Những ngày đầu vượt khó

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, Viện TĐH KTQS được thành lập ngày 3-4-1989 với tên gọi ban đầu là Liên hiệp Khoa học sản xuất III. Đại tá Vương Đức Thấn, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Viện TĐH KTQS, cho biết: Đơn vị được thành lập đúng vào thời điểm đất nước vừa bước ra khỏi thời kỳ bao cấp. Một thời gian sau đó, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ nên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, phát huy sức mạnh tập thể, đơn vị đã chủ động triển khai toàn diện các mặt công tác, tạo chuyển biến đồng bộ.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự kiểm tra sản phẩm đề tài cải tiến máy chỉ huy K59-03.

Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Viện TĐH KTQS đã ổn định tổ chức, triển khai và hoàn thành tốt nhiều công trình, đề tài. Một trong những thành tựu cụ thể là việc thực hiện nhiệm vụ thiết kế và triển khai hệ thống TĐH chế bản điện tử và viễn ấn cho Báo Quân đội nhân dân năm 1990. Thời điểm này, tình hình chính trị trong nước và quốc tế đang có những bước chuyển lớn, báo chí cách mạng, nhất là tờ báo của Đảng, quân đội có vai trò đặc biệt quan trọng trên mặt trận chính trị tư tưởng. Với công nghệ khi đó, mặc dù Báo Quân đội nhân dân đang thực hiện việc in báo ở hai miền Nam-Bắc, tuy nhiên điểm in phía Nam luôn chậm hơn phía Bắc ít nhất 24 giờ. Nhận nhiệm vụ, các cán bộ của Viện TĐH KTQS nhanh chóng triển khai thực hiện. Đến nay, 30 năm đã qua, khi nhắc lại nhiệm vụ, Đại tá Trần Quang Oánh, nguyên Trưởng phòng Máy tính kỹ thuật phần mềm, Viện TĐH KTQS, lúc bấy giờ 28 tuổi, mang quân hàm thượng úy-chủ nhiệm dự án, vẫn nhớ: “Chúng tôi nhận nhiệm vụ vào tháng 2-1990 và có 3 tháng để hoàn thành. Về vấn đề chuyên môn, anh em không gặp nhiều khó khăn vì các công nghệ để triển khai dự án chúng tôi đã được tiếp thu từ trước. Tuy nhiên, cái khó là nhiều đồng chí ở xưởng in có tâm lý sợ mất việc khi hệ thống được áp dụng. Vì vậy, chúng tôi phải đào tạo cho họ cách sử dụng máy tính để điều khiển, mà thời điểm đó việc sử dụng máy tính là điều không dễ. Khi dự án được đưa vào sử dụng đã giúp thời gian chuyển bản in Báo Quân đội nhân dân giữa hai miền Nam-Bắc được thực hiện cùng một thời gian, giảm chi phí in ấn, vận chuyển, giúp quá trình lưu trữ báo dễ dàng hơn”.

Ngày 19-5-1990, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Quân đội nhân dân phát hành tại khu vực phía Nam đã được in trên nền hệ thống TĐH chế bản điện tử và viễn ấn do Viện TĐH KTQS triển khai. Trên cơ sở kết quả đạt được đối với Báo Quân đội nhân dân, viện đã được giao nhiệm vụ triển khai tiếp cho Báo Nhân Dân năm 1991.

Một nhiệm vụ khác đánh dấu thành công của viện trong giai đoạn đầu thành lập phải kể đến, đó là cải tiến đại đội pháo phòng không (PPK) 37mm-2N đánh đêm đầu tiên vào năm 1996. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong thời kỳ đó, khi các vật tư, linh kiện, thậm chí cả tài liệu đều khó nhập ngoại. Khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, viện đã tìm ra nhiều giải pháp, hàng loạt sáng kiến đã ra đời và được viện trực tiếp ứng dụng vào thiết kế chế tạo trung tâm chỉ huy và cải tiến pháo. Ngày 9-3-1999, viện đã kết hợp cùng Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đưa đại đội pháo sau cải tiến đầu tiên đi thực tế huấn luyện bộ đội và đã tổ chức bắn đạn thật thành công vào ngày 22-3-1999. Sau đó, viện đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm công nghệ TĐH cũng như trang bị các thiết bị cơ bản, cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN.

Những sản phẩm "tự động hóa" và hành trình mới

Kế thừa những kết quả nghiên cứu khoa học, viện tiếp tục đầu tư nghiên cứu hoàn thiện công nghệ để chế tạo hệ thống điều khiển hỏa lực cho các đại đội PPK 37mm-2N. Tháng 9-2003, viện hoàn thành cải tiến 10 đại đội PPK 37mm-2N. Các đại đội PPK cải tiến đã được bàn giao cho Quân chủng PK-KQ đưa vào trang bị sẵn sàng chiến đấu từ năm 2004 phục vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc từ Bắc vào Nam. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Vương Đức Thấn tự hào cho biết, đến nay, toàn bộ các đại đội PPK 37mm của Quân chủng PK-KQ đã được cải tiến và bước đầu trang bị cho phòng không lục quân của các quân khu, quân đoàn. Năm 2012, tập thể tác giả cụm công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống SCADA đặc thù, diện rộng trong điều kiện môi trường khắc nghiệt” và “Xây dựng hệ thống pháo 37mm-2N tác chiến ngày và đêm” đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.

leftcenterrightdel
Tổ chức bắn nghiệm thu pháo phòng không 37mm-2N tại Trường bắn Quốc gia TB1. Ảnh: VƯƠNG THẤN

Chia sẻ về thành công này, Trung tá Nguyễn Hữu Thắng, Trưởng phòng Cơ điện và thử nghiệm hệ thống, nhà khoa học trẻ nhất của viện khi tham gia cụm công trình, cho biết bản thân anh rất may mắn khi vừa tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về viện công tác cuối năm 2003 đã được lãnh đạo viện tin tưởng giao nhiệm vụ. Thời gian đầu, anh Thắng gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận, làm quen với vũ khí. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của đồng đội, anh nhanh chóng làm quen và triển khai công tác nghiên cứu sản phẩm. Trung tá Nguyễn Hữu Thắng nói: "Tôi và đồng đội nhiều lần phải thức đêm mày mò, nghiên cứu sản phẩm vào áp dụng nhằm mục tiêu hiện đại hóa vũ khí cho quân đội, phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vinh dự này là niềm vui của các tác giả nói riêng và đơn vị nói chung. Nó là động lực để những kỹ sư, các nhà khoa học tiếp tục phấn đấu. Chúng tôi luôn xác định không ngừng học tập, nghiên cứu sáng tạo để tạo ra những sản phẩm thiết thực phục vụ cho quân đội”.

Được biết, song song với nhiệm vụ cải tiến các đại đội PPK 37mm-2N, giai đoạn 2016-2019, viện còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác. Nổi bật như: Cải tiến thành công máy chỉ huy K59-03 theo hướng hiện đại hóa ứng dụng công nghệ quang điện tử bảo đảm cho PPK 57mm tác chiến ngày và đêm không sử dụng ra-đa, nâng cao độ chính xác hỏa lực, giảm số lượng chiến sĩ tham gia trực tiếp chiến đấu từ 5 xuống còn 1; chế tạo và thử nghiệm thành công hệ thống điều khiển từ hỏa lực cho xe tăng T54B; chế tạo thành công tổ hợp phóng tên lửa A72 trên phương tiện cơ động và cải tiến nâng cấp tổ hợp phòng không tầm thấp ZSU23-4...

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Viện TĐH KTQS đứng trước những thách thức và cơ hội mới. "Mục tiêu của viện là kiên trì theo định hướng khoa học công nghệ đã được phê duyệt để tiếp tục phát triển. Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học, đặc biệt là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào phục vụ cho nhiệm vụ cải tiến, chế tạo mới các hệ thống vũ khí, khí tài; tiếp tục nghiên cứu, giúp khai thác hiệu quả và bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội...", Đại tá Vương Đức Thấn khẳng định.

LA DUY