Chuyến về nguồn năm ấy tôi được tham gia do Trung tá Trần Ngọc Luận, cán bộ Phòng Chính trị Lữ đoàn Thông tin 134 phụ trách. Trên xe, anh Luận tranh thủ bổ túc cho tôi thêm đôi điều: Vào những năm 1966-1967, Bộ Quốc phòng quyết định xây dựng thêm tuyến thông tin dây trần hơn 400 cây số từ bắc Nghệ An vào sát sông Bến Hải. A72 là trạm cơ vụ loại lớn, đặt trong một hệ thống hang đá dưới chân núi An Bờ thuộc miền tây huyện Lệ Thủy.

Từ mùa xuân năm 1971, A72 còn là trạm đón tiếp các cơ quan của Bộ Quốc phòng và phái viên cấp cao của Đảng, Nhà nước vào trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các chiến dịch lớn. Nhiều tướng lĩnh có mặt tại chiến trường Trị-Thiên từng làm việc tại trạm A72. Đặc biệt, tháng 2-1971, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong chuyến đi thị sát chiến trường đã đến thăm và nghỉ lại ở trạm này... Từ đó, hang đặt trạm cơ vụ A72 được bộ đội và bà con nơi đây gọi là “hang ông Giáp”!

leftcenterrightdel
 Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Đức Lộc.

Đến xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy), chúng tôi được đồng chí Nguyễn Văn Thà, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã dẫn lên "hang ông Giáp". Đến nơi, anh Luận liền rút điện thoại gọi: "A lô, chào cụ ạ! Con đây! Chúng con đang đứng ở trạm A72...". 

Anh bật loa ngoài. Tiếng người trong máy trả lời rổn rảng: "Thế à, giỏi lắm! Này, cố gắng tìm đến nhà ông Lộc thăm ông ấy nhé! Ông Nguyễn Đức Lộc là trợ lý tham mưu trung đoàn, lấy vợ người Vân Kiều ở xã Ngân Thủy...". Anh Luận tắt máy rồi hớn hở khoe: "Cụ Nguyễn Huy Văn, Tham mưu trưởng Trung đoàn Thông tin 134 thời chống Mỹ đấy!".

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Lộc đón chúng tôi tại nhà riêng. Chàng trợ lý tham mưu đẹp trai, tháo vát, năng nổ ngày nào, sau 35 năm kể từ ngày phục viên, về “làm rể” ở cái xóm miền núi heo hút này, bây giờ đã là một ông lão 75 tuổi, râu tóc bạc phơ. Quê ông ở Phú Yên, là thiếu sinh quân tập kết ra Bắc. Sau 6 năm học thông tin ở nước ngoài, về nước năm 1966, ông được biên chế vào Trung đoàn 134. Ông có mặt tại trạm A72 từ buổi đầu thành lập và gắn bó cho đến ngày phục viên vào năm 1976. Bà Hồ Thị Kim Đóa-vợ ông là người Vân Kiều, làn da hơi ngăm ngăm, người nhỏ nhắn, hai hàm răng trắng vẫn đều tăm tắp khiến nụ cười của bà lão sáu mươi đẹp lạ lùng. Chả trách bốn mươi năm trước, chàng trợ lý tham mưu trung đoàn bị “sét đánh” ngay từ lần đầu gặp cô y tá Vân Kiều...

Ông Lộc kể: "Dạo ấy tôi bị sốt rét đến liệt cả người, chống gậy đi không nổi. Mấy anh trong trạm bàn nhau khiêng ra trạm xá xã nhờ bà con chữa thuốc dân tộc may ra...". Cô y tá Hồ Thị Kim Đóa đã châm cứu, tìm lá thuốc sắc cho ông uống. Lâu ngày hai người bén duyên rồi báo cáo tổ chức xin cưới. Kể về “hang ông Giáp”, ông Lộc nhớ như in cái hôm Trung úy Nguyễn Viết Sửu, Chính trị viên Đại đội 7 là đơn vị trực tiếp quản lý trạm A72, dẫn Đại tướng đi thăm nơi ăn ở, sinh hoạt... của anh chị em trong đơn vị, ông mới gặp Đại tướng và lúc đó mọi người cũng mới được biết Đại tướng đang có mặt tại đơn vị.

"Bữa đó trời se lạnh, Đại tướng mặc quân phục vải Tô Châu, khoác thêm chiếc áo bông cũng giống áo bông sĩ quan chúng tôi. Đại tướng ân cần hỏi thăm chúng tôi bằng giọng Quảng Bình trầm ấm, thân mật. Tôi nhớ nhất nét mặt tươi cười bình dị của Đại tướng và đặc biệt đến nay, tôi vẫn nhớ cái cảm giác nơi bàn tay Đại tướng khi chúng tôi được bắt tay ông... Từ bữa đó, cả trạm A72 như được truyền thêm một nguồn động viên, khích lệ mới. Mỗi phiên trực, mỗi bức điện truyền đi ai cũng nghĩ đang được truyền mệnh lệnh của Đại tướng tới chiến trường...", ông Lộc bồi hồi nhớ lại.

Bà Đóa ngồi im lặng bên chồng hồi lâu rồi mới lên tiếng: "Lần đó, Đại tướng vô Ngân Thủy, lên tận làng Ho thăm bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, vậy mà không về được quê nhà Lộc Thủy chỉ cách vài chục cây số. Sau này hòa bình về thăm quê, Đại tướng kể lại bà con mới biết". Ông Lộc tiếp lời vợ rất hào hứng: "Sang năm 1972, Mỹ quay lại ném bom miền Bắc, cấp trên thành lập thêm Trung đoàn Thông tin 136 phụ trách trạm A72 và một số tuyến nhánh phía trước. “Hang ông Giáp” trở thành niềm tự hào của cả Trung đoàn 134 và 136. Những dịp họp mặt truyền thống tổ chức ở Hà Nội và Hòa Bình, Đại tướng đều đến dự hoặc gửi thư chúc mừng, động viên các cựu chiến binh". Tôi ngạc nhiên đến sửng sốt khi nghe lão đồng chí Nguyễn Đức Lộc đọc thuộc lòng một bức thư của Đại tướng. Và chỉ riêng điều đó đã nói lên tất cả những tình cảm của các thế hệ quân và dân ta đối với vị Đại tướng kính yêu!

Bài và ảnh: MAI NAM THẮNG