Hầu hết họ đều là chiến sĩ liên lạc tiêu biểu được lựa chọn gấp từ các đơn vị để tổ chức thành bộ phận thông tin, và chỉ có họ mới được cấp “Thẻ bài cấp tốc”-là nhân viên văn phòng Bộ chỉ huy tối cao Chiến khu được quyền ưu tiên nhanh chóng trong các việc “đi ô tô, xe lửa, tàu thủy, qua phà, cầu, hoặc lấy lương thực, vật liệu v.v.. bất cứ lúc nào”.

Từ Đội điện thoại đầu tiên

Khi nước nhà độc lập, CCB Lê Văn Chương là một trong số những chiến sĩ liên lạc tiền bối đã trao tấm thẻ bài kỷ vật do Khu trưởng Hoàng Sâm ký cho mình từ năm 1946 tặng các cán bộ Lữ đoàn 603-đơn vị kế tục của bộ đội thông tin Chiến khu 2, 3 (trong kháng chiến chống Pháp) và Quân khu 3 ngày nay. Từ tấm thẻ bài này cùng câu chuyện kể của nhiều CCB và những tư liệu lịch sử, chúng tôi thêm hiểu về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Lữ đoàn Thông tin 603 với bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ.

leftcenterrightdel
 Huấn luyện kíp xe Tổng trạm thông tin tìm kiếm, cứu nạn ở Lữ đoàn Thông tin 603.

Ngày 31-10-1945, Chiến khu 2 và Chiến khu 3 ra đời cùng một số chiến khu khác trong cả nước. Để có lực lượng đảm nhiệm thông tin liên lạc (TTLL), ngoài bộ phận thông tin tại chỗ phục vụ lãnh đạo, chỉ huy, ngày 25-11-1946, Đội điện thoại trực thuộc Phòng Tham mưu, Chiến khu 3 do đồng chí Vũ Văn Tuyến là Đội trưởng được thành lập. Đây là đơn vị tiền thân của Lữ đoàn Thông tin 603 ngày nay.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đội điện thoại và những chiến sĩ thông tin đầu tiên của Chiến khu 2, Chiến khu 3 đã nhận thức sâu sắc nhiệm vụ bảo đảm TTLL phục vụ chiến đấu luôn là mệnh lệnh cao nhất của mình. Thực hiện bảo đảm liên lạc cho chiến khu, Đội điện thoại đầu tiên ấy đã tổ chức tháo đường dây điện đèn, gỡ ra thành nhiều sợi, đồng thời được nhân dân các địa phương ủng hộ tre, cau và công sức để xây dựng các tuyến đường dây thông tin. Với phương châm “Đánh địch, lấy của địch để trang bị cho ta”, cán bộ, chiến sĩ thông tin hai chiến khu đã tổ chức cắt đường dây của địch trên đường số 10 từ Kiến An đi An Lão; trên đường từ Ý Yên đi Phủ Lý, Kim Bảng, Nam Định, kết hợp với du kích tháo máy ở các cơ quan quân sự của Pháp để trang bị cho ta. Trong cuốn hồi ký “Lên đường hạnh phúc” của đồng chí Hoàng Đạo Thúy, nguyên Cục trưởng Cục TTLL đầu tiên, đã dành nhiều đoạn viết về bộ đội thông tin Chiến khu 2, 3: Địch chặn đường này, các đồng chí ta tìm đường khác. Các đơn vị di chuyển đến đâu, thông tin lại kịp thời nối thông liên lạc đến đó. Ở đâu, cán bộ, chiến sĩ thông tin cũng biết dựa vào dân để đặt đài, trạm, cất giấu, vận chuyển tài liệu. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã rất mưu trí, dũng cảm.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn Thông tin 603 kiểm tra chiến sĩ huấn luyện chuyển loại binh chủng. Ảnh: NGUYỄN THẮNG. 

Tháng 2-1947 do địch đánh chiếm địa bàn rộng, thông tin điện thoại ở Chiến khu 2 hầu như không hoạt động được, chủ yếu liên lạc bằng vô tuyến điện (VTĐ) và truyền đạt. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đang trên đường làm nhiệm vụ bị địch bắt, tra tấn, giam cầm, các đồng chí đã kiên quyết không khai báo, đồng thời đã khôn khéo dụ dỗ được nhiều lính Tây sang hàng ta, như chiến sĩ thông tin Phạm Đỗ Hải, Lê Văn Phục đã được Bác Hồ gửi thư khen. Có những tổ đài VTĐ nằm sâu trong vùng địch hậu, luôn bị địch càn quét bắt bớ, phải chịu nhiều hiểm nguy, thiếu thốn song vẫn giữ được liên lạc, như tổ đài VTĐ của đồng chí Đỗ Đắc Lộc ở Thái Bình, tổ đài của đồng chí Nguyễn Hữu Liên...

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đội điện thoại nay là Tiểu đoàn Thông tin 26 nhanh chóng phát triển, mở rộng mạng VTĐ, nhất là thông tin cho phòng không của quân khu. Đồng chí Nguyễn Đình Dược, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 26 từng kể: Từ đầu năm 1965, mạng VTĐ được đơn vị triển khai rộng khắp ở nhiều điểm cao, trong đó có điểm cao 800 ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình và điểm cao 400 ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Trang bị khí tài thông tin cũng được tăng cường thêm, các đường dây trần được khẩn trương tu bổ và xây dựng mới, tuyến Nho Quan - Yên Bồng; tuyến Ngọc Hồi - Hà Đông; tuyến Rịa - Động Thiên Tôn...

Trong câu chuyện của các CCB, họ không quên nhắc đến những tấm gương tiêu biểu của nhiều cán bộ, chiến sĩ thông tin khi thực hiện nhiệm vụ trên các điểm cao, khó khăn thiếu thốn và là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Đó là đồng chí Đỗ Thị Loan, ngày 16-4-1972, đài canh của Đại đội 7 Tổng trạm thông tin Quân khu 3 bị trúng bom, dù bị thương nặng nhưng vẫn thực hiện nốt phiên liên lạc rồi mới bàn giao cho đồng chí khác. Ngày 6-6-1972, trạm Q97 ở Đồng Đăng, Hoành Bồ, Quảng Ninh bị trúng bom của địch, đồng chí Bùi Thị Thiện hy sinh, các đồng chí Vũ Thị Hà, Đinh Thị Tiến vẫn kiên cường vượt qua lửa đạn, cứu chữa thương binh và nối mạng thông tin thông suốt, kịp thời giúp chỉ huy chỉ đạo chiến đấu...

Đến cánh sóng thông tin ở “603”

Từ Đội điện thoại đầu tiên, trải qua quá trình chiến đấu phát triển lên cấp đại đội, tiểu đoàn, đến trung đoàn, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTLL, đơn vị đã mở hàng trăm lớp đào tạo báo vụ, đài trưởng, cơ công, nhân viên điện thoại, quân bưu và hàng nghìn cán bộ chỉ huy, nhân viên, chiến sĩ thông tin thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn và chi viện cho các đơn vị bạn.

Ngày nay, cùng với toàn quân và lực lượng vũ trang Quân khu 3, Lữ đoàn Thông tin 603 chuyển toàn bộ hoạt động sang thời bình. Với tinh thần “Tất cả hướng về đài, trạm”, “Trạm là nhà, đường dây là trận tuyến”; “Vào phòng máy là vào vị trí chiến đấu”..., cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 603 đã có hàng nghìn ngày công xây dựng các tuyến dây trần, tuyến cáp sông, cáp biển, khu tổng trạm thông tin, các chóp VTĐ đến các trạm cơ vụ và tổ trạm lẻ; nhiều tuyến đường dây, công trình thông tin mới được xây dựng. Đại tá Lê Hồng Việt, Chính ủy Lữ đoàn cho biết: Trong tình hình mới, tuy không có bom rơi đạn nổ, song cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, thậm chí cả hy sinh trên mặt trận bảo vệ đường dây để giữ vững mạch máu TTLL, hoàn thành nhiệm vụ. Anh không ngăn nổi xúc động khi nhắc đến các liệt sĩ Hiền, Thịnh, Sinh của Đại đội 5, Tiểu đoàn 26 đã hy sinh trên mặt trận không tiếng súng khi thực hiện trọng trách mà quân đội giao cho đơn vị trên địa bàn Quân khu 3.

Trong điều kiện làm việc phân tán, có những khu vực địa hình phức tạp trải dài trên 9 tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 3, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Thông tin 603 luôn chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ; công tác chính sách và hậu phương quân đội được thực hiện chu đáo, đồng thời thường xuyên xây dựng các phong trào thi đua sôi nổi, hiệu quả, tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ. Lần đến Lữ đoàn Thông tin 603 này đúng dịp đơn vị đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2012-2017. Trong không khí sôi nổi ấy có chiến công của những chiến sĩ nhân viên tổng đài, báo vụ lặng lẽ, âm thầm, nối thông hàng triệu phiên liên lạc kịp thời, chính xác. Như chia sẻ đầy tự hào của Đại tá, Lữ đoàn trưởng Đinh Quang Hiệu: Trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ liên lạc trên các phương tiện thông tin của đơn vị đều đạt giỏi từ 99,98 đến 100%, không vi phạm kỷ luật TTLL, không để lọt canh, lọt tín hiệu; xây dựng hàng nghìn đường cột, hàng trăm tuyến cáp. Đặc biệt từ năm 1996 đến nay, lữ đoàn nhiều lần được Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu “Đơn vị huấn luyện giỏi”.

BÍCH TRANG - DUY ĐÔNG