QĐND - “Sinh thời, Bác Hồ dặn chúng ta: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Theo tôi nghĩ, chữ “trồng người” trong lời dặn của Bác Hồ có hàm ý rất sâu rộng. Trồng người không chỉ là vấn đề nâng cao thể lực cho con người, không chỉ là vấn đề trang bị kiến thức cho con người, mà trồng người trước hết là giáo dục nhân cách, giáo dục văn hóa, giáo dục đạo đức cho con người”-Giáo sư, Tiến sĩ (GS, TS), Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã mở đầu buổi trò chuyện với chúng tôi nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 và ngay sau khi Hội nghị Trung ương 8 khóa XI ban hành nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo.
Ngọn đèn dầu và sự gương mẫu
Phóng viên (PV): Thưa giáo sư, ai cũng thường có những ký ức về những ngày đầu tiên cắp sách tới trường. Hẳn ông còn nhiều kỷ niệm về những năm tháng không thể nào quên?
|
Một buổi giảng bài của GS, TS Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: TD.
|
GS, TS Nguyễn Lân Dũng: Tôi bắt đầu đi học bậc tiểu học từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Đã 67 năm rồi tôi không thể nhớ được nhiều. Chỉ nhớ được rằng, chúng tôi đi học rất vui vẻ mặc dầu đời sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Điều thứ hai là tôi nhớ đến hôm nay những thầy cô giáo cấp I hết sức mẫu mực và đáng kính trọng. Đặc biệt đó là những tấm gương tự vươn lên mạnh mẽ trong học vấn. Ít ai biết rằng thầy Ngạn, cô Xuân-hai thầy cô giáo dạy tôi hồi cấp I ở Phú Thọ về sau đều đã là những giảng viên đại học ở Hà Nội. Bây giờ khó có được nhiều tấm gương phấn đấu mạnh mẽ như vậy.
PV: Tôi cố gắng luận giải, phân tích nhưng thật sự là khó hình dung về sự học của nhiều thập niên trước. Chỉ có thể hiểu một cách đơn thuần, thời đó, ngoài học chữ, học sinh còn được học về lễ nghĩa?
GS, TS Nguyễn Lân Dũng: Tôi may mắn được học phổ thông qua nhiều trường lớn-Hùng Vương, Lương Ngọc Quyến và 3 trường sư phạm (Sư phạm sơ cấp Việt Bắc, Sư phạm sơ cấp và trung cấp Trung ương). Tại Việt Bắc, chúng tôi học ban đêm với những chiếc đèn tự tạo với dầu sở, bấc là ruột cây guột và đi đất trên những chặng đường khá xa. Vậy mà vừa vui, vừa chăm chỉ, kính thầy, yêu bạn. Tôi không nhớ có bất kỳ một biểu hiện tiêu cực nào trong nhà trường. Từ lớp 7 đến hết bậc phổ thông, tôi may mắn được học tại Khu học xá Trung ương với những thầy giáo có lẽ là giỏi nhất nước. Đó không chỉ là các thầy giáo giỏi mà còn là những tấm gương sáng về đức độ. Chúng tôi đâu có học lễ nghĩa, ngay chính trị cũng chỉ là những buổi nói chuyện vô cùng hấp dẫn. Chúng tôi được sinh hoạt trong Đội Nhi đồng Tháng Tám và về sau là Đoàn thanh niên Lao động. Những bạn học thời phổ thông chúng tôi sau hơn 60 năm vẫn thường xuyên gặp nhau trong tình cảm thân thiết, gắn bó. Chúng tôi học xong lớp 9 đã hết bậc phổ thông. Học đâu có nhiều nhưng hầu như về sau đều tốt nghiệp từ đại học trở lên và quan trọng hơn đều là những cán bộ trong sạch, hăng hái hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
PV: Truyền thống gia đình luôn là yếu tố rất quan trọng đối với việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Giáo sư sinh ra và lớn lên trong một gia đình mẫu mực về học tập, hẳn ông được thừa hưởng nhiều điều tốt đẹp?
GS, TS Nguyễn Lân Dũng: Ít người biết bố tôi (GS Nguyễn Lân) xuất thân từ một làng quê nghèo. Bố tôi vươn lên trong học tập nhờ quyết tâm rất cao cộng với sự giúp đỡ hết mình của người anh cả và một người anh họ làm công chức bậc thấp. Bố tôi thật sự là tấm gương sáng cho tất cả chúng tôi. Ít ai biết mẹ tôi sinh ra trong một gia đình giàu có nhất nhì Bắc Bộ vậy mà lên Chiến khu Việt Bắc đã gian khổ lao động và chịu đựng để nuôi dạy cả một đàn con nên người. Với những tấm gương như vậy, làm sao chúng tôi không chăm chỉ học hành và cùng lao động theo sức của mình. Bố tôi là một trí thức ngoài Đảng nhưng lúc nào cũng yêu Đảng, yêu chế độ. Bố mẹ tôi đâu có thời gian dạy dỗ chúng tôi nhưng bằng sự gương mẫu của chính mình mà giáo dục cả đàn con nên người và đến lượt con cái chúng tôi đều cố gắng để giữ gìn truyền thống của gia đình.
Đổi mới chương trình để thực học, thực nghiệp
PV: Lâu nay mọi người vẫn nhận thấy nền giáo dục nước nhà còn nhiều điều bất cập, việc dạy và học chưa phù hợp...
GS, TS Nguyễn Lân Dũng: Chúng ta phải thông cảm, câu chuyện ngày xưa nền giáo dục là dành cho số ít còn bây giờ là cho số đông. Ít ai biết rằng, hiện nay vẫn còn những lớp học miền núi mà mưa không có chỗ tránh, có nơi học sinh học chung hai lớp quay lưng lại nhau trong cùng một phòng, có nơi học sinh còn học đứng và không ít nơi học sinh vừa lội suối vừa mang theo một cái ghế, nhiều trường mà không có nổi một nhà vệ sinh kín đáo, sạch sẽ. Với hơn 1 triệu giáo viên các cấp, trong khi tại các trường sư phạm số giáo sư đã về hưu gần hết, vậy thì làm sao có thể đủ sức để đào tạo ra các thầy, cô giáo vừa giỏi nghề, vừa yêu trẻ. Lại đang có 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước với một quy chế không có lưu ban và thi tốt nghiệp phổ thông, thi tốt nghiệp đại học cho đỗ gần hết thì làm sao có được chuyện trò ra trò...
PV: Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng yêu cầu: Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò. Mong ước này, dường như đang rất khó khăn. Tình hình liệu có quá bi quan không, thưa giáo sư?
GS, TS Nguyễn Lân Dũng: Không. Tôi không có cái nhìn bi quan về sự nghiệp giáo dục. Tuyệt đại đa số thầy, cô giáo tuy lương bổng thấp nhưng vẫn tràn đầy lòng yêu nghề, yêu trẻ. Thế hệ trẻ ngày nay thông minh hơn và tiếp cận nhanh với thông tin hơn so với thế hệ chúng tôi. Chỉ cần đổi mới chương trình đào tạo và kiên quyết chống lại bệnh thành tích thì chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được tinh thần thực học, thực nghiệp mà cha ông ta đã răn dạy.
PV: Chương trình và sách giáo khoa của mình chẳng giống nước nào cả. Giáo sư từng phát biểu như vậy trước Quốc hội. Ông có lo ngại điều đó sẽ ảnh hưởng tới chiều sâu của nền giáo dục?
GS, TS Nguyễn Lân Dũng: Thầy Văn Như Cương đã nói nhiều về chương trình dạy Toán ở bậc phổ thông. Tôi chỉ xin phát biểu về chương trình Sinh học với tư cách là Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam. Bộ sách giáo khoa Sinh học là cố gắng rất lớn của nhiều tác giả, nhưng rất tiếc là chương trình đó rất không hợp lý, vừa rất nhiều chuyện để dạy, lại vừa rất nông. Tôi đã mua từ các nước về hơn 70 cuốn sách giáo khoa Sinh học ở bậc phổ thông và thấy chương trình ở ta chả giống nước nào cả. Hầu như tất cả các môn học ở Khoa Sinh Đại học Sư phạm đều có trong chương trình phổ thông. Quá nhiều nội dung, quá nhiều chi tiết trong khi số giờ lại quá ít. Tôi đã thử hỏi nhiều em đang học cấp III và thấy các em hiểu biết rất mù mờ và hầu như chả mấy em thích thú. Học sinh đã phải học quá nhiều chuyên ngành trong khi số lượng giờ dạy quá ít ỏi mỗi tuần. Vừa khó hiểu, vừa khó nhớ, lại không muốn học thì hiểu sao được? Đã không hiểu thì còn nói gì đến nhớ. Tôi thấy cần tham khảo chương trình các nước, nhất là chương trình giáo dục của hai nước Pháp và Nê-pan.
Hy vọng về “trận đánh lớn” của Bộ trưởng
PV: Hội nghị Trung ương 8 mới đây đã thông qua Đề án đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục-đào tạo. Giáo sư có nhận định gì về đổi mới giáo dục lần này? Liệu đây có phải là “một trận đánh lớn” giống như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận từng tuyên bố?
GS, TS Nguyễn Lân Dũng: Tôi rất hoan nghênh quyết tâm của Bộ và Bộ trưởng trong “trận đánh lớn” này. Tôi được biết Bộ trưởng đã trực tiếp đi thăm một lớp tiểu học ở miền núi theo chương trình Công nghệ giáo dục mà người bạn học với tôi từ thuở ấu thơ-GS Hồ Ngọc Đại-đã dày công xây dựng, và sau đó chính Bộ trưởng đã cho phép triển khai khá rộng tại nhiều tỉnh với khoảng 200.000 học sinh. Tôi lại được biết, Bộ đang cho phép nhiều trường phổ thông chất lượng cao được phép đề xuất việc cải tiến chương trình giáo dục...
PV: “Trận đánh lớn” như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói, muốn thắng lợi thì phải giải quyết hàng loạt bài toán hóc búa. Nhưng không thể không làm. Giáo sư mong muốn và có đề xuất gì trước “trận đánh lớn” này...
GS, TS Nguyễn Lân Dũng: Tôi chỉ mong không cần kéo dài quá việc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa. Nếu thấy cần cho học sinh đa số rẽ ngang, không cần quá nhiều học tiếp đại học thì lại nên theo hướng phân ban sâu như Nê-pan. Chuyện này cần thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng. Chúng ta cũng nên mạnh dạn chỉ giữ vững khung chương trình (sau khi đã làm tốt, có thể sử dụng nhiều năm và phải thông qua một Hội đồng Quốc gia đủ uy tín), còn việc in sách giáo khoa lại là chuyện của từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản. Bộ sách nào không theo sát chương trình thì không được in, nhưng trình bày có thể rất khác nhau (như nhiều nước khác). Lựa chọn bộ sách nào để dạy, để học là tùy thầy, cô giáo và học sinh. Chỉ có cạnh tranh như vậy mới mong sớm có được những bộ sách giáo khoa tốt.
Tổ chức các cuộc hội thảo sâu sắc về phân ban. Bỏ hẳn kiểu phân ban chênh nhau quá ít thời gian như hiện nay. Chương trình sau khi biên soạn xong cần đưa ra trưng cầu ý kiến rộng rãi trước khi thông qua một Hội đồng Quốc gia đầy đủ uy tín. Sau đó để cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả cạnh tranh qua chất lượng các bộ sách giáo khoa khác nhau (Nhà nước không cần tốn chút kinh phí gì về chuyện này). Dược phẩm là thứ có thể gây chết người nhưng có nước nào chỉ cho phép một công ty sản xuất đâu. Tất nhiên mọi công ty đều phải tuân thủ một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ. Cũng như vậy, bộ sách giáo khoa nào hay sẽ được tái bản nhiều lần. Tôi mong có thể làm ngay mà không cần đợi đến tận năm 2015.
PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư!
TRỊNH VĂN DŨNG (thực hiện)