Chúng tôi được ông Ngô Văn Lưu, sinh năm 1948, Trưởng ban cai quản Thánh thất Ngọc Minh (nơi quản lý di tích trận Giồng Bốm) kể về thời khắc lịch sử hào hùng của quần chúng, tín đồ, chức sắc, chức việc trong trận chiến đấu năm xưa. Ba và chú, bác của ông Lưu cũng từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong trận đánh này.
Theo lời kể của ông Lưu, kể từ ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945), Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo do cụ Cao Triều Phát, Phó chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Bạc Liêu, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa I, Quyền Chưởng quản Hiệp Thiên đài-Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo, Tổng trưởng Thanh niên Đoàn đạo đức Hậu Giang đã chủ trì cuộc “Khoáng đại hội nghị” tại Tòa thánh Ngọc Minh ở Giồng Bốm nhân đại lễ Hạ ngươn từ ngày 19 đến 20-11-1945. Hội nghị đã thống nhất lấy Tòa thánh Ngọc Minh làm đại bản doanh để kháng chiến chống thực dân Pháp. Với khẩu hiệu “Cứu nước là cứu đạo”, các tín đồ quyết hy sinh tài sản, tính mạng để cứu nước, bảo vệ nền đạo. Hội nghị đã suy tôn cụ Cao Triều Phát làm tổng chỉ huy và cụ đã ra lời hiệu triệu, động viên chức sắc, chức việc, thanh niên đoàn đạo đức hưởng ứng Nam Bộ kháng chiến bằng hành động cụ thể của mỗi người, mỗi nhà, của từng họ đạo trong toàn phái Minh Chơn Đạo.
Sau hơn 5 tháng chuẩn bị cơ sở vật chất và xây dựng lực lượng đã quy tụ hơn 2.000 quần chúng, tín đồ, chức sắc, chức việc và thành lập các ban chuyên trách, xây dựng tổ chức lực lượng phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, đặc biệt đã tổ chức 18 trung đội trực tiếp chiến đấu, mỗi trung đội khoảng 40 người.
    |
 |
Khu di tích Quốc gia địa điểm trận Giồng Bốm. |
Sáng 6-4-1946, thực dân Pháp đưa một trung đội đến thám thính Giồng Bốm. Nghĩa quân “áo trắng” do chuẩn bị chu đáo, bố trí canh phòng cẩn mật nên đã kịp thời phát hiện và chặn đánh địch từ xa. Chờ cho chúng vào vị trí phục kích, nghĩa quân nổ súng tiêu diệt 2 lính Pháp đi đầu. Bị bất ngờ, quân Pháp chống trả yếu ớt và tháo chạy. 6 ngày sau, Pháp cho 3 máy bay oanh tạc, khu vực chỉ huy của nghĩa quân bị trúng bom, 11 người hy sinh, hàng chục người bị thương. Ngày 13-4, quân Pháp cho 100 lính bộ binh tiến công vào Giồng Bốm. Nghĩa quân đã phòng bị từ trước, chủ động nổ súng phản công. Một lần nữa, quân Pháp bị động, rối loạn đội hình, nghĩa quân thừa thế truy kích khiến chúng tháo chạy khỏi trận địa.
Sáng 15-4, Pháp đưa 2 tiểu đoàn quân viễn chinh với trang bị vũ khí hiện đại chia thành 3 hướng tấn công vào Giồng Bốm. Với sự mưu trí, tinh thần chiến đấu dũng cảm, tuy vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ đã tiêu diệt hàng trăm tên địch. Song, do chênh lệch về lực lượng, vũ khí, trang bị nên cuộc chiến đấu của các “chiến sĩ áo trắng” bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tòa thánh Ngọc Minh và Ngũ hành tòa bị phá hủy, 137 chức sắc, chức việc, đạo tâm, thanh niên đoàn đạo đức anh dũng hy sinh. Để bảo toàn lực lượng, cụ Cao Triều Phát ra lệnh lui quân về Cái Nước (Cà Mau). Quân Pháp điên cuồng đốt phá, Giồng Bốm vốn thanh bình, yên ả trở nên điêu tàn, hoang phế bởi bàn tay quân xâm lược. Mặc dù bị tổn thất nhưng tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu chống thực dân xâm lược của các tín đồ, chức sắc, chức việc trong trận Giồng Bốm đã góp phần làm chậm bước tiến xâm lược của chúng.
Trận đánh đã gây tiếng vang mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, các chi phái Cao Đài và các tôn giáo bạn; cổ vũ tinh thần yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc. Đồng thời, qua đó đã khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân tỉnh Bạc Liêu nói riêng, nhân dân Nam Bộ nói chung đứng lên chống đế quốc thực dân xâm lược, bảo vệ thành quả cách mạng. “Để bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích này, những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh và Ban Thường trực Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo đã nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu, hình ảnh, hiện vật có liên quan đến trận Giồng Bốm; đầu tư xây dựng, tôn tạo các công trình: Thánh thất Ngọc Minh, Đài Trung liệt thánh, Phủ thờ Cao Triều Phát; từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, dịch vụ... để phục vụ khách tham quan và nghiên cứu. Ngoài ra, các tín đồ luôn quan tâm giáo dục lịch sử truyền thống cho con em mình, nỗ lực giữ gìn, phát huy tinh thần yêu nước, cống hiến sức mình xây dựng quê hương”, ông Ngô Văn Lưu cho biết.
Bài và ảnh: HỮU TÀI