Ngày 21-10-1967, Khoa Công trình quân sự (tiền thân của Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt) được thành lập. Đại tá, TS Cao Chu Quang, Phó viện trưởng cho biết: “Khoa Công trình quân sự thuộc Đại học KTQS (nay là Học viện KTQS) được thành lập để đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu cán bộ kỹ thuật quân sự phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với quyết tâm cao, các cán bộ, giảng viên của khoa đã khắc phục mọi khó khăn, bắt tay vào xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn bị về lực lượng, tài liệu giáo trình để đào tạo học viên”.

Ngay sau khi rời ghế nhà trường, những kỹ sư đầu tiên của Khoa Công trình quân sự đã vào chiến trường tham gia thiết kế xây dựng các công sự, trận địa phòng ngự, đường cơ động, cầu vượt sông. Nổi bật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là các công trình: Quy hoạch và xây dựng hệ thống công sự trận địa ở khu vực Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào, 1971-1972); nghiên cứu quy luật đánh phá bằng bom B-52 vào các cơ sở công nghiệp và công trình quân sự ở các thành phố lớn (1972-1973); nghiên cứu huấn luyện công binh, công sự... cho các đơn vị ở Gio Linh, Quảng Trị (các năm 1973-1974). Trong các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc, nhiều kết quả nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, học viên trong khoa đã phục vụ trực tiếp cho chiến trường, nâng cao hiệu quả của các công trình quân sự, giảm tác dụng sát thương của bom đạn đến vũ khí, trang bị kỹ thuật và sức khỏe, tính mạng bộ đội.

leftcenterrightdel
Cán bộ, giáo viên Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt, Học viện Kỹ thuật Quân sự trao đổi chuyên môn. 

"Đằng sau những công trình, chiến công là mồ hôi, nước mắt và cả tính mạng của các kỹ sư, cán bộ, giảng viên. Trong đó, phải kể đến những tấm gương hy sinh anh dũng của các học viên: Nguyễn Trí Thành, Đào Văn Nhiên, Lưu Quang Quý, Nguyễn Xuân Đỏ, Nguyễn Quốc Thất... Từ những công trình phục vụ chiến đấu ở Cánh Đồng Chum, cán bộ, giảng viên, học viên tốt nghiệp của khoa, viện tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng các công trình chiến đấu, phòng thủ, đặc biệt là những công trình trên tuyến biên giới của Bộ đội Biên phòng; các công trình trên biển, đảo, cầu, cảng, phục vụ Bộ đội Hải quân v.v..”, Đại tá, PGS, TS Vũ Ngọc Quang, Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng tiếp nối câu chuyện với chúng tôi.

Ngày 24-6-2011, Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Khoa Công trình quân sự và Trung tâm Kỹ thuật các công trình đặc biệt, thuộc Học viện KTQS, với chức năng nhiệm vụ chính là đào tạo, nghiên cứu khoa học và tư vấn dịch vụ khoa học công nghệ. Trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, viện được giao xây dựng các công trình phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu. Các cán bộ khoa học của viện tập trung nghiên cứu theo hướng phát triển công nghệ mới, nâng cao khả năng, sức chiến đấu, tuổi thọ cho các công trình chiến đấu, công trình phòng thủ trên biển, đảo, công trình phòng thủ cấp chiến lược.

Bên cạnh đó, trước đòi hỏi của yêu cầu nhiệm vụ, viện đã từng bước điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo, chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng dạy học tích cực, tăng kiến thức thực tế cho học viên. Trong 5 năm (2016-2020), viện đã triển khai nghiên cứu và nghiệm thu 4 đề tài cấp Nhà nước, 11 đề tài cấp bộ, 53 đề tài cấp học viện; tiếp tục triển khai 3 đề tài cấp quốc gia, 4 đề tài cấp bộ, 40 đề tài cấp học viện; công bố hơn 588 bài báo, báo cáo khoa học, trong đó có hơn 60 bài báo quốc tế.

leftcenterrightdel
Cán bộ, giảng viên Bộ môn Cầu đường-Sân bay, Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt trao đổi về phương pháp thí nghiệm trên thiết bị gây tải xung đánh giá mặt đường ô tô, sân bay. Ảnh: KHÁNH AN

Tìm hiểu hoạt động của Bộ môn Trắc địa-Bản đồ (mới được tái lập từ năm 2007), một trong những đơn vị điển hình của viện, chúng tôi phần nào thấy được những hiệu quả tích cực của chủ trương đổi mới này. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá, PGS, TS Trịnh Lê Hùng, Chủ nhiệm Bộ môn Trắc địa-Bản đồ cho biết, bộ môn vừa bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước thuộc chương trình công nghệ vũ trụ và đang tích cực triển khai 2 đề tài cấp bộ, 3 đề tài cấp cơ sở. Là một bộ môn gắn chặt với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), bộ môn đã đưa công tác nghiên cứu khoa học trở thành hoạt động trọng tâm. “Biện pháp nêu gương của lãnh đạo, chỉ huy bộ môn trong rèn luyện khả năng ngoại ngữ, công bố các công trình trên các tạp chí quốc tế đã động viên, khích lệ giảng viên tích cực tham gia. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi seminar mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong và ngoài quân đội đến trao đổi. Qua đó, cán bộ, giáo viên có thể tìm hiểu các hướng nghiên cứu mới cũng như kinh nghiệm đăng bài trên các tạp chí quốc tế”, TS Trịnh Lê Hùng cho biết.

Với phương châm “người đi trước giúp người đi sau”, chỉ trong vòng 6 năm (từ năm 2015 đến nay), từ một bộ môn vốn không có thế mạnh về ngoại ngữ, trung bình mỗi năm, Bộ môn Trắc địa-Bản đồ đã công bố 30 bài báo, có từ 6 đến 8 bài thuộc danh mục ISI/Scopus (danh mục các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới). Chính Trung tá Trịnh Lê Hùng cũng là một trong những gương mặt tiêu biểu ở viện với “bộ sưu tập” những thành tích đáng nể. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành bản đồ-viễn thám tại Liên bang Nga, năm 2012, Trịnh Lê Hùng về nước và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại bộ môn. Chỉ trong vòng 4 năm, đến năm 2016, anh đã là tác giả của hai giáo trình đào tạo đại học, hơn 50 bài báo trên các tạp chí trong nước và quốc tế, chủ nhiệm 2 đề tài cấp cơ sở, tham gia 3 đề tài cấp bộ và 1 đề tài cấp Nhà nước. Thành tích trên góp phần giúp TS Trịnh Lê Hùng được phong học hàm Phó giáo sư khi mới 34 tuổi, trẻ nhất toàn quân. Tuy vậy, Trịnh Lê Hùng lại không muốn kể nhiều về mình. Anh nhắc đến những giảng viên trẻ của bộ môn như Thiếu tá, TS Mai Đình Sinh; Thiếu tá, Th.S Vũ Văn Trường... đang nỗ lực hằng ngày với những dự án, công trình, đề tài khoa học. Trước khi chia tay bộ môn, chúng tôi nhớ mãi chia sẻ của Thiếu tá Vũ Văn Trường: “Trong môi trường làm khoa học tích cực, chúng tôi được khuyến khích tham gia hội thảo, phát triển kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và tiếp cận với các hướng nghiên cứu mới...".

PHẠM THU THỦY