Vậy nhưng, bên cạnh sự lớn mạnh của tổ chức đoàn và trưởng thành của phần lớn thanh niên Việt Nam, vẫn còn một bộ phận phai nhạt lý tưởng, sống thực dụng, thiếu ý chí vươn lên, thậm chí có những việc làm sai trái, đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của Đoàn, của Đảng. Cùng với xu thế đi lên và khát vọng phát triển của cả dân tộc, những biểu hiện “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị” của một bộ phận thanh niên cần phải được nhận diện cụ thể và kiên quyết đấu tranh, khắc phục.
Nguyên nhân của tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”
Dịp nghỉ Tết Tân Sửu vừa qua, tôi có về quê. Bác bí thư chi bộ vừa là họ hàng, lại gần nhà nên tôi có sang chúc Tết và hàn huyên tâm sự. Chuyện xa gần, đầu làng cuối xã một hồi rồi bác tâm sự: “Chi bộ thôn ta giờ sinh hoạt toàn các cụ U.60, U.70 trở lên thôi cháu ạ. Vài năm nay hầu như không kết nạp được bạn trẻ nào. Có một số thanh niên đi nghĩa vụ quân sự về, là đảng viên dự bị, chi bộ cũng động viên, bồi dưỡng để “tạo nguồn” nhưng được một thời gian, các cháu ấy vì mưu sinh nên phải đi làm ăn xa. Vài tháng, thậm chí cả năm mới về thì sao đủ điều kiện để tham gia các hoạt động và chuyển Đảng chính thức được”. Tôi hỏi về hoạt động đoàn ở địa phương thì bác cho biết: “Giờ hoạt động cũng khó. Thanh niên có khả năng, điều kiện thì đi học và công tác, rồi định cư ở thành phố, ở Thủ đô; số còn lại thì đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm công nhân ở các công ty tư nhân. Bám đồng, bám ruộng chủ yếu là những người đã có tuổi. Một số thanh niên có làm ở nhà cũng đêm ngày mưu sinh thì đâu còn tâm huyết và thời gian để hoạt động phong trào...”.
Bên cạnh lý do mưu sinh như trong câu chuyện ở quê tôi, hiện nay, một bộ phận thanh niên còn thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, vươn lên, sống thực dụng, vị kỷ, nhận thức lệch lạc, hành vi lệch chuẩn, thậm chí quái dị. Cách đây chưa lâu, thật khó tin khi một tội phạm như Ngô Bá Khá, còn gọi là “Khá Bảnh”, khi ra hầu tòa lại được chào đón như một thần tượng. Rời tòa, Khá thản nhiên chào đón các fan hâm mộ. Từ một kẻ vi phạm pháp luật, có nhiều hành vi bạo lực, xăm trổ, tóc bờm ngựa cùng những điệu nhảy quái dị ở các clip tán phát trên mạng xã hội, lại được không ít bạn trẻ hâm mộ, coi như “thần tượng”...
Những câu chuyện trên đây không phải là bức tranh phổ biến nhưng là một thực trạng không phải hiếm của thanh niên Việt Nam và hoạt động đoàn hiện nay. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn nêu rõ: “Công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ qua cũng còn nhiều hạn chế. Một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; thậm chí có một số ít thanh niên bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm đi ngược lại với truyền thống vẻ vang của Đoàn, trái với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc” và “Đặc biệt, Đoàn cần định hướng, giáo dục thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, tăng sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội; tránh tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị”...”.
Tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị” như cảnh báo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ nhiều phía, từ gia đình, môi trường xã hội, đặc biệt là mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật. Công tác giáo dục của Đoàn có hoạt động còn dàn trải, nặng về hình thức, chưa bắt nhịp kịp với những thay đổi nhanh chóng trong nhận thức và đời sống thanh niên. Một số phong trào chưa quan tâm tới các đối tượng đặc thù, yếu thế, cá biệt nên kết quả chưa toàn diện, bền vững. Chất lượng tổ chức đoàn cơ sở trên địa bàn dân cư, nhất là khu vực nông thôn, khu công nghiệp còn lúng túng, khó khăn. Một số cấp ủy, tổ chức đoàn, người đứng đầu thiếu quan tâm tới công tác đoàn và phong trào thanh niên, chưa đầu tư đúng mức cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển đảng viên mới...
Bồi dưỡng những chủ nhân tương lai vừa “hồng”, vừa “chuyên”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò và đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Và: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng, cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ trở thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Dưới ánh sáng tư tưởng của Người, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đối với thanh niên. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người”.
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng mới đây cũng xác định: “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chăm lo nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ thiếu niên, nhi đồng; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em-tương lai của đất nước”.
Để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, tổ chức đoàn cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động. Đặc biệt là việc triển khai ba phong trào lớn: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo” và “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”; và ba chương trình hành động, hỗ trợ thanh, thiếu nhi: Chương trình đồng hành với thanh, thiếu nhi trong học tập, nghiên cứu khoa học, làm chủ công nghệ; Chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; Chương trình đồng hành với thanh, thiếu nhi phát triển kỹ năng xã hội, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần.
Cùng với việc tổ chức các phong trào hành động cách mạng và để khắc phục tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, tổ chức đoàn các cấp phải đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức và bản lĩnh cho thế hệ trẻ; quan tâm công tác bồi dưỡng, kết nạp Đảng và “tạo nguồn” cán bộ cho Đảng; có nhiều phương thức, hình thức hoạt động, tập hợp thanh niên. Đồng thời đề cao vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục, quản lý thanh niên...
Thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước. Những mục tiêu thể hiện khát vọng lớn lao của cả dân tộc tới cột mốc 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045) vừa được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua có thành hiện thực hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự trưởng thành, lớn mạnh và đóng góp của tuổi trẻ Việt Nam. Chúng ta lại như thấy vang vọng lời di huấn của Bác Hồ: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
TRẦN HOÀNG