Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xứng đáng với danh xưng Bác Hồ đặt cho.
Từ chi đoàn thanh niên cứu quốc đầu tiên
Đón chúng tôi sau hành trình vượt gần 200km từ Thủ đô Hà Nội, Đại tá Vũ Đức Hiền, Chính ủy Sư đoàn 346 trực tiếp đưa chúng tôi đến thăm Trung đoàn 246 hiện đóng quân ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Đoàn Tân Trào là một trong những niềm tự hào của đơn vị bởi bề dày thành tích, cả trong kháng chiến lẫn trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tham quan nhà truyền thống trung đoàn, chúng tôi được Thượng tá, Trung đoàn trưởng Vương Hữu Chính giới thiệu: “Tiền thân của Trung đoàn 246 là Đại đội bảo vệ An toàn khu (ATK) 15 được thành lập ở căn cứ địa Việt Bắc, với nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng, Bác Hồ, Bộ Tổng tư lệnh và các cơ quan của Chính phủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”. Những năm ấy, cùng với cử lực lượng trực tiếp bám trụ tại ATK, Trung đoàn 246 còn tham gia đánh địch ở các tỉnh trung du, bảo vệ ATK từ xa. Chỉ tính riêng trong đợt hoạt động Thu Đông năm 1951, Trung đoàn 246 đã phối hợp với các đơn vị bạn cùng lực lượng vũ trang địa phương thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang làm thất bại âm mưu tiến hành chiến tranh tổng lực của địch; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 400 tên địch. Vừa chiến đấu, vừa tích cực luyện quân nên lực lượng của trung đoàn ngày một trưởng thành. Chính từ kết quả ấy mà trung đoàn được Tổng cục Chính trị (TCCT) chọn là nơi thí điểm xây dựng chi đoàn thanh niên cứu quốc (CĐTNCQ) đầu tiên trong quân đội. Đại tá Vũ Hồ, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân, khi đó là cán bộ Phòng Công tác thanh niên quân đội được Trung ương Đoàn và TCCT cử xuống tổ chức thành lập chi đoàn từng kể: “Đoàn công tác chúng tôi gồm 5 người do đồng chí Phạm Lịch, Ủy viên Trung ương Đoàn dẫn đầu đến trung đoàn xây dựng phong trào. Sau một thời gian khảo sát thực tiễn, phổ biến ý nghĩa, mục đích cuộc vận động, chúng tôi báo cáo và được phép thí điểm thành lập CĐTNCQ tại Trung đoàn 246”.
    |
 |
Giới thiệu lịch sử, truyền thống cho đoàn viên, thanh niên và chiến sĩ mới là một trong những hoạt động được duy trì thường xuyên, nền nếp ở Trung đoàn 246. Ảnh: NGỌC GIANG |
Theo đó, ngày 8-2-1952, Chi đoàn Đại đội 29, Tiểu đoàn 183 (nay là Chi đoàn Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246) được thành lập. Từ đây, tuổi trẻ Trung đoàn 246 nói riêng và tuổi trẻ quân đội có thêm một mục tiêu chính trị trên con đường phấn đấu cho lý tưởng của mình. Vừa hoạt động, vừa rút kinh nghiệm, trong hai năm 1952-1953, Chi đoàn 29 cùng trung đoàn tham gia chiến đấu tại các tỉnh trung du. Đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình như đoàn viên Nguyễn Văn Linh bị thương nặng vẫn kiên cường chiến đấu thu hút địch cho đơn vị rút khỏi vòng vây trong trận đánh ở Thanh Mai-Lâm Thao; sự anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng của bí thư chi đoàn đầu tiên Phạm Ngọc Rao trong trận đánh tiêu hao sinh lực địch tại Núi Voi, Đường số 2 (Phú Thọ)... Cũng chính từ thực tế phát triển của chi đoàn thí điểm này, 4 năm sau, TCCT quyết định tổ chức đoàn thanh niên rộng khắp trong toàn quân.
Đến những dấu ấn mang tên Đoàn Tân Trào
Quá trình tìm hiểu về đơn vị, chúng tôi tìm gặp được CCB Nguyễn Quân, sinh năm 1931, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn trung đoàn hiện đang sinh sống tại TP Bắc Kạn. Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng trí nhớ của ông còn rất minh mẫn. Ông tự hào cho biết, mình từng trực tiếp có mặt trong hàng trăm trận đánh thắng lợi của trung đoàn từ Việt Bắc đến chiến trường Quảng Trị. Là cán bộ lâu năm của đơn vị, từng có thời gian tham gia biên soạn cuốn lịch sử của trung đoàn nên đồng chí Nguyễn Quân đã cung cấp thêm cho chúng tôi nhiều thông tin quý.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ngoài nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho Bác Hồ và các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh, Trung đoàn 246 còn tham gia đánh hơn 1.000 trận lớn nhỏ, diệt và bắt sống 9.500 tên địch. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 246 vừa làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến chi viện phục vụ chiến trường, vừa dẫn giải tù binh, sẵn sàng đánh quân địch nhảy dù xuống hậu phương, vừa tiễu phỉ để bảo vệ nhân dân. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trung đoàn nhận lệnh cơ động vào tham gia Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (Quảng Trị) nhằm thu hút địch, tạo điều kiện cho quân và dân miền Nam tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Còn đồng chí Lê Bạch Ngà hiện đang sinh sống ở xóm Hương Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên thì cho biết thêm một nhiệm vụ rất vinh dự của đơn vị sau ngày giải phóng miền Nam. Đó là được chọn là một trong hai đơn vị quân đội tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Năm ấy tôi mang quân hàm thiếu tá, là chính ủy trung đoàn trực tiếp cùng anh em có mặt trên công trường. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm đường vào Lăng, lát đá trong sân... Mặc dù chỉ tham gia một phần của công trình nhưng trước nhiệm vụ thiêng liêng, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã lao động quên mình, nâng cao năng suất, chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ. Tự hào hơn nữa là toàn bộ lực lượng tham gia sau khi bàn giao còn được ở lại dự Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và mừng Ngày Quốc khánh đầu tiên cả nước thống nhất 2-9-1975”-CCB Lê Bạch Ngà kể.
Cũng theo lời kể của CCB Lê Bạch Ngà, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Thủ đô, lực lượng của trung đoàn lại nhanh chóng cơ động về vị trí đóng quân thực hiện nhiệm vụ. Khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, trong đội hình của Sư đoàn 346 vừa thành lập năm 1978, Trung đoàn 246 đảm nhiệm hướng phòng thủ ở Cao Bằng. Năm 1985, trung đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân...
Trở lại Trung đoàn 246 hôm nay, chứng kiến những đổi thay của đơn vị mới thấy những cố gắng không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Rời nơi rừng thiêng nước thẳm của Chiến khu Việt Bắc, trung đoàn về đứng chân ở huyện Phú Lương. Từ sự quan tâm của Bộ Quốc phòng cộng với sức của bộ đội, một doanh trại chính quy, đầy đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đã đi vào nền nếp. Đó là tiền đề để trung đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ với nhiều năm liền được nhận cờ đơn vị dẫn đầu Phong trào Thi đua Quyết thắng của Quân khu 1, được Bộ Quốc phòng và TCCT tặng bằng khen, giấy khen nhiều tập thể và cá nhân. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Giang Hà-Phó chính ủy trung đoàn cho biết: “Với niềm vinh dự, tự hào là nơi ra đời CĐTNCQ đầu tiên trong quân đội, Trung đoàn 246 trở thành “địa chỉ đỏ’’, được Bộ Quốc phòng, TCCT, Bộ tư lệnh Quân khu 1 tin tưởng giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức nhiều hoạt động trọng điểm của toàn quân và quân khu, để các cơ quan, đơn vị tham quan, học tập và giáo dục truyền thống cách mạng”.
BÍCH TRANG – VIỆT THÙY