ sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Và rồi họ lại tiếp tục dâng hiến sức trẻ tập trung khai hoang, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần từng bước ổn định đời sống nhân dân các dân tộc ở Điện Biên.

Chúng tôi đến thăm ông Lại Văn Năm, sinh năm 1934, ngụ tại đội Chăn Nuôi 2, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Khá bất ngờ khi đã ở cái tuổi thượng thượng thọ nhưng người chiến sĩ Điện Biên có vóc dáng nhỏ nhắn ấy vẫn đang cuốc đất trồng rau bên mảnh vườn nhỏ cạnh nhà. Vồn vã mời khách vào uống nước, ông tâm sự rằng thói quen làm việc đã “ăn vào máu”, vả lại cũng giúp cơ thể được vận động, tránh bệnh tật. Bên hiên nhà, ông phe phẩy chiếc quạt nan, mắt sáng rực lên khi nhắc đến Chiến thắng Điện Biên Phủ rồi Nông trường Quốc doanh Điện Biên. Câu chuyện của ông bắt đầu bằng những ký ức cùng thanh niên trai tráng ở quê nhà xã Tam Sơn (Cẩm Khê, Phú Thọ) xung phong lên đường nhập ngũ năm 1952. Được biên chế về đơn vị công binh của Đại đoàn 316, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Năm từng nhiều lần tham gia thực hiện nhiệm vụ cắt dây thép gai, gỡ mìn để mở đường hỗ trợ bộ binh ta tiến vào sân bay Hồng Cúm. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cùng đồng đội đi làm nhiệm vụ ở Thanh Hóa tháng 7-1954, rồi ở Bất Bạt, Sơn Tây (nay thuộc TP Hà Nội) năm 1958.

Khi nhắc đến thời điểm nhận nhiệm vụ đi làm kinh tế ở Điện Biên, ông Năm nhớ lại: “Ngày 10-3-1958, chúng tôi được thông báo có thủ trưởng cấp trên tới thăm. Trong quân phục chỉnh tề tập hợp nghiêm chỉnh hai bên đường, ai nấy đều nghẹn ngào xúc động khi thấy Bác Hồ và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp bước xuống xe. Không có mệnh lệnh thống nhất, nhưng tiếng hô “Bác Hồ muôn năm!” bỗng vang dội, ngân dài. Trong hội trường, sau khi hỏi thăm tình hình đơn vị, Bác giao nhiệm vụ cho chúng tôi trở lại Điện Biên xây dựng nông trường sản xuất, giữ gìn biên cương. Bác hỏi chúng tôi có thực hiện tốt được không, thì tất thảy giơ cánh tay lên, đồng thời hô “Có ạ! Có ạ! Quyết tâm! Quyết tâm!” vang dội”.

leftcenterrightdel
Thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: ĐỨC DŨNG 

Những ngày mới trở lại Điện Biên, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đối diện với rất nhiều khó khăn. Khu vực được phân công chủ yếu là rừng, địa hình không bằng phẳng, bộ đội lên chỉ làm lán, sau mới lợp tranh. Thức ăn chủ yếu là rau, cá khô, cơm độn ngô, độn sắn là chính. Vậy mà thách thức đó chẳng thấm vào đâu so với những ngày gian khổ trên chiến trường và càng trui rèn ý chí, quyết tâm của các cán bộ, chiến sĩ mang sức trẻ nhiệt huyết của mình xây dựng Điện Biên. Ông Năm thuật lại: “Lời Bác dạy truyền sức mạnh cho chúng tôi. Chẳng có lúc nào nghĩ khổ, nghĩ mệt cả. Khí thế lao động luôn khẩn trương, hăng say, hào hứng. Không có trâu kéo thì dùng sức người, thiếu công cụ thì dựng lò rèn dùng sắt vụn làm dao, cuốc, xẻng, xà beng”. Cùng với nhiệm vụ sản xuất, các chiến sĩ Điện Biên còn tham gia sửa chữa sân bay Điện Biên (nay là Cảng hàng không Điện Biên), đắp đập hồ Pa Khoang, làm thủy điện hồ Huổi Phạ, xây đài liệt sĩ, mở rộng đường Điện Biên-Tuần Giáo, dựng mới bệnh xá, trường học...

Nghe cuộc trò chuyện, vợ ông Năm là bà Lưu Thị Tấm góp vui: “Nông trường Quốc doanh Điện Biên còn là nơi xe duyên cho chúng tôi đấy”. Bà kể, năm 1960, bà chân ướt chân ráo lên Điện Biên và trở thành công nhân Nông trường đúng ngày 22-12 năm đó. Bà được phân công về đội trồng cà phê, còn ông lúc này ở bộ phận trồng trọt. Nhờ tham gia các buổi văn nghệ, lại biết cùng quê nên ông bà làm quen, yêu nhau và nên duyên vợ chồng, cùng xây tổ ấm. Năm 1982, ông nghỉ hưu. Một năm sau, bà cũng nghỉ hưu. Thế nhưng thay vì trở về cố hương, ông bà quyết định ở lại, tiếp tục tăng gia sản xuất, nuôi dạy con cái nên người. “Chúng tôi yêu mảnh đất này lúc nào không hay”, bà Tấm hóm hỉnh nói.

Đúng vậy, không chỉ có ông Năm, bà Tấm mà rất nhiều người miền xuôi lên đã coi Điện Biên là quê hương thứ hai của mình. Ở nơi mà mỗi mét vuông đất đều từng bị bom đạn cày xới, thấm đẫm máu xương của rất nhiều đồng bào, đồng đội, họ-với trách nhiệm của những người còn sống-càng mong muốn làm cho nơi đây ngày càng xanh tốt, giàu mạnh để không uổng phí sự hy sinh của những người đã ngã xuống.

Chào vợ chồng ông Năm ra về, chúng tôi nhẩm lại mấy câu trong bài thơ của Bác Hồ tặng cán bộ, chiến sĩ đơn vị ông, hôm Người đến giao nhiệm vụ, mà người chiến sĩ Điện Biên vẫn còn thuộc làu làu với giọng hào sảng: ... Đảng phái ta lên mặt trận sản xuất/ Nhiệm vụ ấy ta quyết làm cho tròn/ Đội ơn đào tạo người Quân đội/ Quyết chí đền bồi nghĩa nước non!

HIẾU TRƯỜNG