Vào thăm Bảo tàng Bến Tre, chúng tôi rất xúc động khi xem bức ảnh lịch sử độc đáo do phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam chụp các nữ TNXP Chiến khu Đ, Tây Ninh đứng ngâm mình giữa dòng nước xiết, dùng vai nâng ván cầu cho những cáng thương binh đi qua suối. Một trong những nữ TNXP trong ảnh, miệng nở nụ cười tươi, đội nón tai bèo làm trụ cầu phía trái là bà Giáp Thị Thanh Tiến, sinh năm 1944, quê ở chợ Bang Tra, xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre). Lúc ấy, bà Tiến mới 24 tuổi. Nghe hướng dẫn viên thuyết minh và cảm phục các nữ TNXP, chúng tôi quyết định đi tìm người trong ảnh.
Bà Giáp Thị Thanh Tiến là con út trong gia đình có 6 người con, nhưng chỉ có một trai. Như bao gia đình khác ở Bến Tre sau Phong trào Ðồng khởi, gia đình Út Tiến cũng thi đua tòng quân đánh giặc. Út Tiến xung phong gia nhập lực lượng TNXP khi mới 16 tuổi. Từ Bến Tre, Út Tiến cùng đơn vị TNXP C2012 (đơn vị phục vụ mặt trận, thuộc Trung đoàn Bình Giã, Sư đoàn 9) hành quân về miền Ðông. Những ngày đầu làm nhiệm vụ cáng thương, tải đạn, đôi vai con gái sưng vù, toàn thân đau nhức. Và nhớ nhà! Nhiều đêm nước mắt chảy lặng lẽ, nếu ở gần có lẽ chị đã chạy ù về bên mẹ. Nhưng lời mẹ dặn “nhiệm vụ càng khó khăn càng vinh quang, Út à!” đã động viên Út Tiến tiếp bước.
Theo lời kể của bà Tiến, chiến trường càng ác liệt, sinh hoạt cũng kham khổ theo. Những trận bị địch vây 5-6 ngày, thức ăn chỉ có lon cơm khô, rau rừng, măng luộc chấm muối. Có lần đi tải lương thực, vừa qua trảng thì địch tràn đến. Không đi tiếp cũng không trở về được, đói, chưa có kinh nghiệm nên các chị rủ nhau bẻ măng luộc ăn. Mươi phút sau, ai nấy ôm bụng, sùi cả bọt mép... Hy sinh, gian khổ nhưng mọi người đều yêu thương, đoàn kết, chăm nhau từ chuyện nhỏ nhất.
Khi được hỏi về bức ảnh “Cầu người”, bà Tiến kể: “Hôm đó xảy ra đụng độ giữa Quân Giải phóng với biệt kích Mỹ trong một cánh rừng ở huyện Tân Biên (Tây Ninh). Nhiều chiến sĩ bị thương, trung đội TNXP của chúng tôi chịu trách nhiệm chuyển thương về tuyến sau. Lúc đó mùa mưa nên sông suối ở Chiến khu Đ nước rất lớn. Bức ảnh “Cầu người” chụp trên con suối Nhum, tỉnh Tây Ninh, năm 1968. Buổi sáng, khi chúng tôi hành quân qua thì suối cạn, đến chiều mưa đổ ào ào, nước suối dâng cao. Nhiệm vụ của TNXP là không để sót, không để đồng đội bị thương lần hai. Bởi vậy, khi thấy nước suối dâng cao, chỉ huy nói phải chặt cây bắc cầu đưa đồng đội qua. Lúc đó, chúng tôi phát hiện ở gần đó có một công ty thực phẩm bỏ lại rất nhiều mảnh ván, thế là tất cả nhanh chóng rút ván lội suối bắc cầu cho đoàn cứu thương qua”.
Im lặng hồi lâu, bà Tiến nghẹn ngào: “Trong số các thương binh, nhiều chiến sĩ của ta bị thương nặng nhưng luôn nghĩ cho đồng đội mà không màng đến bản thân. Có đồng chí bị bom đạn làm cho khuôn mặt biến dạng và nghĩ mình khó qua khỏi nên khi chúng tôi đến, các đồng chí ấy nói: “Anh bị nặng, không sống được đâu, các em đi cứu các đồng chí khác đi”. Nghe đồng đội nói vậy mà lòng chúng tôi đau thắt lại...".
Nói về nụ cười của mình khi ấy, bà Tiến kể: “Khi anh em bắc cầu, lúc đó, tôi cũng nhảy xuống suối. Lúc đứng dưới suối làm cầu, nhìn những cáng thương binh đi qua, tôi hy vọng các anh được cứu sống nên nở nụ cười lạc quan. Và nhà nhiếp ảnh Phạm Thính đã ghi lại được khoảnh khắc đó”.
Sau ngày thống nhất đất nước, mãi đến năm 1998, bà Tiến mới thấy bức ảnh “Cầu người” lần đầu tiên. “Lúc thấy bức ảnh, tôi thật sự xúc động, sau đó cố gắng đi tìm tác giả nhưng không được. Năm 2008, trong cuộc triển lãm “Phụ nữ Sài Gòn-Gia Định trong năm Mậu Thân 1968” do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, tôi được ban tổ chức mời lên dự. Tôi tìm ban tổ chức hỏi thăm tác giả bức ảnh. Sau đó, chúng tôi gặp nhau thì tôi mới biết tác giả bức ảnh là đồng chí Phạm Thính. Hai chúng tôi thân thiết từ đó...”, bà Tiến kể.
Bài và ảnh: THÚY AN - NGUYỄN SỰ