Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo con đường nhỏ chạy dưới bóng mát của những cây thốt nốt già nua để tìm đến chùa B-52. Ông Chau Son, người Khmer, 65 tuổi, là người hướng dẫn hành lễ ở chùa, kể với chúng tôi những câu chuyện lịch sử bi tráng của ngôi chùa cổ, mà nỗi đau đã gắn cùng tên gọi: Chùa B-52!
Chùa Snaydonkum được xây dựng từ năm 1718. Trụ trì đầu tiên là sãi cả Chau Sô. Ban đầu, chùa được làm bằng gỗ, mái lá, tọa lạc trên sườn đồi Tức Dụp. Khoảng trước năm 1945, chùa được di dời từ trên núi xuống địa điểm hiện tại và xây cất lại bằng gỗ, mái tranh, với tên gọi Naydonkum. Theo những người lớn tuổi trong xã thì lúc dời xuống chân núi, xung quanh chùa cây cối mọc thành rừng um tùm, một cây xoài gần chùa do tìm ánh sáng, nên thân cây vươn lên rất cao, thân nhỏ tựa như dây leo. Do đó, dân trong phum sóc mới gọi chùa Naydonkum lệch đi thành chùa Snaydonkum, ý chỉ chùa Dây Xoài.
Cũng theo ông Chau Son, sở dĩ chùa Snaydonkum có tên B-52 là do trong kháng chiến, chùa là nơi nuôi giấu, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Những năm 1968 và 1969, căn cứ cách mạng của ta đặt trên đồi Tức Dụp. Thời điểm đó, đồng bào Khmer ở xã Ô Lâm đã tìm mọi cách tiếp tế lương thực, thuốc men để bộ đội có điều kiện bám trụ lâu dài đánh địch.
“Hằng ngày, bà con đến chùa vờ cúng gạo, muối, lương thực nhưng thực chất là để tiếp tế cho cách mạng. Vốn là cái gai trong mắt của Mỹ-ngụy nên chúng đã thực hiện nhiều cuộc bắt bớ, tàn sát nhằm đè bẹp tinh thần yêu nước của đồng bào Khmer nơi đây. Các công trình đổ nát hoàn toàn, khuôn viên chùa loang lổ những hố bom B-52. Từ đó, người dân địa phương gọi đây là chùa B-52 để khắc sâu nỗi hận thù với những kẻ gieo rắc đau thương lên mảnh đất Ô Lâm anh hùng”, ông Chau Son bộc bạch.
Là người đã đi qua cuộc chiến huyền thoại 128 ngày đêm trên đồi Tức Dụp diễn ra vào cuối năm 1968, đầu năm 1969, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thành Cư, nguyên Tỉnh đội phó Tỉnh đội An Giang vẫn còn nhớ như in ký ức bi tráng về ngôi chùa B-52. Theo lời Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thành Cư, trong 128 ngày đêm đó, quân dân An Giang đã phải chiến đấu với hơn 18.000 quân Mỹ-ngụy, có yểm trợ của không quân, pháo binh nhưng ta vẫn giữ vững được căn cứ. Để có được kết quả đó, ngoài sự chiến đấu ngoan cường, không ngại hy sinh của bộ đội còn có sự hỗ trợ rất lớn từ phía nhân dân trong việc tiếp tế lương thực, thuốc men, trong đó có sư sãi, phật tử của chùa B-52.
“Năm 1968, chúng tôi kiên quyết bám trụ núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn-PV) với niềm tin sắt đá. Sự giúp đỡ của bà con đã tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Thời điểm đó, ban ngày đánh giặc, ban đêm anh em tìm cách vượt qua vòng rào để gom từng thúng gạo, rổ khoai, gói thuốc do bà con tiếp tế. Cảm động nhất là những lúc bị địch vây ráo riết, bà con giấu gạo hoặc cơm dưới đáy thúng, bên ngoài ngụy trang rất kỹ. Có chị em còn dùng khăn mùi xoa vắt cơm, gửi vô cho chiến sĩ ăn. Trong những lúc địch bình định gắt gao, đồng bào và sư sãi đồng bào dân tộc Khmer tại các ngôi chùa ở vùng Bảy Núi, trong đó có chùa B-52 đã đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, chăm sóc thương binh, quyên góp, dự trữ lúa gạo để bộ đội ta ăn no, đánh thắng”-Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thành Cư hồi tưởng.
Sau khi chùa B-52 bị bom đạn địch san bằng, sư cả Tà Hiên đã dời đến nơi khác để lập chùa nhằm tránh sự đàn áp của kẻ thù. Trên nền chùa cũ chỉ còn dấu vết đổ nát, hoang tàn và những hố bom B-52 khét lẹt. Sau ngày đất nước thống nhất, ngôi chùa chưa kịp phục dựng thì đồng bào Khmer vùng Bảy Núi phải di tản nơi khác để tránh sự truy sát của bọn Khmer Đỏ. Đến năm 1980, chùa B-52 mới được xây dựng lại và được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào năm 2013. Trong khuôn viên khoảng 1,5ha của ngôi chùa, những công trình mới được hình thành. Đó là khu dạy tiếng dân tộc cho các cháu nhỏ để giữ gìn, phát huy vốn quý văn hóa của đồng bào Khmer hay khu các sư, sãi sinh hoạt đã khang trang hơn. Tuy nhiên, chiếc cổng chính điện cũ từng bị bom B-52 đánh phá cháy đen, hư hỏng một phần và các hố bom vẫn được quân dân nơi đây lưu giữ, xem đó là minh chứng cho tội ác chiến tranh, đồng thời biểu trưng cho sự hiên ngang, bất khuất của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ta trước sự tàn ác của quân thù.
Một thuở bom đạn đã đi qua, nhưng chứng tích chùa B-52 vẫn còn đó! Màu xanh cây lá đã kéo liền vết thương chiến tranh nhưng câu chuyện bi hùng về lòng yêu nước vẫn mãi là bài học quý báu cho thế hệ mai sau. Giờ đây, ông Chau Son và những người kế thừa Snaydonkum vẫn giữ mãi tấm lòng yêu quê hương xen lẫn tự hào với ngôi chùa đã gắn liền cùng ký ức hào hùng của vùng Bảy Núi.
Bài và ảnh: THÚY AN