Bên trong di tích đặt bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu về các sĩ phu yêu nước, hình ảnh Sài Gòn xưa, con tàu Amiral Latouche Tréville và danh sách nhân viên tàu, trong đó có ghi tên Văn Ba… Chị Trần Thị Quyên, cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin quận 5, người phụ trách di tích cho biết: “Ngày xưa, đứng trên gác, có thể nhìn thấy rõ dòng kênh lớn, nơi thuyền bè xuôi ngược ra vào Bến cảng Nhà Rồng. Phía bên kia dòng kênh cũng là nơi đặt xưởng nước mắm của Công ty Liên Thành…”.

Nhắc đến Công ty Liên Thành, chúng tôi tìm đọc sử liệu của Đảng bộ Quận 5, trong đó ghi rõ: Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong 3 căn nhà của Liên Thành thương quán, tại số 1-2-3 Quai Testard (Bến Testard). Ðây là tổ chức hoạt động yêu nước được thành lập năm 1906, gồm 3 bộ phận với 3 chức năng: Liên Thành thương quán-làm kinh tế gây quỹ hoạt động; Liên Thành thư xã-truyền bá sách báo có nội dung yêu nước; Dục Thanh học hiệu-mở trường dạy cho con em những người yêu nước và lao động nghèo theo tư tưởng truyền bá lòng yêu nước và tiến bộ. Hai cơ sở Liên Thành thư xã và Dục Thanh học hiệu ở Phan Thiết (Bình Thuận), còn Liên Thành thương quán ở Sài Gòn. Chính Liên Thành thương quán đã giúp đỡ Nguyễn Tất Thành trong quá trình từ Phan Thiết vào Sài Gòn và trong thời gian Người ở lại đây. Thời bấy giờ, nơi này nhiều kênh rạch, việc di chuyển chủ yếu bằng ghe, xuồng. Xung quanh nhiều cây cối, rất thuận lợi và bảo đảm bí mật. Hơn nữa, hoạt động của thương quán khá nhộn nhịp, nên sự có mặt của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành cũng không gây chú ý. Bởi thế, suốt mấy tháng trời, Nguyễn Tất Thành có thời gian chiêm nghiệm thực tế ở thành phố náo nhiệt này.

leftcenterrightdel
Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (quận 5, TP Hồ Chí Minh) thu hút đông đảo du khách. Ảnh: NGUYỆT QUYÊN.

Sử liệu ở di tích ghi rằng, ngày mới vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành được bố trí sống tại nhà ông Lê Văn Ðạt, một người bà con bên mẹ của cụ Trương Gia Mô-nhân sĩ nổi tiếng ở Nam Bộ, bạn đồng liêu của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Chính ông Trương Gia Mô và một số người bạn đã tác động để viên công sứ Pháp đồng ý cấp giấy thông hành cho Nguyễn Tất Thành với tên mới là Văn Ba để vào Sài Gòn.

Sau hai ngày ở nhà ông Lê Văn Đạt, Nguyễn Tất Thành được đưa đến Liên Thành thương quán. Trong thời gian ở Sài Gòn, Người vừa dạy học vừa đi làm tại trường thợ máy (École des Mécaniciens), kể cả bán báo ở khu vực thương cảng để mưu sinh và tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động cũng như các tàu ra vào cảng Sài Gòn. Đây là khoảng thời gian quan trọng để Người chuẩn bị hành trang cho việc ra đi tìm đường cứu nước. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ sử học Lê Hữu Phước, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, khi dạy học ở trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc và gặp gỡ nhiều chí sĩ yêu nước, những nhà sáng lập và điều hành Công ty Liên Thành. Người rất quan tâm thu thập thông tin về việc đi ra nước ngoài, tìm hiểu mối liên hệ giao thương của Liên Thành thương quán với các tàu biển… Vào đến Sài Gòn, mặc dù ở tại Liên Thành thương quán chỉ từ tháng 9-1910 đến tháng 6-1911, nhưng Người đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các sĩ phu yêu nước và người lao động nghèo. Bởi vậy, Sài Gòn là nơi đánh dấu sự chín muồi cả về nhận thức và hành động để Nguyễn Tất Thành quyết định dứt khoát sự lựa chọn của mình. Điều này cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề cập trong tác phẩm Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm (NXB Sự thật, 1985): “Phải chăng thành phố ít nhiều mang tính chất công nghiệp đã góp phần vào sự lựa chọn quyết định của Bác?”.

Năm 1911, Nguyễn Tất Thành với tên Văn Ba đã thuyết phục được thuyền trưởng con tàu Amiral Latouche Tréville chấp nhận cho làm phụ bếp trên tàu. Sáng sớm ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành rời căn nhà số 1-2-3 Quai Testard ra bến Nhà Rồng, lên tàu: Amiral Latouche Tréville, bắt đầu hành trình tìm đường cứu dân, cứu nước…

Căn nhà ấy, giờ đây đã trở thành Di tích lịch sử quốc gia, là điểm kết nối du lịch truyền thống với Bến cảng Nhà Rồng, Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và những địa danh lịch sử cách mạng của thành phố, thu hút đông đảo du khách tham quan. “Chúng tôi luôn cố gắng sắp xếp, bảo quản tốt nhất những tư liệu, hiện vật ở đây vì từng bậc gỗ, từng viên gạch dường như vẫn vấn vương hơi ấm của Người”, chị Trần Thị Quyên xúc động chia sẻ.

YẾN LONG