Theo tài liệu ghi chép lại, tháng 11-1873, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất. Tại cửa Đông Hà, một đội quân của triều đình do viên quan Chưởng cơ chỉ huy đã chiến đấu dũng cảm. Tuy nhiên, do chênh lệch về tương quan lực lượng, cả đội quân đã hy sinh đến người cuối cùng. Về sau, để kỷ niệm và nhắc nhớ về tinh thần chiến đấu quả cảm, quyết tử của viên quan Chưởng cơ cùng các nghĩa sĩ năm đó mà nhân dân Hà Nội gọi cửa ô này là cửa ô Quan Chưởng.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, ngoài những cái tên như: Đông Hà môn, Ô Thanh Hà (do cửa ô được xây dựng ở điểm Thanh Hà), Ô Quan Chưởng còn có cái tên khác là cổng Jean Dupuis (Porte Jean Dupuis)-tên một nhà thám hiểm, thương nhân người Pháp. Sách “Hà Nội giai đoạn 1873-1888” của André Masson (NXB Hà Nội, tháng 4-2009) viết: “Điểm làm Hà Nội năm 1873 khác với Hà Nội hiện nay là ở những công trình bảo vệ của nó. Đó là những tường vây hoặc các cổng chia nhỏ các phố. Khu phố buôn bán được bảo vệ bằng nhiều cổng, trong đó hiện nay chỉ còn cổng Jean Dupuis. Cổng được xây dựng năm 1749 để phòng thủ kinh thành trước sự nổi dậy của Nguyễn Hữu Cầu (quận He-TG). Cổng có một cửa chính lên tháp canh và hai cửa phụ ở hai bên, phía trên để trống nhưng có lan can trang trí. Trên tường cửa chính gắn một tấm bia đề năm Tự Đức thứ 34 (1881) cấm lính gác đòi tiền người qua lại”.

leftcenterrightdel

Ô Quan Chưởng ngày nay. Ảnh: TUẤN TÚ

Ngày nay, ở phố Ô Quan Chưởng, phố Thanh Hà, phố Hàng Chiếu, người xe vẫn đi lại tấp nập cho dù bến sông xưa đã lùi ra bãi Phúc Tân. Mỗi khi qua lại, người ta lại thấy ở tường bên phải tấm bia “Thân cấm khư tệ”-cấm lính gác thu tiền người qua lại. Bia do Tổng đốc Hoàng Diệu lệnh cho huyện lại, lý dịch huyện Thọ Xương, phố Thanh Hà phải nghiêm trị bọn phu điếm, lý dịch thông đồng với nhau nhũng nhiễu dân qua lại cửa ô. Tấm bia được lập trước khi Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết trong đợt tấn công Hà Nội lần thứ hai của thực dân Pháp.

Tại Ô Quan Chưởng, chúng tôi thấy rất nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm. Bà Đào Bích Lan, 84 tuổi, sinh sống tại số 1-3 phố Ô Quan Chưởng cho biết, gia đình bà nhiều đời nay cư ngụ trên con phố cổ này. Hằng năm, vào dịp lễ thượng nguyên, vào hè, ra hè hay mỗi dịp lễ, tết, bà con ở đây thường lên vọng gác làm lễ cúng quan, mong ngài phù hộ cho quốc thái, dân an. Không ai bảo ai nhưng mọi người đều có ý thức tự giác bảo vệ. Rất mừng là chính quyền phường Đồng Xuân, đơn vị được giao trực tiếp quản lý di tích cũng thường xuyên quan tâm, bảo vệ để di tích không bị lấn chiếm, xâm hại.

Hiện nay, kết cấu của cửa ô vẫn được giữ nguyên, dù đã có một số hàng gạch, tường bao buộc phải sửa chữa, thay mới do sự tàn phá của thời gian. Ba chữ Đông Hà môn vẫn còn rõ nét trên cửa cổng. Từ cửa tò vò bên phía Thanh Hà, chui vào hầm và đi ngược lên 11 bậc, bằng mắt thường cũng có thể nhận biết được độ dày và rộng của bức tường thành năm xưa bởi nó được giữ gìn khá nguyên vẹn. Hàng trăm năm đã trôi qua, với sự bảo tồn và gìn giữ của nhân dân Thủ đô, cổng Ô Quan Chưởng sẽ còn mãi như chứng tích của thành lũy phía ngoài, bảo vệ kinh thành Thăng Long.

BẢO LINH