Loại TLPK này bắt đầu nổi tiếng trên thế giới từ ngày 1-5-1960, khi nó bắn hạ chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ xâm phạm vùng trời Liên Xô ở độ cao 20.000m và viên phi công Pao-ơ bị bắt sống làm chính quyền Mỹ lúc đó không thể chối cãi. Nhưng dấu ấn sâu đậm nhất mà loại TLPK này để lại trong lịch sử quân sự chính là hiệu quả của nó trên chiến trường Việt Nam, dưới bàn tay điều khiển của các chiến sĩ tên lửa Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
SAM-2 ở Việt Nam
Liên Xô đặt tên cho loại TLPK đầu tiên của mình là Đơ-vi-na, ký hiệu là S-75, còn ở Việt Nam nó thường được gọi là SAM-2 (theo chữ viết tắt tiếng Anh: Surface to Air Missile – tên lửa đất đối không). Tính năng chiến-kỹ thuật ban đầu của S-75 là: Độ cao diệt mục tiêu tới 27.000m, cự ly diệt mục tiêu tới 34.000m, đủ khả năng đối phó với tất cả các loại máy bay chiến đấu của không quân Mỹ lúc đó, kể cả B-52. Đầu năm 1965, khi không quân Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam nhiều tổ hợp TLPK S-75 và các chuyên gia quân sự Xô-viết đã huấn luyện trực tiếp cho chiến sĩ ta ngay tại Việt Nam trong một thời gian ngắn kỷ lục: Từ kế hoạch một năm xuống còn hai tháng rưỡi. Trận đầu ra quân của SAM-2 là vào ngày 24-7-1965 ở khu vực Suối Hai, Trung Hà (Hà Tây trước đây) khi tốp máy bay F-4 của không quân Mỹ bay vào ở độ cao 7.000m đã bị trúng tên lửa do kíp chiến đấu hỗn hợp Liên Xô-Việt Nam của Tiểu đoàn 63 và 64 phóng lên và 1 chiếc F-4 bị bắn rơi tại chỗ, 1 phi công chết và 1 phi công bị bắt sống. Chỉ 2 ngày sau, 1 máy bay không người lái BQM-34 bay vào do thám trận địa ở độ cao 18.000m cũng bị các chiến sĩ tên lửa Tiểu đoàn 64 bắn rơi tại chỗ. Không quân Mỹ hoàn toàn bị bất ngờ vì họ cho rằng Việt Nam “còn phải nhiều tháng nữa mới sử dụng được loại vũ khí này”.
Luyện tập chuyển trạng thái SSCĐ ở Trung đoàn Tên lửa 263, Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-không quân. Ảnh: Nguyễn Cường.
Thời gian đầu, trang bị mới của chúng ta đã khiến không quân Mỹ chịu nhiều thiệt hại, mất tinh thần và lúng túng đối phó. Có trận, các chiến sĩ Việt Nam chỉ bằng 1 quả tên lửa đã bắn rơi 2 máy bay phản lực Mỹ (ngày 7-3-1966, Tiểu đoàn tên lửa 61 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Hồ Sỹ Hưu đã phóng 1 tên lửa diệt cả tốp 2 máy bay trinh sát RF-101…). Sau đó, địch nhanh chóng dùng nhiều biện pháp đối phó về cả chiến thuật và kỹ thuật, đặc biệt là thủ đoạn gây nhiễu điện tử với hàng chục loại nhiễu công suất từ nhỏ đến lớn, trên mọi dải tần nhằm vào các thiết bị điện tử tên lửa, ra-đa, thông tin liên lạc của ta. Điển hình phải kể tới loại nhiễu rãnh vô tuyến điều khiển tên lửa (nhiễu rãnh đạn) ALQ-71 xuất hiện cuối năm 1967… khiến nhiều tên lửa của ta phóng lên bị mất điều khiển. Để đối phó, chuyên gia Liên Xô đã trực tiếp cùng với các cán bộ kỹ thuật tên lửa Việt Nam thực hiện nhiều lần cải tiến khí tài tên lửa để nâng cao tính năng và hiệu quả chiến đấu. Phải nói rõ rằng, Liên Xô đã rất kịp thời giúp ta trong việc này và cử đầy đủ chuyên gia kỹ thuật cùng toàn bộ máy móc, vật tư, linh kiện cần thiết sang Việt Nam. Đã có 5 đoàn chuyên gia kỹ thuật Liên Xô sang Việt Nam cải tiến khí tài tên lửa, đều do Kỹ sư trưởng I.P.Savkun dẫn đầu và đây là vị chuyên gia Liên Xô được Chính phủ Việt Nam đánh giá công trạng rất cao và tặng thưởng đủ bộ 3 Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba. Kết quả là trước chiến dịch phòng không tháng 12-1972, các bộ khí tài tên lửa của ta đã được cải tiến xong giai đoạn 3 và có thể sẵn sàng đối phó tốt nhất với B-52 cũng như các loại máy bay khác của Mỹ. Đây là yếu tố rất quan trọng giúp cho bộ đội tên lửa Việt Nam giành được lợi thế trong cuộc đối đầu ác liệt với B-52 cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội.
Một điểm nữa mà chính các chuyên gia Liên Xô đã nhấn mạnh nhiều lần trong hồi ký của mình là các chiến sĩ tên lửa Việt Nam với trình độ và kinh nghiệm chiến đấu cao đã nhanh chóng nắm bắt được các tính năng mới của khí tài tên lửa cải tiến, sau đó vận dụng thành thạo và rất sáng tạo khi đối đầu với các tình huống hết sức phức tạp do không quân Mỹ gây ra.
Chiến thắng độc nhất
Sau năm 1972, nhiều cuộc chiến tranh vẫn tiếp tục xảy ra trên thế giới và B-52 vẫn tung hoành ngang dọc nhưng cho đến tận ngày nay, Việt Nam vẫn là nước duy nhất bắn rơi tại chỗ nhiều siêu pháo đài bay B-52 chỉ với lực lượng ít ỏi và loại tên lửa SAM-2 bị coi là “thế hệ 1 cổ lỗ”. Đây là đỉnh cao huy hoàng nhất của tên lửa SAM-2 trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam mà nhiều loại tên lửa hiện đại hơn ra đời sau này không thể có được. Riêng ở Hà Nội, chỉ có không quá 13 tiểu đoàn SAM-2 Việt Nam trực tiếp chống lại gần 200 chiếc B-52 (48% lực lượng không quân chiến lược Mỹ) và đã bắn hạ 34 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ, trong đó có chiếc còn nguyên bom rơi ở làng hoa Ngọc Hà, nội thành Hà Nội) trong thời gian rất ngắn: 12 ngày đêm. Nhiều kíp trắc thủ tên lửa Việt Nam lần đầu đối mặt với B-52 đã nhanh chóng vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, rút kinh nghiệm sau một vài lần chiến đấu và chỉ sau 2 đêm 18, 19-12 đã lập công xuất sắc vào đêm 20-12-1972 khi phóng 36 tên lửa bắn rơi 7 chiếc B-52 (hiệu suất chiến đấu rất cao, trung bình 5,2 tên lửa hạ 1 B-52) làm không quân chiến lược Mỹ phải giãn ra, không dám trực tiếp đánh vào Hà Nội nữa… Lầu Năm Góc đã phải chịu hoàn toàn thất bại trong chiến dịch này trước ý chí chiến đấu ngoan cường của bộ đội tên lửa và lực lượng phòng không-không quân Việt Nam.
Theo chính số liệu thống kê của Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ (SAC), đã có 31 chiếc B-52 bị rơi ở Việt Nam do hỏa lực phòng không đối phương và do “trục trặc kỹ thuật”, hàng chục chiếc khác bị thương, trong đó có 9 chiếc hư hỏng nặng không thể sử dụng được nữa (sau trận đánh vẫn bay về được căn cứ nên SAC không tính là “bị bắn rơi”) cùng với hàng trăm phi công B-52 thiệt mạng và rơi vào tay đối phương. Còn theo thống kê của các chuyên gia Liên Xô có mặt tại Việt Nam, trong kháng chiến chống Mỹ, bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam đã đánh hơn 3.000 trận, phóng 5.804 tên lửa, bắn rơi gần 1.300 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 54 chiếc B-52…
Chiến tranh ở Việt Nam được ghi nhận là cuộc chiến có sử dụng TLPK với số lượng lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới. Dù số liệu thống kê của các bên luôn khác nhau nhưng sự kiện tên lửa SAM-2 với dấu ấn Việt Nam bắn rơi tại chỗ B-52 sẽ mãi đi vào lịch sử quân sự như một trang sử không bao giờ phai mờ!
NGUYỄN THỤY ANH