“Ba nhất” hiệu quả, thực chất

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (7-5-1954), để đáp ứng yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tăng cường xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam thành đội quân cách mạng, tiến dần từng bước lên chính quy, hiện đại. Thực hiện chủ trương trên, ngày 20-10-1955, Trung đoàn Pháo binh 68 thuộc Đại đoàn 304 (sau này là Sư đoàn 304) ra đời.

Khi chúng tôi đề cập đến PTTĐ “Ba nhất”, Thượng tá Nguyễn Văn Hội, Chính ủy Trung đoàn 68 cho hay, tên “Ba nhất” xuất phát từ Hội thi pháo binh toàn quân lần thứ hai (năm 1960). Khi ấy, Đại đội 2 sơn pháo 75mm thuộc Tiểu đoàn 10, Trung đoàn Pháo binh 68 giành huy chương vàng tập thể và cá nhân. Tại lễ trao thưởng, ngày 16-6-1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã biểu dương thành tích của Đại đội 2 là đơn vị đã cùng đoàn tuyển thủ của sư đoàn dẫn đầu toàn quân, giành “Ba nhất”: Giỏi nhất, nhiều nhất, đều nhất (bắn giỏi nhất; có nhiều người, nhiều đơn vị tham gia nhất; đoàn có thành tích đều nhất). Sau hội thi, PTTĐ “Ba nhất” được Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng phát động thành PTTĐ lớn trong toàn quân.

“Trung đoàn Pháo binh 68 tự hào là cái nôi khởi nguồn PTTĐ “Ba nhất” và truyền thống vẻ vang “Chủ động-Kiên cường-Đánh giỏi-Bắn trúng”. Chính yếu tố chủ động, kiên cường, say sưa luyện tập đã giúp đơn vị giành huy chương vàng tập thể và cá nhân trong Hội thi pháo binh toàn quân lần thứ hai. Trong chiến đấu, trung đoàn luôn chủ động trinh sát nắm địch, kịp thời đề xuất phương án sử dụng hỏa lực pháo binh trong từng trận đánh hợp lý; giỏi cơ động hỏa lực; giỏi luồn sâu, bí mật bám trụ; hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn và nhân dân địa phương, nắm chắc tình hình địch. Trung đoàn còn luôn linh hoạt trong chiến đấu, sẵn sàng đưa pháo lên cao, vào gần bắn ngắm trực tiếp, vì thế luôn đạt hiệu suất chiến đấu cao. Mặc dù PTTĐ “Ba nhất” có từ năm 1960 nhưng sức lan tỏa, thẩm thấu không chỉ ở đơn vị mà còn rộng khắp trong toàn quân, toàn quốc. Nhiều năm liền, trung đoàn tham gia hội thi, hội thao, các mặt công tác đều giành giải cao cấp sư đoàn, quân đoàn...”, Thượng tá Hoàng Văn Thắng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Pháo binh 68, giai đoạn 1993-1999 nhớ lại.

leftcenterrightdel

Đoàn công tác Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 kiểm tra mô hình, đồ dùng huấn luyện của Trung đoàn Pháo binh 68 (tháng 3-2020). Ảnh: ĐÌNH LỘC

 

Xung kích làm nhiệm vụ nguy hiểm 

Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Trung đoàn Pháo binh 68 còn luôn sẵn sàng giúp đỡ chính quyền, nhân dân địa phương, nhất là trong công tác phòng, chống cháy rừng. Điển hình là vụ cháy rừng tại xã Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội), xảy ra khoảng 16 giờ 30 phút ngày 2-1-2021.

Trung tá Bùi Đức Phúc, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn Pháo binh 68, người trực tiếp chỉ huy bộ đội tại hiện trường cho biết: “Khi nhận được đề nghị của địa phương, đơn vị điều động lực lượng, phương tiện kịp thời đến nơi, triển khai phương châm “4 tại chỗ”. Mặc dù nhiệt độ cao, khói bụi mịt mù nhưng cán bộ, chiến sĩ không quản khó khăn, hiểm nguy, tích cực dập lửa, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ ở mỗi vị trí đều dũng cảm, kiên cường, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khống chế, phong tỏa ngọn lửa, đón hướng gió, phát đường băng, tạo vành đai an toàn. Chúng tôi đã chia làm nhiều cánh quân phối hợp chặt chẽ, khoanh vùng dập lửa. Đến hơn 23 giờ cùng ngày, ngọn lửa cơ bản được khống chế. Nhưng để bảo đảm an toàn, đơn vị tiếp tục củng cố lằn ranh, ngăn chặn không để lửa cháy lan, gần 2 giờ sáng hôm sau, anh em mới cơ động về doanh trại...”.

THÁI LINH GIANG