QĐND - Trong khu di tích Thành cổ Hà Nội có một địa chỉ đặc biệt, đó là nhà Con Rồng và nhà D67. Đặc biệt không chỉ bởi hai ngôi nhà này tọa lạc ở điện Kính Thiên linh thiêng, cổ kính mà nơi đây còn là Tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng trong nhiều năm, nơi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ra nhiều quyết định hệ trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Nhà Con Rồng, D67 và 4 hội nghị lịch sử

Sau giải phóng Thủ đô năm 1954, Chính phủ và Quân đội ta đã tiếp quản khu Thành cổ Hà Nội, vốn trước đó được người Pháp sử dụng là đại bản doanh quân sự và đã xây dựng nhiều công trình phục vụ quân sự nơi đây. Tòa nhà sở chỉ huy pháo binh của quân Pháp được xây dựng trên nền điện Kính Thiên xưa được sử dụng thành nhà làm việc của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Tòa nhà này được gọi là nhà Con Rồng vì phía trước có những con rồng đá chầu (thềm Rồng của điện Kính Thiên). Trong những năm 60 của thế kỷ XX, Mỹ ném bom đánh phá ác liệt miền Bắc; một tòa nhà mới được xây dựng đặc biệt phía sau nhà Con Rồng để bảo đảm an toàn cho các cán bộ lãnh đạo của Đảng và quân đội họp và làm việc. Công trình có tên là nhà D67 vì được xây dựng năm 1967.            

Trung tướng, PGS Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến là người thường xuyên có mặt tại các cuộc họp của Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy tại nhà Con Rồng và nhà D67 trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Theo ông thì trong giai đoạn đặc biệt này, các cuộc giao ban hằng ngày của Bộ Quốc phòng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì thường diễn ra ở nhà Con Rồng, còn nhà D67 là nơi Bộ Chính trị họp với nhiều quyết định mang tính lịch sử. Tại đây, từ giữa năm 1973 đến đầu năm 1975, Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch chiến lược và từng bước hoàn chỉnh kế hoạch chiến lược cơ bản giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975-1976). Trải qua 8 lần dự thảo và 8 lần thông qua Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị thì bản kế hoạch mới hoàn chỉnh đầy đủ. Đặc biệt, ngày 18-12-1974, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng khai mạc tại Sở chỉ huy-nhà D67. Đồng thời với kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975-1976), Bộ Chính trị còn dự kiến một phương án khác: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Đến giai đoạn chỉ đạo tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tại Tổng hành dinh đã diễn ra dồn dập các hội nghị của Bộ thống soái tối cao. “Riêng tháng 3-1975, có 4 hội nghị lịch sử của Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy quyết định các đòn chiến lược tiếp theo sau trận Buôn Ma Thuột. Qua đây đã thể hiện Bộ thống soái với nhãn quan chiến lược bao quát, sắc sảo, tinh thần đoàn kết nhất trí cao đã nhanh nhạy, kịp thời phát hiện thời cơ mới-lớn và quyết định nhất, nắm thời cơ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thời cơ phát triển với tốc độ một ngày bằng 20 năm”-Trung tướng Lê Hữu Đức khẳng định.

Ngay tại hội nghị họp ngày 11-3-1975, khi ta còn đang đánh ở Buôn Ma Thuột thì đồng chí Lê Duẩn đã gợi ý: “... có thể đẩy mạnh các hoạt động hơn nữa được không? Cần suy nghĩ xem Buôn Ma Thuột đã phải trận mở đầu cuộc tổng tấn công chiến lược hay chưa? Phải có những quả đấm mạnh trong lúc này...”. Ngày 18-3, khi ta đã giải phóng Tây Nguyên, xuất hiện hành động co cụm lớn của địch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị Bộ Chính trị: “Hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975 không chờ đến năm 1976”. Bộ Chính trị đã nhất trí cao với đề nghị này và chỉ đạo khẩn trương chuyển hẳn sang phương án thời cơ. Tiếp theo đó, trong phiên họp ngày 24-3, Bộ Chính trị đã thảo luận sôi nổi và thống nhất dự kiến ta có thể giành toàn thắng sớm hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu, “... hành động nhanh chóng, táo bạo, bất ngờ đánh cho địch không kịp trở tay, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa”. Ngày 31-3, Tổng hành dinh sôi động trước thắng lợi dồn dập của quân ta trên chiến trường. Bộ Chính trị bàn về đòn chiến lược thứ ba: Tấn công giải phóng Sài Gòn-Gia Định, cũng là đòn tấn công chiến lược cuối cùng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Hội nghị quyết định: Quyết tâm thực hiện tổng công kích và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian nhanh nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm.

Với những quyết định lịch sử của Bộ thống soái tối cao, chúng ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam từ kế hoạch ban đầu là 2 năm, sau thực tế chỉ trong 55 ngày đêm.

Chuyện ít biết bên trong Tổng hành dinh

Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, nguyên Cục phó Cục Tác chiến, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là Trợ lý Tác chiến làm việc tại Tổng hành dinh vẫn nhớ như in những ngày cuối tháng 4-1975 ở Tổng hành dinh với không khí làm việc rất nhộn nhịp, căng thẳng. Hầu như mọi người đều không có đêm nào nghỉ trọn vẹn. Cơ quan tác chiến nhiều bộ phận đã vào chiến trường, bộ phận còn lại bám trụ cơ quan 24/24 giờ trong ngày để thực hiện nhiệm vụ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một giường nghỉ ngay tại phòng làm việc ở nhà Con Rồng nhưng nhiều đêm vừa ngả lưng thì có điện hoặc báo cáo từ chiến trường, ông dậy giải quyết ngay. Trong hồi ký của mình, Đại tướng cũng viết: “Ở Hà Nội, các cơ quan Bộ Tổng tư lệnh thường trực 24/24 giờ. Đối với các cơ quan thông tin, báo chí, Tổng hành dinh ở nhà Con Rồng là nơi cung cấp tin chiến sự sốt dẻo nhất, nhanh chóng nhất, chính xác nhất. Cục Tác chiến phải dành riêng một số thời gian hiếm hoi để cùng Cục Tuyên huấn phát tin cho báo và đài. Các đồng chí Tổng Tham mưu phó Hoàng Văn Thái và Cao Văn Khánh cùng tôi thường trực ở Sở chỉ huy. Anh chị em, thông tin, cơ yếu thay phiên nhau làm việc suốt đêm ngày. Cơm nước được mang đến tận nơi”.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, một trong những bộ phận giúp việc phải làm “căng” nhất trong Tổng hành dinh là các cán bộ, chiến sĩ cơ yếu, thông tin. Mọi báo cáo từ chiến trường và mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy tới các cánh quân đều phải qua đây. Những bức điện luôn kèm theo những chữ “TKZN” (tối khẩn dịch ngay) hoặc TK (tối khẩn). Các ký hiệu “TgK” (thượng khẩn) đã bị đẩy lùi. Không còn ngày nào làm việc 10 giờ mà 14, 18 giờ và trực 24/24 giờ. Tổ mang cơm về ăn tại chỗ để tranh thủ thời gian làm việc. Có lần được Thượng tướng (sau là Đại tướng) Hoàng Văn Thái hỏi thăm, động viên, anh chị em bảo: Mệt thì mệt thật nhưng rất vui. Tin chiến thắng dồn dập, càng dịch điện càng phấn khởi, quên cả mệt. Đồng chí Hoàng Văn Thái hỏi: Thế sắp tới, các đồng chí mong được dịch bức điện mang nội dung gì? Hầu như mọi người đều trả lời thống nhất: Báo cáo, điện nói quân ta cắm cờ trên dinh Độc Lập ở Sài Gòn.

Biết anh em giúp việc tại Tổng hành dinh làm việc vất vả nên các đồng chí lãnh đạo rất quan tâm. Ở buồng nghỉ bên cạnh phòng họp lớn những ngày này thường có hoa quả, nước ngọt bày sẵn nhưng ít ai đụng đến. Sau các buổi họp, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thường ở lại sau và chia cho mỗi người một ít “mang về chia cho anh em trực ban nữa”. Tối 29-4, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp còn mời một số bộ phận trực đến chiêu đãi cháo gà để “liên hoan đại thắng và có sức thức suốt đêm nay…”. Trong ngày đại thắng 30-4, sau khi báo cáo tại cuộc họp Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng bất ngờ mang một khay quà đã chuẩn bị trước trao tận tay đồng chí Cục trưởng Cục Tác chiến và xúc động nói: “Xin chúc anh em Cục Tác chiến luôn khỏe, luôn tiến bộ!”.

Có một chuyện, sau 40 năm kể lại, Trung tướng Lê Hữu Đức vẫn nguyên cảm xúc. Ông bồi hồi nhớ lại: “Trưa ngày 30-4, khoảng 12 giờ, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương kết thúc phiên họp buổi sáng trong không khí ngập tràn niềm vui của ngày toàn thắng. Mọi người chuẩn bị ra về, bỗng Đại tướng Võ Nguyên Giáp run run nói: “Giá có Bác...”. Câu nói của Đại tướng như chạm đúng mạch nguồn cảm xúc, tình cảm thiêng liêng của các đồng chí lãnh đạo vào đúng thời điểm lịch sử của dân tộc. Không ai bảo ai, tất cả đứng dậy hướng về bức ảnh Bác Hồ treo trang trọng trong phòng họp. Khóe mắt nhiều người rưng rưng. Đó là giây phút xúc động nhất ở Tổng hành dinh...”.

TRẦN PHI LONG