47 năm đã qua, ký ức những ngày tháng bi hùng diễn ra tại nơi đây vẫn in đậm trong những người còn sống. Vào đêm 9-7-1972, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn K3 Tam Đảo bắt đầu hành quân từ làng Nhan Biều, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Khoảng 3 giờ sáng 10-7, đơn vị tập trung bên bờ sông Thạch Hãn và tổ chức vượt sông theo kế hoạch. Sát mép cổng thành phía tây có căn hầm bê tông cốt thép và vị trí này được dùng làm hầm chỉ huy Tiểu đoàn K3 Tam Đảo. Gần trưa 13-8, không quân Mỹ dùng bom có sức công phá lớn đánh phá thành cổ. Quả bom đã rơi trúng cổng thành phía tây. Hàng trăm tấn bê tông đổ xuống vùi lấp hầm chỉ huy tiểu đoàn. Chính trị viên phó tiểu đoàn Lê Binh Chủng, đồng chí Thu, Trung đội trưởng Trung đội trinh sát cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ khác đang làm nhiệm vụ trong hầm đã anh dũng hy sinh.
    |
 |
Khánh thành bia lưu niệm Ban chỉ huy Tiểu đoàn 3 (K3 Tam Đảo) tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: THANH BÌNH. |
Nhớ về các liệt sĩ, CCB Nguyễn Văn Hợi, nguyên cán bộ quân lực Tiểu đoàn K3 Tam Đảo bùi ngùi kể: “Tôi và các đồng chí Lê Binh Chủng, Thu sinh hoạt cùng tổ đảng. Chúng tôi thân thiết như ruột thịt, cùng san sẻ khó khăn, vui buồn. Trong tổ đảng chúng tôi có thỏa ước: “Nếu thành viên nào nhận được thư của thành viên trong tổ, được phép đọc trước”.
Ông Hợi dừng lại để ngăn dòng cảm xúc nhớ thương đang tuôn trào rồi kể tiếp: “Đầu những năm 2000, đến thành cổ tri ân đồng đội, tôi trào nước mắt khi thấy hai lá thư của gia đình gửi cho đồng chí Lê Binh Chủng ở khu trưng bày của Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Những lá thư ấy do chính tay tôi cầm về đưa cho đồng chí Lê Binh Chủng vào tháng 7-1972. Dịp đó, sau khi được điều trị vết thương, trên đường quay trở vào thành cổ, khi qua cứ, tôi nhận được hai lá thư của gia đình đồng chí Chủng, liền bóc ra đọc, sau đó mang thư đưa tận tay đồng chí Chủng. Qua tìm hiểu tôi được biết, khi khai quật hầm chỉ huy tiểu đoàn, các cơ quan chức năng đã tìm thấy lá thư để trong xắc cốt của đồng chí Lê Binh Chủng và đem vào trưng bày ở Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị”.
“Đồng đội hy sinh để chúng tôi được sống”, nỗi niềm ấy đã khơi ước muốn xây dựng một bia lưu niệm hầm chỉ huy Tiểu đoàn K3 Tam Đảo trong 81 ngày đêm giữ Thành cổ Quảng Trị để tri ân, khắc ghi, vinh danh đồng đội đã hy sinh. Bắt đầu từ năm 2010, CCB Nguyễn Văn Hợi viết tâm thư mong được sự ủng hộ về kinh phí để thực hiện. Năm 2016, đồng chí Nguyễn Đồng Tiến (lúc bấy giờ là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) quyết định tài trợ 42 triệu đồng cho ông Nguyễn Văn Hợi in hồi ký “Họ là những người lính Quảng Trị”. Sau khi in xong, đồng chí Tiến mời ông Hợi đến trụ sở Ngân hàng Nhà nước để nói chuyện với thế hệ trẻ ngành ngân hàng về những người lính K3 Tam Đảo. Những câu chuyện về tấm gương anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ trong chiến đấu đã làm các đại biểu rất xúc động. Kết thúc bài phát biểu, CCB Nguyễn Văn Hợi rưng rưng: “Hiện nay, nhiều thân nhân liệt sĩ mong muốn được đưa các anh trở về đoàn tụ với gia đình và quê hương. Chúng tôi cũng có ước muốn làm bia lưu niệm hầm chỉ huy-nơi nhiều đồng đội bị bom Mỹ giết hại, để khắc ghi, vinh danh công lao của đồng đội và để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mai sau”.
Câu chuyện vừa dứt, trong sự xúc động, đồng chí Nguyễn Đồng Tiến nắm chặt tay CCB Nguyễn Văn Hợi và thông báo với ông, Công đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tài trợ kinh phí để xây dựng bia lưu niệm này. Nhận được “tấm lòng vàng” của tập thể cán bộ, nhân viên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, CCB Nguyễn Văn Hợi thực hiện nhiều hành trình từ nơi ở là TP Nam Định (tỉnh Nam Định) lên Hà Nội và vào Quảng Trị để làm các thủ tục cần thiết cho dự án xây dựng bia lưu niệm. Giờ đây, bia lưu niệm đã hoàn thành-là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cũng như tỏa sáng thêm nghĩa tình đồng đội, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
NGỌC GIANG