Xếp bút nghiên lên đường đánh giặc

Tháng 2-1968, khi đang là giáo sinh Trường Trung cấp Sư phạm Hà Bắc, hệ 7+3 (tiền thân của Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang ngày nay), anh Phùng Văn Dần xung phong nhập ngũ. Anh được biên chế vào đại đội gồm các nhà giáo của tỉnh Hà Bắc, mang tên Ngô Gia Tự 2 (trước đó đã có một đại đội các nhà giáo tỉnh Hà Bắc, nhập ngũ năm 1967, mang tên Ngô Gia Tự), thuộc Tiểu đoàn 702 huấn luyện chiến sĩ mới, Sư đoàn 338, Quân khu Tả Ngạn.

“Tại đây, tôi cùng đồng đội bước vào huấn luyện chiến sĩ mới 3 tháng để bổ sung cho các đơn vị chiến đấu ở miền Nam-cựu chiến binh Phùng Văn Dần nhớ lại-Chúng tôi hằng ngày học chính trị, luyện tập quân sự, hành quân đường dài, quãng đường từ 10km đến 50km, chủ yếu là đường đồi, rừng núi. Ngoài vũ khí, ba lô trên lưng luôn có khối đất sét nặng 25kg. Chúng tôi hành quân rèn luyện, đi qua những địa danh quen thuộc, như: Quế Võ (Bắc Ninh), Yên Thế (Bắc Giang), Chí Linh (Hải Dương), Đông Triều (Quảng Ninh)... Những cánh rừng, đồi đất, núi cao là nơi chúng tôi rèn giũa, để khi “đi B”, vào Nam chiến đấu thêm vững vàng...

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Phùng Văn Dần (hàng đầu, bên trái) giới thiệu cảnh quan, khuôn viên đình Vọng Đông. Ảnh: HIẾU GIANG 

Ngày 18-5-1968, Đại đội Ngô Gia Tự 2 chúng tôi được lệnh lên đường vào miền Nam chiến đấu. Hành quân bộ ròng rã hơn một tháng, vượt qua các cung đường tuyến lửa miền Trung ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, chúng tôi vượt dãy Trường Sơn, qua đất bạn Lào để vào chiến trường Đường 9-Khe Sanh (Quảng Trị). Đầu tháng 7-1968, Đại đội Ngô Gia Tự 2 được bổ sung cho Trung đoàn 246, Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu 1). Trung đoàn 246 vào chiến trường tháng 5-1968. Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của trung đoàn, nhiều cán bộ, chiến sĩ Đại đội Ngô Gia Tự 2 được điều động, biên chế cho các đại đội, tiểu đoàn khác nhau, như vào đại đội công binh, pháo binh, thông tin liên lạc...

Tôi được bổ sung cho Trung đội 4, Đại đội 10, Tiểu đoàn 27 (K27), do đồng chí Ma Văn Thuần là Trung đội trưởng. Từ đây, tôi bước vào cuộc sống chiến trường, phục vụ chiến đấu và tham gia các trận chiến đấu ác liệt, cùng đơn vị lập được nhiều chiến công xuất sắc. Trong gần 20 ngày chặn đánh quân Mỹ rút lui (từ ngày 9 đến 25-7-1968), Trung đoàn 246, trong đó có đơn vị tôi, phối hợp hiệp đồng tác chiến với các đơn vị bạn, cùng với lực lượng vũ trang địa phương đã chiến đấu, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.300 lính Mỹ; bắn rơi, phá hủy 34 máy bay, 5 khẩu pháo, súng cối và 5 xe vận tải...”.

Ký ức chiến đấu bảo vệ Thành cổ

Theo mạch hồi ức, cựu chiến binh Phùng Văn Dần kể tiếp: “Năm 1969, tôi chuyển đơn vị và được trên cử đi học chuyên môn thông tin liên lạc, sau đó chuyển sang đào tạo chuyên ngành trinh sát, đo đạc pháo binh. Học xong, tôi được điều về Tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Pháo binh 164, Quân khu 4 (nay là Lữ đoàn Pháo binh 164, Quân đoàn 2). Mồng 2 Tết Nhâm Tý 1972, tôi đang ở đơn vị đóng quân trong khu vực Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) thì được liên lạc của tiểu đoàn truyền lệnh lên sở chỉ huy tiểu đoàn nhận nhiệm vụ.

Lên nhà chỉ huy tiểu đoàn, tôi được các đồng chí chỉ huy gặp gỡ, cho biết là trung đoàn lựa chọn tôi vào Tổ trinh sát đặc biệt của trung đoàn và động viên tôi nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngay tối đó, tôi được tiểu đoàn cho mượn xe đạp Phượng Hoàng để lên trung đoàn nhận nhiệm vụ. Đi được 200m, do đêm tối, tôi ngã xuống hố bom, ướt hết quần áo, xe hỏng, phải vừa chạy vừa dắt xe cho kịp thời gian. Ở sở chỉ huy trung đoàn, đồng chí Ngô Hoàng, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 164 phổ biến nhiệm vụ cho Tổ trinh sát đặc biệt.

Tổ gồm 6 cán bộ, chiến sĩ, do đồng chí Nguyễn Bá Thiện, Đại đội trưởng Đại đội chỉ huy thuộc Tiểu đoàn 2 làm Tổ trưởng. Đồng chí Nguyễn Văn Sâm, Trung đội trưởng trinh sát pháo binh là Tổ phó. Tôi lúc này là Tiểu đội trưởng trinh sát, đo đạc tọa độ cùng 3 đồng chí là chiến sĩ các ngành thông tin, trinh sát pháo binh là tổ viên. Nhiệm vụ của tổ là bí mật thọc sâu vào hậu phương địch, trinh sát đo đạc, đánh dấu tọa độ mục tiêu cho pháo binh.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Phùng Văn Dần giới thiệu cảnh quan, khuôn viên đình Vọng Đông. Ảnh: HIẾU GIANG  

Hôm sau, chúng tôi được nhận “Thẻ đặc biệt”. Dùng thẻ này có thể vào bất kỳ kho nào ở mặt trận là được cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm theo cơ số. Xe GAZ-66 của trung đoàn chở Tổ trinh sát đặc biệt lên đường, đến khu vực biên giới Việt-Lào. Từ đây, chúng tôi phải đi bộ, trèo qua động Voi Mẹp cao 1.011m (đây cũng là lần thứ hai tôi qua động Voi Mẹp. Lần trước là trong đội hình Đại đội Ngô Gia Tự 2 hành quân vào miền Nam). Rồi chúng tôi vào vùng địch hậu, đánh dấu các hỏa điểm của địch. Khi vào sâu hậu phương của địch, chúng tôi đi tất hoặc dùng vải bọc chân, không để lại dấu dép, dấu giày, để tránh địch phát hiện. Chúng tôi bí mật trinh sát, xác định tọa độ chỉ huy sở, khu thông tin, trận địa pháo, khu hậu cần của địch... Trong điều kiện dã chiến, chúng tôi phải khắc phục rất nhiều khó khăn, sáng tạo dụng cụ làm chuẩn, định vị, lấy cây làm chân cho phương hướng bàn để xác định hướng, tính toán tọa độ, phần tử bắn và báo về trung đoàn.

Kết quả trinh sát của chúng tôi là cơ sở để trung đoàn xây dựng kế hoạch, sử dụng hỏa lực pháo binh. Ngày 30-3-1972, các trận địa pháo của trung đoàn mãnh liệt khai hỏa, bắn chính xác vào các mục tiêu đã xác định, khiến địch nhanh chóng tan rã, tạo điều kiện cho các đơn vị của ta đánh chiếm trận địa. Ngày 1-5-1972, ta giải phóng tỉnh Quảng Trị. Ít lâu sau, địch tổ chức phản kích, quyết tái chiếm Thành cổ Quảng Trị. Trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, tôi tiếp tục cùng với đơn vị trinh sát các mục tiêu của địch, gọi pháo bắn chính xác. Vinh dự cho tôi, ngay trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị, ngày 1-6-1972, tôi được kết nạp Đảng tại mặt trận vì lập thành tích trong chiến đấu. Ngày 11-7-1972, khi làm nhiệm vụ trinh sát địch ở Đài quan sát Nam sông Thạch Hãn (khu vực xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), tôi bị trúng mảnh đạn pháo của địch, được đồng đội đưa về tuyến sau điều trị vết thương.

Mong muốn làm đẹp quê hương 

“Sau khi điều trị vết thương ở Viện Quân y 43 (Quân khu Trị-Thiên), an dưỡng ở Đoàn 200 (Quân khu 4) và Đoàn An dưỡng 157, Tỉnh đội Hà Bắc, tháng 11-1975, tôi xuất ngũ và được cử đi học tập ở Liên Xô. Sau 4 năm đào tạo, năm 1980, tôi trở về nước, làm chuyên gia, phiên dịch viên tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Năm 1987, trên điều động tôi về Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Xây dựng, làm công tác quản lý người lao động Việt Nam ở Liên Xô. Năm 1991, Liên Xô tan rã, trên sắp xếp tôi tiếp tục ở lại Liên bang Nga làm việc. Đến năm 1994, tôi về nước. Xây cho gia đình ngôi nhà ở quê xong, tôi được cơ quan chức năng gọi trở lại Liên bang Nga làm việc, tham gia sáng lập Hội Người Việt Nam đoàn kết ở TP Ulyanovsk (Liên bang Nga) và làm Phó hội trưởng. Đến năm 2019, tôi trở về Việt Nam.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Phùng Văn Dần giới thiệu cảnh quan, khuôn viên đình Vọng Đông. Ảnh: HIẾU GIANG  

Về quê hương khi phong trào xây dựng nông thôn mới đang cần huy động mọi nguồn lực, tôi đóng góp tiền, công sức nhỏ bé của mình tham gia. Đến nay, xã Yên Trung đã đạt tiêu chí xã nông thôn mới. Đường giao thông được mở rộng, bê tông và nhựa hóa; trường học, nhà văn hóa được xây dựng khang trang. Đình Vọng Đông là một ngôi đình có bề dày lịch sử gắn với thần hoàng của thôn. Tôi vận động bà con, họ tộc quyên góp tiền, cung tiến trùng tu đình làng. Tuy đình làng được trùng tu, tôn tạo khang trang, cổng đình, phù điêu bề thế, uy nghiêm, song khuôn viên, cảnh quan của đình còn chưa đẹp. Vậy là hằng ngày, tôi ra đình lao động, san gạt đất, trồng cây; vận động các gia đình, “mạnh thường quân” hỗ trợ gạch, xi măng để đổ nền, kè bờ, lát gạch, làm lối đi, kê ghế đá... Sau hơn hai năm kiên trì, với hàng trăm ngày công đào, san gạt đất, tôi đã tu bổ, trồng cây, tạo nên khuôn viên, cảnh quan đình Vọng Đông khang trang, sạch và đẹp như công viên. Sân đình và khuôn viên đình là nơi để người cao tuổi sáng chiều thả bộ, tập dưỡng sinh, đến thăm thú...

Những ngày đầu tôi ra đình lao động tự nguyện, nhiều người bảo tôi “việc nhà không năng lại siêng việc đình”. Bây giờ tạo được khuôn viên, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, bà con trong thôn được thụ hưởng, trong lòng tôi thấy rất vui vì mình đã làm được việc có ích, dù nhỏ”, cựu chiến binh Phùng Văn Dần tâm sự.

DƯƠNG HÀ