Đại đội trưởng là đồng chí Nguyễn Đình Bánh, quê Hải Hưng. Ông Nghi nhớ lại: “Theo tin cấp trên cho biết, vào dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, quân Khmer Đỏ có thể sẽ tổ chức tấn công quy mô lớn. Vì vậy, hai ngày đầu đơn vị không ăn Tết mà tổ chức canh trực nghiêm túc”.

Mãi tới Mồng Hai Tết, tổ chuyên gia mới tổ chức đón Tết cho anh em. Tổ có 15 người, ngoài lực lượng canh trực, anh em cắt cử nhau mỗi người một việc. Nhóm chế biến thực phẩm, nhóm gói bánh chưng, riêng nhóm ông Nghi trang trí hoa đào và làm bàn thờ Tổ quốc. Nhưng ở trên đất nước bạn kiếm đâu ra hoa đào, ông

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Bùi Trọng Nghi.

Nghi vắt óc suy nghĩ. Cuối cùng ông cũng nghĩ ra sáng kiến. Xung quanh đơn vị có rất nhiều cây sắn khô của bà con bỏ lại mà mọi người hay lấy làm củi. Bên trong cây sắn có lõi bấc có thể tết lại, nhuộm màu đỏ làm thành hoa. Để làm cành hoa, ông chọn một cành cây có thế đẹp trước cổng đơn vị. Thế là qua bàn tay khéo léo của ông, một cành đào đơn sơ, giản dị được hình thành. Mặc dù không được giống cây đào thật nhưng nhìn vào ai cũng rưng rưng, cảm giác mùa xuân đến. Gần 10 giờ, cây đào và bàn thờ Tổ quốc hoàn thành, căn phòng đã ngập tràn không khí Tết.

Thực phẩm đón Tết đơn vị cũng đã chuẩn bị đầy đủ. Cách đó mấy ngày, đại diện chính quyền huyện Soutr Nikom đến chúc Tết và mang quà tặng là cặp gà, cặp vịt, một ít rượu. Gạo nếp được trên cấp theo tiêu chuẩn, mặc dù gạo cũ nhưng anh em cũng gói bánh chưng cho có mùi vị quê hương. Lá dong đã vào xin bà con dân bản gần đó từ hôm trước nên việc gói bánh cũng không có gì khó khăn. Chục bánh chưng đã lên nồi từ sớm.

Tục lệ ngày Tết thường sang thăm nhà hàng xóm chúc nhau sức khỏe nên xong việc, anh em đã đi vào phum gần đó thăm bà con. Tình cảm đoàn kết giữa Quân tình nguyện Việt Nam và nhân dân Campuchia thật thắm thiết.

Trưa hôm đó, anh em tổ chức ăn Tết luôn vì đề phòng địch tập kích về đêm. Trước lúc bữa tiệc diễn ra, ngoài chúc nhau sức khỏe, nhiều thắng lợi trong năm mới, anh Cộng, quê Đức Thọ (Hà Tĩnh), tổ trưởng chuyên gia còn nhắc “vui xuân mới không quên nhiệm vụ”. Mọi người quây quần đông đủ, có cả lãnh đạo chính quyền và nhân dân huyện Soutr Nikom đến chung vui đầm ấm. Nâng chén rượu thắm đượm tình quê nơi đất khách, bánh chưng không được dẻo và thơm nhưng cũng rất đậm đà, ai cũng vui vẻ, phấn chấn.

Ông Nghi kể: “Ở Siem Reap có hai loại rượu là Cô Chuôn nhẹ độ và rượu Ba Don rất nặng độ. Hôm đó có chuyện vui của hai chiến sĩ trong tổ chuyên gia là Đạt, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh và Trung, nhà ở TP Hồ Chí Minh, quê Vĩnh Phú. Đạt rót hai ly, một ly rượu Cô Chuôn và một ly rượu Ba Don. Trung ít uống rượu nên chọn rượu Cô Chuôn. Nhân lúc Trung không chú ý, Đạt đã tráo ly rượu Ba Don. Trung uống nhầm, mặt đỏ tía tai. Mọi người được tràng cười sảng khoái. Không ngờ đó là lần cuối cùng Trung được uống rượu với Đạt, đêm hôm đó Đạt hy sinh”.

Tiệc xong tiễn khách ra về, anh em lại vào thực hiện nhiệm vụ. Đúng như dự báo, khoảng 3 giờ sáng, địch tập kích vào doanh trại tổ chuyên gia đóng quân. Nhận được hiệu lệnh, mọi người nhanh chóng vào vị trí chiến đấu.

Địch điều động một lực lượng lớn với hỏa lực mạnh. Chúng bao vây từ bốn hướng. Lúc này trên nóc nhà chỉ huy, Trung giữ khẩu 12,7mm quét kiềm chế địch. Các tay súng của ta được điều động ra bảo vệ bốn mặt nhà bắn trả quyết liệt. Đường dây thông tin đã bị địch cắt nên không thể báo tình hình lên trên nhờ chi viện, vì vậy, tổ phải chiến đấu quyết giữ ngôi nhà bằng mọi giá. Địch cứ tiến sát vào dãy nhà là ta lại tổ chức đánh bật ra. Hầu hết anh em đều bị thương nhưng không ai rời vị trí. Ông Nghi lúc này cũng bị mảnh đạn găm vào sườn phải và sau lưng, băng bó xong vẫn tiếp tục chiến đấu.

Địch tổ chức 5 đợt xung phong đều bị ta đánh bật ra. Trời vừa tảng sáng, biết không chiếm được căn cứ của ta, sợ sáng có chi viện nên địch tổ chức rút lui. Lúc này, đồng chí Đạt tiến ra phía trước nhà để cảnh giới thì không may bị địch bắn tỉa và hy sinh. Anh ra đi trên tay đồng đội khi mùa xuân đang về, ai cũng bùi ngùi tiếc thương người đồng chí chân thành, đáng mến.

Sau khi địch rút, ông Nghi và các thương binh được chuyển lên bệnh xá tuyến trên. Năm 1988, do sức khỏe yếu, ông phục viên về quê và mất liên lạc với đồng đội cũ. Mỗi khi Tết đến, xuân về, ông lại bồi hồi nhớ lần đón Tết trên đất nước bạn. Tâm niệm của ông là muốn gặp lại đồng đội năm xưa, trong đó có Đại đội trưởng Nguyễn Đình Bánh.

Bài và ảnh: THÁI AN