Ngài tổng lý và tư duy đổi mới
Các tài liệu khảo cứu của cố nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam khẳng định: Năm 1986, chúng ta mới thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhưng tư duy đổi mới, tư tưởng đổi mới và những mô hình phát triển sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường thì đã hình thành tại Sài Gòn từ đầu thế kỷ 19, phát triển sôi động đầu thế kỷ 20. Một trong những người tiên phong trên lĩnh vực này là Trần Chánh Chiếu. Trong cuốn “Phong trào Duy Tân Bắc-Trung-Nam”, xuất bản năm 1974, Sơn Nam đã viết về cách làm kinh doanh của Gibert Chiếu: “Tháng 7-1908, mua đất xong và công ty cho người ra Bắc Kỳ học cách thức làm hộp quẹt (diêm quẹt) và mướn thợ thầy; bạc thâu vô gần 9.000 đồng. Tháng 9-1908, xà bông của Công ty Minh Tân lại tung ra thị trường, cạnh tranh rất có hiệu quả với xà bông trên thị trường đồng thời có thêm người đóng tiền mua cổ phần của công ty…”.
Công ty Minh Tân được nhà Nam Bộ học Sơn Nam nhắc đến chính là Nam Kỳ Minh Tân Công nghệ xã, do Trần Chánh Chiếu làm Tổng lý (chủ tịch). Ông sinh ngày 2-6 năm Đinh Mão (1867) tại quận Vân Tập, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, Trần Chánh Chiếu được ăn học đàng hoàng từ nhỏ. Trước khi lên Sài Gòn lập nghiệp và hoạt động chống Pháp, ông từng được quan tham biện ở Rạch Giá mời làm thông ngôn và có thời gian giữ chức xã trưởng. Tuy nhiên, với tinh thần tự tôn dân tộc, Trần Chánh Chiếu quyết không bám gót giày Tây. Ông chọn cho mình con đường riêng, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.
Trong cuốn Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành tháng 6-2020, nhà thơ, nhà biên khảo Lê Minh Quốc đã cung cấp những tư liệu phong phú về mô hình công ty của Gibert Chiếu và coi Nam Kỳ Minh Tân Công nghệ xã là mô hình tập đoàn kinh tế đầu tiên ở Sài Gòn và Nam Kỳ. Mô hình thể hiện tầm tư duy kinh tế và cách làm táo bạo, sáng tạo của Gibert Chiếu. Đây là một tập đoàn kinh tế theo phương thức góp vốn cổ phần, hoạt động kinh doanh đa ngành, từ sản xuất, đào tạo, dạy nghề đến thương mại, xuất nhập khẩu…
Gibert Chiếu có tư duy cách tân và cách làm kinh tế táo bạo là nhờ quá trình bôn ba nước ngoài, học tập, tiếp thu cái hay, cái mới của thiên hạ. Trong tác phẩm Minh Tân tiểu thuyết, ông đã mô tả việc này như sau: “Tôi đi khắp nẻo đường Hương Cảng, Dương Thành, Hồ Bắc, Phật Sơn, Tam Thủy… đều thấy thiên hạ đua bơi đau đáu lo đường sanh phương thương nghệ. Người thì ngồi trong phố rộng dệt bố tơ, làm pha ly, làm lược, làm cà rá, hoa tai; kẻ lo đóng giày, làm hia, làm mũ, làm kiếng, làm đèn, làm rương, làm thúng, làm đủ các thứ vật dụng gửi qua Việt Nam mà bán cho người mình mua. Có kẻ lại lo việc tân dân lập nhựt báo, khai sở nhà in bản đá, vẽ đủ các hình cho thiên hạ dễ hiểu. Có người văn chương lo dịch sách ngoại ngữ ra chữ Nho, đặng cho người Thanh tường lãm… Còn các nhà đại thương thì lại rao truyền trong nhựt báo, in biểu thị, cáo thị mà rải khắp, cùng dán tứ phương. Xưa vách tường đóng rong, nay tường thành ngũ sắc. Ngu đệ vào mỗi một nhà nghề mà xem cho rõ cơ mưu. Người Quảng Đông đều hỏi chớ bên Nam Việt không có như thế sao? Tôi hổ thẹn bèn rơi nước mắt…”.
Chỉ qua một đoạn trích vậy cũng đủ thấy, Trần Chánh Chiếu có tính tự tôn, tự trọng rất cao và khả năng nhạy bén, ham học hỏi, tiếp thu cái mới để cải cách, phát triển. Ông đã vận dụng cách làm hay của xứ người đem về áp dụng tại quê hương, xứ sở. Thời bấy giờ, thị trường Sài Gòn và Nam Kỳ đều do người Pháp lũng đoạn. Hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng do người Việt sản xuất, cung ứng rất khiêm tốn.
Chống Pháp bằng sức mạnh kinh tế và giáo dục, đào tạo
Mục đích cao nhất của Gibert Chiếu khi thành lập và phát triển tập đoàn kinh tế là để người Việt mạnh lên, giàu lên, có đủ tiềm lực chống Pháp. Cùng với mở rộng sản xuất kinh doanh làm giàu, ông đã khởi xướng cuộc Minh Tân (tức Minh đức tân dân, một tên gọi khác của Phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ đầu thế kỷ 20). Trong suốt quá trình nuôi dưỡng và lãnh đạo Phong trào Minh Tân, Gibert Chiếu luôn nhất quán phương châm phải mở mang dân trí, khai phóng tầm nhìn cho nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ để thoát khỏi cái bóng của người Pháp. Trong cuốn Lược sử Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Trần Chánh Chiếu là người cầm đầu Phong trào Minh Tân. Đây là một phong trào chính trị tương đương với Phong trào Đông Kinh nghĩa thục và có mối quan hệ với Phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Chính ông nói rằng lập báo (Lục tỉnh tân văn) ra là để nhằm “biển cải Nam nhân”, khuyến khích người An Nam lo việc thương mãi, học nghề nghiệp mà tranh đua quyền lợi với Chệt (Hoa kiều) với Chà (người Java). Ông Chiếu chẳng những kêu gọi mở cuộc Minh Tân, mà bản thân ông cũng lập hãng, kêu hùn, đồng thời ông cũng kêu gọi mọi người góp sức xây dựng nền quốc văn. Lục tỉnh tân văn, thời Trần Chánh Chiếu có hoạt động thật sự trên mặt văn chương và chính trị”.
Trần Chánh Chiếu là một nhân vật đặc biệt. Ông là người đa năng, đa tài, có tư tưởng đổi mới mạnh mẽ. Ông là một nhà văn, nhà báo, học giả xuất sắc. Những năm đầu thế kỷ 20, tại Sài Gòn, Gibert Chiếu làm chủ bút tờ báo Nông cổ mín đàm, về sau ông còn làm giám đốc tờ Lục tỉnh tân văn. Bằng tư duy sâu sắc, uyên bác của một người làm văn, làm báo và sự nhạy bén của một nhà kinh tài, Gibert Chiếu đã khéo léo kết hợp việc sử dụng báo chí để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần yêu nước gắn với phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Trong một bài viết, Giáo sư Trịnh Vân Thanh đã đánh giá về Gibert Chiếu: “Trần Chánh Chiếu vốn là một người yêu nước, có tinh thần hy sinh cao quý. Để kiến tạo xứ sở và canh tân guồng máy cai trị, ông thường viết bài công kích chính sách cai trị lỗi thời của Pháp. Ông lại hô hào cổ vũ việc khuếch trương kinh tế và dùng hàng nội hóa để chấn hưng nền kinh tế quốc gia”. Cùng với tập đoàn kinh tế Nam Kỳ Minh Tân Công nghệ xã, ông còn sáng lập mô hình tín dụng ở Sài Gòn-Chợ Lớn, nhằm hỗ trợ, kích thích nhu cầu kinh doanh của tiểu thương người Việt. Nhờ đó, thị trường Sài Gòn-Chợ Lớn lúc bấy giờ ngày càng có nhiều thương gia người Việt có tiếng tăm. Hoạt động sản xuất, cung ứng hàng tiêu dùng, các làng nghề, cơ sở sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều. Hàng Việt đáp ứng nhu cầu của người Việt, kích thích tính tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước trong dân chúng tăng cao. Chính vì thế, Trần Chánh Chiếu trở thành cái gai trong mắt người Pháp. Tháng 10-1908, ông bị thực dân Pháp bắt giam, kết tội tuyên truyền chống Pháp và hậu thuẫn cho Phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Nửa năm sau, nhờ các mối quan hệ rộng rãi trong giới kinh tài, ông được trả tự do. Ra tù, Trần Chánh Chiếu tiếp tục củng cố các mối quan hệ nhằm khôi phục, phát triển kinh tế, bí mật cung cấp tiền bạc cho cụ Phan Bội Châu duy trì phong trào kháng Pháp. Năm 1917, ông bị thực dân Pháp bắt lần hai, giam cầm tại Khám lớn Sài Gòn. Sau khi được trả tự do, Trần Chánh Chiếu lâm bệnh nặng và qua đời năm 1919 tại Sài Gòn.
Ngoài con đường Trần Chánh Chiếu, tên của ông còn được đặt cho một khu chợ truyền thống cạnh con đường mang tên ông, nối với kênh Tàu Hủ. Đây là mô hình chợ kiểu “trên bến dưới thuyền”, đặc trưng giao thương của người Sài Gòn-Chợ Lớn thời xưa.
Hơn một thế kỷ nhìn lại, giới nghiên cứu đều cho rằng, tư duy đổi mới, tinh thần yêu nước và cách làm kinh tế, truyền thông kinh doanh của Trần Chánh Chiếu vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Ông xứng đáng là một bậc thầy của các doanh nhân trong môi trường đổi mới, hội nhập hiện nay.
THANH KIM TÙNG