QĐND - Những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội mùa đông 1946 là những ngày đầy khí thế sục sôi. Khẩu hiệu “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” không chỉ là một lời hiệu triệu, mà đã trở thành hiện thực với những cuộc chiến đấu đầy bi tráng, đầy chất Hà Nội của những người Hà Nội. Bảy mươi năm qua, đã có rất nhiều tác phẩm văn học-nghệ thuật nói về những ngày hào hùng ấy. Và cũng đã có nhiều văn nghệ sĩ tâm huyết với đề tài này, trong đó có một người con của Hà Nội-nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Hà Nội mùa đông năm 1946. Ảnh tư liệu.
Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Huy Tưởng đã hướng ngòi bút của mình vào những sự kiện lớn của Hà Nội, của dân tộc. Vở kịch “Những người ở lại” viết về những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến ở Thủ đô và sau đó là những ngày chiến đấu của các tầng lớp nhân dân, trong đó có trí thức Hà Nội nơi thành phố tạm thời bị thực dân Pháp chiếm đóng (1946-1954). Những ngày Toàn quốc kháng chiến ở Thủ đô còn được Nguyễn Huy Tưởng thể hiện trong tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô”. Tiểu thuyết này được in năm 1961, nhưng được tác giả ấp ủ ngay từ những ngày đầu tiên Trung đoàn Thủ Đô cùng nhân dân Hà Nội chiến đấu trong vòng vây của địch (60 ngày đêm cuối năm 1946, đầu năm 1947).
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Tuy “Sống mãi với Thủ đô” mới dừng lại ở tập một, nhưng tác phẩm đã dựng lại toàn bộ cuộc chiến đấu kéo dài sáu mươi ngày đêm của quân dân Hà Nội. Tác giả đã khái quát những khó khăn của cuộc chiến đấu mùa đông năm ấy cũng như tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của những người lính và nhân dân Hà Nội lúc bấy giờ chỉ qua mấy lời đối thoại của các chiến sĩ trong một cuộc hội nghị trước trận đánh:
“... Nếu như cầu Long Biên ta không phá được và sông Hồng bị nó kiểm soát, con đường Cửa Nam, Tràng Thi, Tràng Tiền ta không giữ nổi, thì tức là ta bị chẹt ở phía bắc cũng như ở phía nam. Phía Lò Lợn và phía Yên Phụ rất dễ bị cơ giới nó cắt, thế nghĩa là đông, tây cũng bị vít kín. Chỉ còn lại Liên khu I ở giữa cái thế bốn mặt bị bao vây, thì cuộc chiến đấu sẽ như thế nào? Phải nói rằng chúng ta có kinh nghiệm đánh du kích ở rừng, ở núi, nhưng chúng ta chưa bao giờ đánh nhau trong thành phố. Không nói nhân dân, ngay cả bộ đội cũng vậy… Đấy là về mặt chiến đấu. Còn về mặt quân nhu, lương thực thì chúng ta giải quyết như thế nào để có thể đánh lâu dài? Võ khí không làm ra được, lương thực không sản xuất được. Không nói cái gì xa xôi, chỉ nói một vấn đề nước thôi. Đánh nhau, ta nhất định phải phá Nhà máy nước, địch nó lúng túng đã đành, nhưng ta, ta sẽ giải quyết vấn đề nước như thế nào?”...
"Hội nghị càng xôn xao... Có tiếng một đại biểu hỏi:
- Đồng chí Hồng Lưu cho biết ý kiến của đồng chí là thế nào? Có phải ý đồng chí là ta không thể giữ Liên khu I được phải không?
Hồng Lưu nói:
- Ý kiến tôi đã rõ. Nghĩa là chúng tôi sẽ hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Chúng tôi xin thề như thế trước chân dung Hồ Chủ tịch, trước mặt đồng chí Bí thư, đồng chí Khu phó, và tất cả các đồng chí...”.
"... Tiếng ồn ào của hội nghị:
- Chúng tôi đã hạ quyết tâm sống chết với Thủ đô!
- Xin Đảng cho đánh. Chúng tôi thề giữ được Thủ đô!
- Xin cho đánh!
... Bây giờ nói về Hà Nội. Kế hoạch là phải giữ trong một thời gian, kìm chân giặc càng lâu càng tốt. Liên khu I đối với Hà Nội có thể như xưởng Tháng Mười Đỏ đối với Xta-lin-grát không?”. (Trích chương 16 "Sống mãi với Thủ đô”)
Bìa cuốn sách “Sống mãi với Thủ đô”.
Những hình ảnh gây ấn tượng nhất trong “Lũy hoa”-một truyện phim cũng của Nguyễn Huy Tưởng viết về Hà Nội kháng chiến (và cả trong phim “Sống mãi với Thủ đô”-một bộ phim tái hiện trận Hà Nội 1946 của đạo diễn Lê Đức Tiến, ra mắt lần đầu năm 1996 dựa theo tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” và truyện phim “Lũy hoa” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) là những lỗ tường, thông từ nhà nọ sang nhà kia; chỉ cần chui qua các lỗ tường, là được biết gần như toàn bộ chân dung sinh hoạt và chân dung tinh thần của người Hà Nội. Những lỗ tường vừa gắn nối ý chí chiến đấu cũng đồng thời xóa bỏ ngăn cách, phân biệt giữa các tầng lớp cư dân, khi cuộc sống bình yên đời thường chuyển sang thời chiến đầy bất trắc. Và sau các lỗ tường là những chướng ngại vật, chất cao trên khắp các đường phố, gồm những cột điện, tủ, bàn, giường, ghế, xe ba gác, xe bò, xích lô, cùng với tất cả những gì có trong mỗi căn nhà, sau mỗi biển hiệu, mà người dân không thể mang theo, và cũng không muốn để cho địch sử dụng... Những hình ảnh rất Hà Nội của những ngày “thủ đô huyết lệ” ấy cũng thấy trong “Sống mãi với Thủ đô”:
"... Phố Gia Ngư, cái phố nhỏ không có cá tính, bà con nghèo của những phố Hàng Đào, Hàng Bạc, tự vệ đang lúi húi đào những hố tác chiến bên hè... Trên đường phố, nhựa đã mòn, ngổn ngang những mô đất đen, úp sùm sụp, mới thoạt trông như những đầu lâu to nhỏ quăng đấy. Một cái biển giấy trắng cắm bên một cái nồi, đề một hàng chữ viết tay bằng mực đỏ, còn ướt, mực rỏ xuống như máu chảy: "Mồ chôn thực dân Pháp”. Được dịp chủ vắng nhà, một thằng nhỏ và một con sen, mỗi người xách một cái nồi đất vỡ, đuổi nhau đú đởn, rú lên những tiếng cười sằng sặc. Để tỏ ra mình là người dân chủ, trong một xã hội mà mọi người đều bình đẳng, Nhật Tân niềm nở hỏi họ: “Các anh các chị cũng chuẩn bị đấy à? Ai bảo đem nồi đất ra thế kia?”. Thằng nhỏ nói: “Thưa cậu, các anh ấy bảo đấy ạ. Đâu trên Hàng Bún, Tây nó đi rồi, thì các anh úp nồi như thế này, một lúc nó trở lại, xe tăng không dám xông xáo nữa”. Nhật Tân gật đầu huýt một tiếng sáo nhẹ. Con Lu Lu đang cúi xuống hít hít một cái nồi đất. Anh ra hiệu cho nó đi. Mấy thím khách búi tóc cài trâm, ngồi trong khung cửa nhìn ra ngoài, mắt sợ hãi, vẻ mặt ngây thộn. Thấy các tường nhà Hoa kiều nào cũng dán những miếng giấy đỏ dài, viết chữ nho và vẽ lá cờ Thanh thiên bạch nhật, lại thấy các thím có vẻ an nhàn, Nhật Tân khó chịu. Anh nói to: "Này, có đọc báo không? Ở Hải Phòng, Tây nó giết cả người Tàu đấy”. Một thím nói: “Ừ, nó giết cả đấy, nó ác lắm kia mà”. (Trích chương 6 “Sống mãi với Thủ đô”)
Cũng như Trần Văn, các học trò của anh trước giờ phút lâm nguy của Thủ đô đã quyết sống chết không rời Hà Nội. Với Trần Văn, những biến cố xảy ra trước và sau ngày Toàn quốc kháng chiến khiến anh luôn bên Trinh-người yêu cũ. Khi xảy ra tác chiến ở nhà máy đèn, chồng Trinh bị một tên lính Pháp bắn chết, Trần Văn đã ngẫu nhiên cứu được mẹ con Trinh ra khỏi hầm trú ẩn. Rồi sau một trận đánh, Trần Văn lại tình cờ gặp Trinh đang bế đứa con nhỏ trên tay, mệt mỏi, tuyệt vọng trong đám người hỗn độn chưa kịp tản cư. Nhìn Trinh nhỏ bé trong bóng tối, lảo đảo vì mệt mỏi, khuỵu luôn, trật giày luôn, anh thấy ngậm ngùi thương xót: “... Tiếng súng vẫn nổ. Trời vẫn chớp chớp. Đám cháy về phía bờ sông đỏ rực. Văng vẳng đưa lại những tiếng chó sủa và tiếng người kêu gào. Gió ở hồ thổi lạnh ngăn ngắt, táp vào mặt. Trần Văn cuộn lại cái chăn ủ con bé mà anh đã làm tung ra. Tính anh vốn hay bế ẵm trẻ con, lúc này anh lại thấy tha thiết cái nhu cầu ấy. Con bé sống sót của chiến tranh, trở nên quý giá vô ngần. Mùi thơm của cái chăn và mùi sữa hoi hoi như át được mùi tanh tưởi của máu và mùi khét của súng đạn đầy trong không khí của cái đêm giá lạnh”. (Trích chương 24 “Sống mãi với Thủ đô”)Viết “Sống mãi với Thủ đô”, Nguyễn Huy Tưởng không chỉ thành công trong phục dựng không khí bi tráng của lịch sử mà còn lột tả một cách tinh tế thế giới nội tâm phong phú, phức tạp của các nhân vật, đưa tất cả trở thành sống động, như thể đang trong đối thoại, trong tranh luận với người đọc... Với bút pháp hào hoa, với tâm hồn mẫn cảm, Nguyễn Huy Tưởng đã diễn tả được những nét sang trọng, lịch sự của người Hà Nội, sang trọng, lịch sự mà vẫn yêu nước, ghét chiến tranh, điều đó làm nên phong vị và màu sắc riêng, không lẫn với những sáng tác cùng thời, cùng một đề tài.
"Sống mãi với Thủ đô” đã làm xao xuyến biết bao trái tim những người yêu Hà Nội thuộc nhiều thế hệ, trong đó có cả các văn nghệ sĩ. Trong bài “Bên nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cùng ngắm Hồ Gươm” (Báo Người Hà Nội, ngày 19-5-1989), nhà văn tài năng Nguyễn Minh Châu viết: “Tôi đọc “Sống mãi với Thủ đô” đã mấy chục năm nay thế mà vẫn còn giữ nguyên trong trí nhớ một chiếc lá sấu vàng khô cong như một tấm vàng giát, từ từ và lặng lẽ gieo xuống vạt cỏ ven Hồ Gươm trong một buổi chiều mùa đông… Hà Nội sắt lại trong một vẻ buồn nghiêm nghị”. Tác giả “Dấu chân người lính” viết tiếp: “Quả thật Nguyễn Huy Tưởng đã có một cái nhìn khám phá khi ông chỉ cho chúng ta thấy trong cái giây phút đầu tiên chiến tranh vừa xảy đến đó, thành phố Thủ đô đầy hoa lệ và sang trọng đã hiện ra từ cốt lõi, gốc gác thôn quê của nó. Nguyễn Huy Tưởng đã đem thành phố Thủ đô hoa lệ hòa mình vào đất nước-chính điều đó có cái gì khiến chúng ta yên lòng. Mỗi con người Thủ đô chúng ta trở nên bình tâm hơn để đánh giặc”.
Thập Tam trại, mùa đông năm 2016