Ngày đầu tháng 7, bầu trời trên đỉnh núi Pú Đồn trong xanh vời vợi. Thong thả bước chân trên những phiến đá rêu phong, dưới những cây dẻ cổ thụ tỏa bóng mát rượi, ông Lò Văn Biên, nguyên Chủ tịch UBND xã Mường Phăng đưa tôi trở về Sở chỉ huy chiến dịch. Men theo con suối nhỏ róc rách uốn lượn quanh chân núi Pú Đồn, Sở chỉ huy chiến dịch hiện ra trước mắt chúng tôi với hệ thống các hầm hào, lán trại liên hoàn, bố trí khép kín, bảo đảm bí mật, an toàn trong điều kiện làm việc khẩn trương của Bộ chỉ huy chiến dịch suốt 105 ngày (31-1 đến 15-5-1954).

Đi qua trạm gác tiền tiêu và lán làm việc của cơ quan thông tin, cơ quan chính trị, chúng tôi thật sự bất ngờ trước vẻ mộc mạc, đơn sơ tại lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là một căn lán nhỏ được làm bằng tre, nứa, có diện tích 18m2. Bên ngoài liếp nứa được che thêm những tấm cỏ gianh để tránh gió lùa và giấu bớt ánh sáng về ban đêm. Gian phòng ngoài là nơi làm việc và nghỉ ngơi của Đại tướng. Trên vách có treo hai tấm bản đồ hình thái chiến trường Đông Dương (Đông Xuân 1953-1954) và một bản đồ theo dõi vận chuyển hậu cần của ta. Trên chiếc bàn tre, tấm bản đồ tình hình chiến sự giữa ta và địch luôn mở rộng. Bên cạnh là chiếc máy điện thoại quay tay. Hằng ngày, hằng giờ, Đại tướng nghiên cứu và nắm tình hình chiến trường Điện Biên Phủ. Ngọn đèn bão vẫn được thắp sáng đêm đêm tại ngôi lán đơn sơ. Chiếc giường mộc mạc được ghép bằng tre rừng.

leftcenterrightdel
Ông Lò Văn Biên giới thiệu về Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Ông Lò Văn Biên cho hay, Mường Phăng, tiếng Thái nghĩa là “bản lạnh”. Ban đêm mùa đông, nhiệt độ xuống thấp. Đại tướng nằm ngủ trên lớp cỏ gianh phủ vải dù làm đệm, một chiếc chăn dạ, một chiếc chăn bông và chiếc màn tuyn. Đôi dép cao su để cuối giường đã ngả màu nhạt từng cùng Đại tướng đi khắp nẻo đường. Điều khiến nhiều người cảm động, đó là gia tài của Đại tướng chỉ gói gọn trong chiếc ba lô nhỏ treo trên vách cùng với chiếc mũ nan tre căng lưới và những sợi dù ngụy trang màu lá. Gian trong cùng là nơi nghỉ của đồng chí cần vụ người dân tộc Tày tên là Chính Sính, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Đại tướng. Tại căn lán đơn sơ này, nhiều đêm Đại tướng thao thức, trăn trở lắng nghe từng mẩu tin từ mặt trận gửi về, theo sát việc kéo pháo ra và đưa ra nhiều chỉ thị, quyết định quan trọng.

Cũng tại Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, Bộ chỉ huy chiến dịch đã đón Tết Giáp Ngọ năm 1954 ngay tại mặt trận. Núi rừng Mường Phăng đón mùa xuân về, hoa ban nở trắng sườn núi. Sáng đầu xuân, sương lạnh lẽo bao phủ, Đại tướng đến chúc Tết các đơn vị. Không khí đầu năm càng thêm phấn khởi khi Đại tướng nhận được điện và thư trả lời của Bác và Trung ương, nhất trí cho rằng quyết định thay đổi cách đánh hoàn toàn đúng. Trung ương Đảng và Chính phủ sẽ động viên toàn dân dốc sức chi viện cho Điện Biên Phủ tới khi toàn thắng. Ông Lò Văn Biên cho biết, cũng trong dịp Tết Nguyên đán năm ấy, đại diện đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Dao đã đến chúc Tết Bộ chỉ huy chiến dịch và bộ đội, chia sẻ quyết tâm của nhân dân Tây Bắc sát cánh cùng bộ đội đánh bại thực dân Pháp...

leftcenterrightdel
Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Ngày nay, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là chứng tích hào hùng, biểu tượng của trí tuệ quân sự và khí phách hào hùng của dân tộc. Bà Phạm Thị Thảo, Phó trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên cho hay: Nhiều du khách quốc tế đến tham quan, họ không khỏi bất ngờ bởi sự thô sơ, mộc mạc khi nhìn thấy tận mắt Sở chỉ huy chiến dịch và lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ đó họ đưa ra góc nhìn khách quan, chân thực về sức mạnh dân tộc Việt Nam, sức mạnh của những người chiến thắng không phải bằng vũ khí, trang bị hiện đại hay lô cốt vững chắc, mà đó là sức mạnh tinh thần, trí tuệ của những người yêu nước, yêu chuộng hòa bình.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN