Góc nhìn của những người bên kia chiến tuyến

Ðào Thị Ngọc Nhàn là cán bộ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước từ năm 2011. Năm 2016, chị được cơ quan cử đi học thạc sĩ về lưu trữ, quản trị thư viện và di sản số hóa tại Trường Đại học Paris 13 (Pháp). Tại đây, chị bắt đầu đọc các tư liệu lịch sử của Pháp về chiến tranh Ðông Dương, trong đó có các tư liệu về Điện Biên Phủ.

Năm 2018, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước quyết định mua bản quyền xuất bản bản dịch cuốn sách “Điện Biên Phủ: 13/3 - 7/5/1954” của Tiến sĩ Ivan Cadeau, nhằm đem đến góc nhìn đa chiều về chiến thắng lịch sử này. Ivan Cadeau là tác giả của đề tài tiến sĩ viết về công binh Pháp trong chiến tranh Đông Dương nhận được xếp loại xuất sắc từ hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ của Pháp. Ông cũng là tác giả của một số tác phẩm, bài viết về các chiến dịch quân sự, mối quan hệ giữa chính trị và quân sự, với cách tiếp cận sử dụng nhiều bộ môn và cải tiến trong nghiên cứu lịch sử quân sự. Ivan Cadeau từng tham gia giảng dạy tại các trường đại học chuyên về đào tạo cán bộ thuộc lực lượng lục quân Pháp, khi đó, ông là Phó tổng biên tập Tạp chí Lịch sử quân đội Pháp. Ông hiện là Trưởng phòng Luận thuyết, tác chiến và tình báo của Cục Lịch sử quốc phòng Pháp.

leftcenterrightdel
Phòng đọc Louis XIV, cơ quan lưu trữ Bộ Quân đội Pháp nằm trong khuôn viên lâu đài Vincennes (Pháp). Ảnh do nhân vật cung cấp 

Việc dịch cuốn sách được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước giao cho Thạc sĩ Đào Thị Ngọc Nhàn, bởi trước đó, chị từng dịch nhiều tài liệu lưu trữ bằng tiếng Pháp bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I về chính quyền Trung ương thời kỳ Pháp thuộc, giáo dục Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc. “Mặc dù từng đọc và dịch nhiều cuốn sách tiếng Pháp nhưng “Điện Biên Phủ: 13/3 - 7/5/1954” là cuốn sách về quân sự đầu tiên mà tôi dịch nên không tránh khỏi lo lắng. Trong quá trình dịch và chuyển ngữ, tôi gặp không ít khó khăn, đặc biệt là liên quan đến tên các nhân vật, địa danh lịch sử cũng như tên gọi các đơn vị của quân đội Pháp, do không có dấu hoặc viết khác với tên gọi thực tế; một số khác biệt trong cách gọi tên của Việt Nam với tên gọi theo đúng chức năng, nhiệm vụ trong tài liệu lưu trữ quân sự của Pháp”, chị Nhàn bày tỏ.

Để có thể dịch được cuốn sách này, chị Nhàn đã gặp trực tiếp tác giả Ivan Cadeau nhằm làm rõ các thông tin. Ví dụ như binh đoàn cơ động, theo Ivan Cadeau giải thích thì mô hình đơn vị chiến đấu này ra đời chỉ trong chiến tranh Đông Dương để phù hợp với tình hình thực tế chiến trường. Ông cũng tư vấn cho chị một số vấn đề cần tham khảo khi dịch sách, để hiểu đúng và đủ, phải đọc tài liệu lưu trữ của các đơn vị Pháp tham gia chiến dịch. Đó là một vấn đề lớn đối với chị Nhàn, vì khối tài liệu lưu trữ của Bộ Quốc phòng Pháp về Điện Biên Phủ rất đồ sộ, chủ yếu tập trung ở tài liệu lưu trữ của lục quân, không quân, cũng như của Ủy ban quân sự điều tra thất bại Điện Biên Phủ-thành lập năm 1955 theo kiến nghị của tướng Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương để làm sáng tỏ trách nhiệm của những người chỉ huy chiến dịch trong thất bại này.

Chị Nhàn cho hay, trước đó, trên thế giới đã có nhiều nhà nghiên cứu viết về Điện Biên Phủ. Cuốn sách “Điện Biên Phủ: 13/3 - 7/5/1954” của Tiến sĩ Ivan Cadeau là tập thứ 11 trong tuyển tập các tác phẩm về lịch sử các chiến dịch lớn trên thế giới của Nhà xuất bản Tallandier (Pháp). Ông cung cấp thông tin cho bạn đọc về một giai đoạn lịch sử quan trọng của cuộc chiến tranh Đông Dương, về bối cảnh, diễn biến 56 ngày đêm diễn ra các trận đánh ác liệt dẫn đến sự rút khỏi Đông Dương của các đơn vị Pháp. Tác giả Ivan Cadeau đã cố gắng dựng lại bức tranh về chiến dịch theo góc nhìn của những người ở bên kia chiến tuyến. Theo đó, ông sử dụng các tài liệu, tư liệu lưu trữ của Bộ Quốc phòng Pháp như tài liệu lưu trữ của các đơn vị tham chiến trực tiếp và gián tiếp tại Điện Biên Phủ, của các cá nhân đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch, đặc biệt là của tướng Henri Navarre và tướng Paul Ely, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng Quân đội Pháp. Ông cũng khai thác toàn bộ hồ sơ của Ủy ban quân sự điều tra thất bại Điện Biên Phủ (được giải mật năm 2005)... 

Nhiều tài liệu lịch sử cần được nghiên cứu

Hiện nay, tại cơ quan lưu trữ của Bộ Quốc phòng Pháp cũng như nhiều cơ quan lưu trữ khác của Pháp có rất nhiều tài liệu quý về hoạt động của Việt Nam và Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vậy cách nào để giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam có thể tiếp cận được những tài liệu quý này?

leftcenterrightdel

Chị Đào Thị Ngọc Nhàn giới thiệu cuốn sách “Điện Biên Phủ: 13/3-7/5/1954” bản tiếng Pháp và bản dịch tiếng Việt. Ảnh: DUY QUANG 

Chị Nhàn gợi ý, các tài liệu lưu trữ quân sự của Pháp về Đông Dương hiện được bảo quản ở Cục Lịch sử Quốc phòng Pháp, ở lâu đài Vincennes hay ở thành phố Pau đối với tài liệu lưu trữ quân sự cá nhân. Về tài liệu lưu trữ dân sự, hành chính, giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam có thể tìm đến Lưu trữ Hải ngoại Pháp ở Aix-en-Provence. Muốn tìm hiểu về tài liệu lưu trữ ngoại giao, giới nghiên cứu nên đến Lưu trữ Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp (MEAE) ở La Courneuve và Nantes. Ngoài ra, năm 2023, trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ Việt Nam) và Cục Lưu trữ (Bộ Văn hóa và Thông tin Pháp), hai cơ quan lưu trữ hai nước đã hợp tác xây dựng Trang thông tin điện tử giới thiệu khối tài liệu lưu trữ tiếng Pháp giai đoạn 1858-1954, bảo quản tại các cơ quan lưu trữ của Việt Nam và Pháp. Đây cũng là kênh cung cấp các thông tin, tài liệu lưu trữ quan trọng cho giới nghiên cứu lịch sử hai nước.

Sau khi hoàn thành dịch cuốn sách “Điện Biên Phủ: 13/3 - 7/5/1954”, chị Nhàn vẫn tiếp tục dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu tư liệu lịch sử về Điện Biên Phủ. “Hiện tôi đang tham gia với vai trò là tư vấn về tài liệu lưu trữ tiếng Pháp cho Triển lãm “Quan hệ Việt Nam-Pháp: Từ Điện Biên Phủ đến đối tác chiến lược” của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, dự kiến khai mạc vào tháng 6-2024. Bên cạnh đó, tôi đã, đang và sẽ viết bài giới thiệu về những chủ đề liên quan đến chiến dịch này qua các tài liệu lưu trữ của Pháp, như: “Tại sao Điện Biên Phủ?”,  “Tàu sân bay Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Không quân Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”... Ngoài ra, tôi cũng đang viết cuốn sách về cuộc xâm chiếm Đông Dương của Pháp và sẽ viết cuốn sách tổng hợp các hội nghị bàn về Đông Dương qua tài liệu lưu trữ quân sự”, chị Nhàn cho biết.

LA DUY