Theo di huấn của Bác, Hà Nội đã đi qua một chặng đường lịch sử hào hùng với những bước chuyển được coi như “thần kỳ”. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Bức tranh Hà Nội, hôm qua và hôm nay

Phóng viên (PV): 65 năm trong lịch sử hơn 1.000 năm là thời gian rất ngắn nhưng lại rất đặc biệt, chứng kiến một trong những giai đoạn hào hùng, vàng son nhất trong lịch sử dân tộc và Thăng Long-Hà Nội. Ý nghĩa của Ngày Giải phóng Thủ đô với Hà Nội, với cả nước như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Với người dân Việt Nam, ngày 10-10-1954 không chỉ ghi dấu mốc lịch sử của Thủ đô Hà Nội mà còn là mốc son chói lọi, là sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc ta. 65 năm đã qua, những xúc cảm bồi hồi, tràn đầy niềm kiêu hãnh và tự hào cùng với ký ức hào hùng của những ngày đấu tranh giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội vẫn vẹn nguyên, mãi in đậm trong tâm trí mọi người. Chắc chắn rằng, hình ảnh những đoàn quân với quân trang bình dị, giương cao lá cờ đỏ sao vàng hùng dũng tiến vào Thủ đô từ 5 cửa ô với tư thế của những người chiến thắng sẽ không bao giờ phai mờ trong thế hệ những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã từng có mặt, chứng kiến giây phút hào hùng đó.

leftcenterrightdel
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng động viên tân binh Hà Nội trước giờ lên đường nhập ngũ. Ảnh: BÁ HOẠT 

Sự kiện giải phóng Thủ đô ngày 10-10-1954 đã đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa cực kỳ to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử phát triển của Hà Nội và dân tộc ta. Kể từ đây chấm dứt sự có mặt của quân Pháp sau hơn 7 thập niên đô hộ, Thủ đô của đất nước ta thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân; nhân dân lao động thoát khỏi chế độ áp bức, bóc lột. Người dân được đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, xây dựng xã hội mới, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước.

PV: Chúng tôi cũng như những bạn trẻ rất khó có thể hình dung Hà Nội hôm nay và Hà Nội 65 năm trước khác biệt như thế nào. Nếu như có một sự so sánh, đồng chí có thể phác họa đôi nét về bức tranh Thủ đô của hai thời điểm nói trên?

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Trải qua 70 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, Hà Nội gánh chịu những hậu quả nặng nề về kinh tế, văn hóa, xã hội với tàn dư của chủ nghĩa thực dân cũ còn rất nặng nề, gây khó khăn lớn trong việc xây dựng và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân ở Hà Nội. Vào thời điểm được giải phóng, Hà Nội có 43 vạn dân cư trú tại 34 khu phố, 45 xã của 4 quận nội thành và 4 huyện ngoại thành; bộ máy chính quyền hầu như chưa có kinh nghiệm; chỉ có 9,6 triệu đồng vốn sản xuất kinh doanh và gần 5.500 lao động tại các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; 231km đường nhựa và 65km đường rải đá đã hư hỏng; gần 1.100ha đất canh tác bị bỏ hoang; hàng vạn trâu bò bị giết hại; hệ thống đê điều, kênh mương bị bom đạn cày phá; 7,7 vạn lao động thất nghiệp; hàng chục vạn người mù chữ; tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, khó kiểm soát... Đó là những nét cơ bản về bức tranh Hà Nội khi ta tiếp quản từ chế độ thực dân Pháp.

65 năm đã qua, kể từ ngày Thủ đô được giải phóng, Hà Nội luôn là niềm tự hào, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người khi đương đầu và đánh bại những kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất; cùng cả nước khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, Hà Nội được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính, tạo thêm thế và lực mới để xây dựng và phát triển. Hiện nay, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, hơn 8% về dân số cả nước, nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP và gần 20% về thu ngân sách cả nước; xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Năm 2018, thành phố đã đạt và vượt 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 7,61%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (7,08%); thu nhập bình quân đầu người đạt 117 triệu đồng, tương đương 5.050USD/năm, khu vực nông thôn đạt 46,5 triệu đồng/người/năm. Hà Nội là đơn vị đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với 84,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, giảm nghèo (còn 0,6%) đều vượt chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ. Văn hóa-xã hội Thủ đô tiếp tục phát triển cao, xứng đáng với vị trí là trung tâm lớn của cả nước; truyền thống Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến, anh hùng, tiếp tục được gìn giữ, phát huy và bồi đắp thêm nhiều giá trị mới... Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa quốc tế lớn, đặc biệt là những sự kiện có sự tham gia của các nguyên thủ diễn ra thành công tại Hà Nội, góp phần làm cho Hà Nội thực sự trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu. Hình ảnh “Hà Nội-Thành phố vì hòa bình” ngày càng đẹp hơn trong lòng du khách và bạn bè bốn phương.

Làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp

PV: Hà Nội hôm nay đang phát triển và “thay da đổi thịt” hằng ngày, nhưng cũng đứng trước rất nhiều thách thức. Cụ thể của những thách thức ấy là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Đúng là sau hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính và triển khai Luật Thủ đô, Hà Nội tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, xứng đáng là trái tim của Tổ quốc, là đầu não, trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Tuy nhiên, những cơ hội, thách thức trong tương lai cũng đặt ra cho Hà Nội nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, trong đó nổi bật là những hạn chế, tồn tại như: Kinh tế Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là phát triển kinh tế tri thức và ứng dụng công nghệ cao; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành còn chậm so với yêu cầu; mật độ xây dựng, dân số nội đô ngày càng tăng cao; quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai, trật tự an toàn giao thông còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; vấn đề môi trường còn nhiều bất cập... Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả như mong muốn. Sản phẩm du lịch chưa được đầu tư đúng mức, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô…

PV: 65 năm sau ngày giải phóng, thực hiện di huấn của Bác Hồ, Hà Nội cần phải làm gì để “làm cho Thủ đô ta thành một thủ đô bình yên, tươi đẹp” và “Hà Nội phải làm gương cho các đảng bộ khác”?

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Tôi cho rằng, để thực hiện tốt những lời căn dặn của Bác Hồ lúc sinh thời, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Hà Nội, với niềm tự hào là công dân của Thủ đô anh hùng cần phải nỗ lực hơn nữa, chung tay góp sức phấn đấu xây dựng Hà Nội “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và văn minh hơn. Trước mắt tập trung thực hiện tốt một số công việc như: Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, làm cho mọi đảng viên ở các tổ chức Đảng ngày càng hiểu sâu sắc hơn, thấu đáo hơn, toàn diện hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để tự giác học tập và rèn luyện theo tấm gương Bác Hồ, coi đó là việc làm vô cùng cần thiết và gắn bó với chúng ta hằng ngày, hằng giờ và suốt cả cuộc đời.

Phát huy truyền thống đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Hà Nội, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước. Vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta vào việc tổ chức các hoạt động thực tiễn, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền cùng toàn bộ hệ thống chính trị và các đoàn thể quần chúng, sâu sát và tổ chức nhân dân thực hiện một cách tốt nhất, phù hợp và có hiệu quả nhất. Cụ thể là một số trọng tâm lớn như sau: Phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững; tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đổi mới công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, phát triển quản lý đô thị và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả xây dựng quản lý phát triển đô thị và năng lực đội ngũ cán bộ quản lý chuyên môn đô thị... Giữ vững ổn định chính trị xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ, lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô trong tình hình mới.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

TRẦN HOÀNG (thực hiện)