Ký ức đau thương

Ngày 20-11-1953, quân Pháp nhảy dù xuống lòng chảo Mường Thanh, chiếm đóng Điện Biên Phủ. Khi ấy, ông Lò Văn Hặc (bản Noong Nhai 2) mới 14 tuổi. Lần đầu tiên trong đời thấy cảnh tượng mấy chục chiếc máy bay bay thành đoàn dài thả quân “từ trên trời xuống” khiến ông kinh hãi vô cùng. Ông hồi tưởng: “Hôm ấy bố mẹ tôi đi làm không ở nhà. Tiếng ầm ĩ từ máy bay đánh động cả khu vực. Tôi ngước mắt lên xem thì dù bay rợp trời, nhưng không biết chuyện gì xảy ra. Một lúc sau, có tiếng hô hoán “lính Pháp đấy”, tôi liền vội vàng cõng một đứa em, tay dắt đứa còn lại chạy lên nhà đóng hết cửa, trốn bên trong”.

Chỉ trong 10 ngày, thực dân Pháp tăng cường thêm nhiều loại vũ khí, phương tiện, vật tư để xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thậm chí, chúng còn ngang nhiên cướp bóc, giết người. Nhiều bà con hoảng sợ chạy lánh nạn sang Lào, một số di tản vào vùng giải phóng của ta. Vậy nhưng, phần lớn người dân bị quân Pháp dồn vào 4 trại tập trung: Noong Bua,

Pa Luống, Co Mỵ và Noong Nhai. Trong đó, Trại tập trung Noong Nhai có hơn 3.000 người từ các xã: Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn và Noong Luống. Bà con phải sống trong những lán trại bằng tre nứa, lợp rơm rạ, nheo nhóc, đói khổ. Không những vậy, thực dân Pháp còn bắt đàn ông trai tráng đi xây dựng hầm hào, đồn bốt; phụ nữ thì làm trò tiêu khiển.

Đau thương ở Noong Nhai lên đến đỉnh điểm vào chiều 25-4-1954. Khi bộ đội ta siết chặt vòng vây quân Pháp, trong cơn tuyệt vọng, 4 chiếc máy bay của Pháp bất ngờ giội bom xuống đám đông người dân Noong Nhai đang tập trung để tiễn đưa một người xấu số. Tang thương chồng tang thương. Gia đình ông Hặc là một trong số ít may mắn sống sót vì không tham gia buổi tang lễ. Ông hồi tưởng: “Từng loạt tiếng nổ đinh tai nhức óc, khói lửa mịt mù. Chúng tôi nấp vào đống củi, sau đó lại chạy ra bãi đất trống. Khung cảnh hỗn loạn. Ai còn sống thì chạy nhốn nháo, người bị thương thì máu chảy đầm đìa, xác người nằm ngổn ngang, nhiều người trong số đó bị cháy sém toàn thân. Tiếng gào khóc đau thương, tiếng hét tìm người thân vang vọng núi rừng”.

leftcenterrightdel
 Ông Lò Văn Hặc.

Theo thống kê, tổng cộng 444 người dân Noong Nhai, đa số là người già, phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng do trận ném bom trên. Nhiều gia đình không còn một ai sống sót. Bởi những mất mát ấy, khi nhà lưu niệm trưng bày chứng tích về cuộc thảm sát được xây dựng, người dân thường gọi là “Hận thù Noong Nhai”. Công trình được khánh thành năm 1964 thì một năm sau bị máy bay Mỹ ném bom phá hủy. Năm 1984, khu tưởng niệm mới được xây dựng lại, nổi bật là bức tượng đặt chính giữa, khắc họa một người phụ nữ Thái bế trên tay đứa con nhỏ bị bom giặc giết hại, như lời nhắc nhở về ký ức đau thương nơi đây.

Diện mạo mới

Mảnh đất Noong Nhai chịu vết thương chiến tranh nặng nề năm xưa, nay vươn mình trở thành làng quê đáng sống. Bản làng Noong Nhai trước đây- nơi xảy ra cuộc thảm sát, được chuyển ra gần đường giao thông, là vị trí bản Noong Nhai 1 bây giờ. Theo chủ trương di giãn dân của Nhà nước, nhiều hộ dân tiếp tục tới vùng đất bằng phẳng phía trong, cách hơn 1km, lập bản mới Noong Nhai 2. Từ 12 gia đình ban đầu, đến nay, hai bản đã có hơn 200 hộ dân.

Chúng tôi đến thăm xã Thanh Xương vào một ngày cuối tháng 3 khi nắng ấm dần xua đi không khí se lạnh. Dọc con đường được trải bê tông phẳng phiu là những ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái vững chãi, bề thế xen kẽ những nếp nhà kiểu mới, khang trang, sạch đẹp. Đồng chí Quàng Văn Ơn, Bí thư Chi bộ bản Noong Nhai 2, cho biết: Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, nhờ sự giúp đỡ của bộ đội, người dân dựng lại nhà cửa, đồng lòng cơ cấu lại sản xuất, bắt tay vào cải tạo ruộng nương, tích cực trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Trẻ em và thanh thiếu niên được đến trường. Cuộc sống dần dần hồi sinh. Riêng bản Noong Nhai 2 có 101 hộ, 100% đồng bào dân tộc Thái, đã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo từ năm 2022, đồng thời đang đề nghị cấp trên xem xét công nhận là bản nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập chính của bà con vẫn đến từ nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhưng từ lâu các gia đình chú trọng việc cho con cháu học hành, nên nhiều người có việc làm, thu nhập ổn định, một số trở thành cán bộ. Hiện nay, Chi bộ bản Noong Nhai 2 có 26 đảng viên và 25 đảng viên sinh hoạt nơi cư trú. Chứng kiến nơi chôn nhau cắt rốn từ lúc đau thương đến khi “chuyển mình” từng ngày, chính ông Hặc là người thấu hiểu nhất. Ông chia sẻ: “Có lẽ trước đây không ai dám tưởng tượng được quê hương sẽ phát triển như ngày hôm nay. Nhờ Quốc lộ 279 chạy qua, khu vực Trại tập trung Noong Nhai trước đây đã trở thành trung tâm xã, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân thông thương, kinh doanh”.

leftcenterrightdel
 Đoàn Thanh niên Trường Mầm non xã Thanh Xương quét dọn khuôn viên Di tích Trại tập trung Noong Nhai.

Những đổi thay ở Noong Nhai 1 và Noong Nhai 2 góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của xã Thanh Xương. Những bản làng trù phú mọc lên trên chiến trường xưa. Khu đô thị mới Bom La đang ngày càng sầm uất, phát triển. Bà con hăng hái sản xuất trên cánh đồng Mường Thanh. Hệ thống điện, đường, trường, nước sạch, thủy lợi được đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp. Nhân dân tích cực tham gia xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư, mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa... Thanh Xương được coi là một trong những xã điển hình của phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Điện Biên. Năm 2018, xã được công nhận đạt 19/19 tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, sớm hơn hai năm so với kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn 0,56%. Ngoài ra, địa phương đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. “Theo định hướng quy hoạch, xã Thanh Xương phấn đấu đến năm 2025 lên thị trấn, trở thành đô thị loại V”, đồng chí Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương nhấn mạnh.    

Bài và ảnh: PHẠM HIẾU