QĐND - Tiến sĩ khoa thi năm 1775 Ngô Thì Nhậm đã một lòng một dạ từ bỏ triều đình Lê - Trịnh yếu nát, đi theo phong trào Tây Sơn từ tháng 5 năm Mậu Thân-1788. Và cũng được thủ lĩnh Tây Sơn Nguyễn Huệ thủy chung như nhất, coi “vừa là bề tôi, vừa là khách của ta”-như lời nhận định và giới thiệu Ngô Thì Nhậm vào nhóm quan tướng Tây Sơn thân tín, được giao trông coi toàn bộ công việc miền Bắc đất nước, khi Nguyễn Huệ vì việc chung của quốc gia, phải về (vào) Phú Xuân (Huế) lo liệu.
|
Nơi thờ danh nhân Ngô Thì Nhậm tại thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh tư liệu.
|
Chưa đầy nửa năm sau, đại họa dân tộc thử thách hiểm nghèo đã tới: Vua Càn Long nhà Thanh phái tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân sang xâm lược, có kẻ “rước voi về giày mồ” Lê Chiêu Thống và đám quan tướng ngu trung nhà Lê theo giúp, cuối tháng 10 đã tràn binh lực đến sát biên giới phía Bắc, rồi vượt biên vào cõi.
Bộ chỉ huy Tây Sơn ở Bắc Thành (Thăng Long) vào cuộc họp bàn khẩn cấp, tìm đối sách. Đa số, theo thói quen truyền thống quyết định: Dùng quân mai phục, giống phong trào Lam Sơn trước đấy-đánh úp quân Thanh ở dọc đường tiến quân của chúng. Ngô Thì Nhậm là người duy nhất phản đối chủ trương này. Ở sách “Hoàng Lê nhất thống chí” có một “Biên bản tốc ký” ghi rõ điều phân tích của Ngô Thì Nhậm, so sánh cách đánh tập kích của phong trào Lam Sơn chống quân Minh, với tình thế chống quân Thanh vào lúc này: Lam Sơn được dân chúng ủng hộ, che giấu cho việc mai phục, còn bây giờ thì đám cựu thần nhà Lê ngược lại, sẵn sàng chỉ điểm cho quân xâm lược, khiến “quân cơ bị tiết lộ, ấy là tự hãm mình vào chỗ chết, hòng gì đánh úp được ai?”. Lại còn nói thêm: Binh pháp đã dạy: “Khéo mai phục thì thắng, lầm mai phục là thua”.
Nghe các chiến lược hỏi, vậy thì phải làm thế nào? Ngô Thì Nhậm đã liền đó đề xuất một kế lạ, được ghi nguyên văn vào “Biên bản tốc ký” ở sách “Hoàng Lê nhất thống chí” như sau:
- “Phép dùng binh, có công và có thủ. Nhưng lúc này, đánh thì chẳng được, mà giữ cũng không xong! Cho nên chỉ còn một cách: Sớm truyền cho toàn quân (Tây Sơn ở Bắc Thành) chỉnh đốn khí giới, mang đủ lương thảo, mở cờ gióng trống, không cho địch biết đi đâu, nhưng là lui hết về Tam Điệp, đóng lại nguyên vẹn lực lượng ở đấy, rồi cho người về Phú Xuân bẩm với Chúa (Nguyễn Huệ). Chờ xem kỹ quân Thanh khi nhập đô cư xử ra sao, Lê Chiêu Thống quân mưu quốc kế thế nào, lúc ấy, đợi chúa công từ Huế ra, ta sẽ đánh cũng chưa muộn nào!”.
Dùng hình tượng để giải thích lý thuyết cho chủ trương này, đây là câu nói tiếp của Ngô Thì Nhậm:
- “Đánh giặc phải lựa thế mà lập mưu. Cũng giống như đánh cờ vậy. Trước thì dẫu có nhịn người một nước đi chăng nữa, thì sau rồi sẽ hơn người một nước. Khi ấy sẽ đem nước sau làm nước trước, thế mới là cờ cao. Nay ta “toàn quân” (bảo toàn quân lực) mà rút về chỗ hiểm Tam Điệp, không bị mất một mũi tên. Cho nó vào Thăng Long ngủ trọ một đêm, rồi sẽ “toàn quân” mà ra đánh, đuổi chúng đi, có mất gì đâu ?”. Nước cờ Tam Điệp vậy là đã được lập.
Ngày 20 tháng 11 năm Mậu Thân (17-12-1788) quân Tây Sơn rời Thăng Long, rút hết về vùng đèo núi Tam Điệp hiểm trở, giữa Ninh Bình và Thanh Hóa. Đô đốc Tuyết-cháu của Nguyễn Huệ, trong Bộ chỉ huy Tây Sơn ở Bắc Thành-từ đấy phóng ngựa về Phú Xuân cấp báo, tới nơi vào ngày 24 cuối tháng (21-12-1788).
Trong khi đó, chạng vạng tối ngày 19 tháng 11 (16-12-1788), được tin Thăng Long đã bỏ trống, Lê Chiêu Thống vội đem đám tay chân nhập đô, thăm thú tình hình. Đoạn, thân đi đón rước đại quân nhà Thanh, rạng sáng hôm sau, bắc cầu phao qua sông Hồng, tràn vào kinh đô nước Việt.
“Thắng lợi” dễ dàng và nhanh chóng, chủ tướng Tôn Sĩ Nghị của quân Thanh mắc ngay vào sai lầm chiến lược chết người: Đang đà tiến binh dồn dập, bỗng dưng khựng lại, rồi tản quân, sa đà ngay vào chuyện... ăn Tết, theo đúng lời huênh hoang của chính họ Tôn: “Năm đã gần hết, việc gì phải vội vàng? Không cần đánh gấp! giặc còn gầy, ta nên nuôi cho nó béo, để nó tự dẫn xác đến mà làm thịt!”. Còn Lê Chiêu Thống thì lại càng chẳng có “quân mưu quốc kế” nào, chỉ mải miết việc trả thù, ban ơn và cung phụng lũ quân quan nhà Thanh, khiến chúng dân vô cùng ngán ngẩm: “Nước Nam ta, từ khi có vua đến giờ, chưa thấy có vua nào hèn hạ đến như thế !”.
Nước cờ Tam Điệp của Ngô Thì Nhậm đã tỏ ra là quá lợi hại! Giờ chỉ còn cần “đem nước sau làm nước trước” thôi !
Thế là từ Phú Xuân, vừa nghe tin Tam Điệp cấp báo về, chỉ cần đến hôm sau 25 tháng 11, tức 22-12-1788, Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng đế Quang Trung, và liền với lễ Đăng Quang, là lễ xuất quân đánh giặc luôn!
Vừa hành quân vừa tuyển quân và luyện quân, đến ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thân (15-1-1789), đại quân Tây Sơn đã ra đến Tam Điệp. Và ở đấy, trên đỉnh ngọn đèo chiến lược-trấn giữ, đồng thời nối thông hai miền Bắc và Trung đất nước-những lời đánh giá và khẳng định Nước cờ Tam Điệp đã được chính Quang Trung Nguyễn Huệ nói ra, trước hết là với các quan tướng trong Bộ chỉ huy Tây Sơn ở Bắc Thành:
- “Các người đều là chiến tướng, tự nhiên gặp giặc là đánh, mà lâm cơ cần ứng biến thì không đủ tài. Mấy tháng trước (khi ra Bắc lần thứ hai rồi trở về Phú Xuân) ta phải để Ngô Thì Nhậm ở lại, cộng sự với các ngươi, chính là lo sẵn cho chỗ đó!”.
Những lời như thế, trước hết là để nói về “tác giả” của Nước cờ Tam Điệp, trong dự trù (tiên liệu) thần tình của vị Hoàng soái Tây Sơn. Tiếp theo là những phân tích về tiền đề (điều kiện) để phải có (nghĩ ra) nước cờ kỳ diệu ấy:
- “Bắc Thành mới yên. Lòng dân chưa thể quy phục hết. Thăng Long lại là chỗ trống trải, có thể bị đánh khắp mặt. Năm trước (nữa, lần thứ nhất) ta ra đó để “phù Lê diệt Trịnh”, chúa Trịnh quả nhiên không chống nổi, đó là chứng nghiệm. Đến lượt các ngươi đóng quân trơ trọi ở đấy, giặc Thanh kéo sang, người nào cũng có thể làm nội ứng cho chúng, phỏng các ngươi nhắc chân động tay sao được?”
Cuối cùng là những lời ngợi khen Nước cờ Tam Điệp và người đi nước cờ ấy, không thể có chữ nào hay hơn:
- “Chịu nhẫn nhịn để tránh sức mạnh ban đầu của giặc, đành hãy chỉnh đốn đội ngũ, “toàn quân” (bảo toàn quân lực) mà rút về giữ chỗ hiểm yếu, bên trong thì khiến lòng quân phấn khích, bên ngoài thì khiến lòng giặc kiêu căng, đó là một kế rất hay. Khi mới nghe việc, ta đã đoán là Ngô Thì Nhậm chủ trương. Lúc hỏi đến Nguyễn Văn Tuyết, thì quả đúng như vậy!”.
Tám ngày sau câu nói ấy, đúng đêm 30 tháng 12 năm Mậu Thân (25-1-1789) 5 đạo hùng binh Tây Sơn, theo đội hình “Bàn tay xòe chĩa thẳng” bắt đầu chiến dịch hành tiến tấn công, giải phóng Thăng Long. Và đến trưa ngày mồng 5 Tết năm Kỷ Dậu (30-1-1789), cao trên bành voi chiến, tấm chiến bào đỏ sạm đen khói súng trận mạc, Hoàng soái Quang Trung Nguyễn Huệ dẫn đầu đoàn quân Tây Sơn, tiến vào Thăng Long, giữa cảnh “Mây tạnh mù tan trời lại sáng/ Đầy thành già trẻ mặt như hoa/ Chen vai thích cánh cùng nhau nói/ Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta”- như lời nhà thơ Ngô Ngọc Du đương thời mô tả.
Đất nước sạch bóng quân thù, Thăng Long được giải phóng, sau thời gian “cho giặc vào ngủ trọ một đêm”, theo Nước cờ Tam Điệp của Ngô Thì Nhậm. Vậy là đến nay đã được đúng 225 năm.
Giáo sư LÊ VĂN LAN