Trải qua 75 năm, cứ đến dịp mùa Thu tháng Tám, đông đảo người dân và du khách lại như được hòa mình vào hào khí cách mạng, sống cùng lịch sử cha ông...

Thông điệp từ những di tích, địa danh

Tham quan rạp hát Nguyễn Văn Hảo nổi tiếng một thời, chúng tôi không khỏi tâm đắc bởi vị trí và quy mô của rạp hát cải lương được xây dựng cách đây khoảng 80 năm. Ông Nguyễn Hữu Thi, 74 tuổi, ngụ gần rạp hát, cho biết: “Đây là rạp hát nức tiếng Sài Gòn, do thương gia Nguyễn Văn Hảo làm chủ, là nơi diễn ra cuộc mít tinh quy mô lớn chính thức đưa Mặt trận Việt Minh ra công khai. Nhà tôi ở gần rạp hát nên sự kiện lịch sử đặc biệt này trở thành dấu mốc vô cùng quan trọng đối với gia tộc. Từ nhỏ, chúng tôi đã được các cụ thân sinh nhắc nhớ với niềm tự hào sâu sắc”.

Theo lời giới thiệu của ông Thi, chúng tôi tìm hiểu tư liệu lịch sử trong cuốn Nam Bộ kháng chiến, có ghi: Những ngày trung tuần tháng Tám năm 1945, không khí cách mạng diễn ra sôi nổi, rộng khắp trong cả nước. Ở Sài Gòn, phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ. Nhiều cuộc mít tinh nổ ra để cổ vũ tinh thần yêu nước, sẵn sàng hành động của lực lượng vũ trang cách mạng. Trong đó, cuộc mít tinh diễn ra đêm 19-8-1945 tại rạp Nguyễn Văn Hảo do Việt Minh tổ chức quy tụ đông đảo các tầng lớp tham dự. Theo hồi ký của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, nguyên Thành ủy viên Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, đêm 19-8, tại rạp Nguyễn Văn Hảo giữa trung tâm thành phố đã diễn ra cuộc mít tinh lớn dưới hình thức lễ truy điệu chí sĩ cách mạng Nguyễn An Ninh (hy sinh tại Côn Đảo, tháng 8-1943). Trước đó, những chiến sĩ cách mạng, thủ lĩnh của Thanh niên Tiền phong, như: Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Tạo, Huỳnh Tấn Phát đã phân tích, lựa chọn rạp Nguyễn Văn Hảo-nơi có vị trí đắc địa, thu hút sự quan tâm của nhiều giới, sức chứa hàng nghìn người để tổ chức mít tinh. Trong đêm 19-8, hai đồng chí Nguyễn Văn Tạo và Huỳnh Tấn Phát đã giới thiệu chương trình hành động của Việt Minh. Cuộc mít tinh biểu dương lực lượng quy tụ mấy vạn người đứng chật ních trong rạp Nguyễn Văn Hảo và tràn ra mặt đường Galliéni (đường Trần Hưng Đạo ngày nay). Sự kiện đã gây tiếng vang và thôi thúc mọi người đồng lòng đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

leftcenterrightdel

Trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh hôm nay.

Một trong những nhân chứng lịch sử, từng là thành viên của lực lượng Thanh niên Tiền phong là ông Nguyễn Trọng Xuất (Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP Hồ Chí Minh), hiện ngụ tại quận 3. Theo lời ông Xuất kể, rạng sáng 25-8-1945, cả Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn như một biển người, rợp sắc cờ, băng rôn, khẩu hiệu. Cuộc biểu tình quy mô lớn có tới hàng vạn người gồm các lứa tuổi, tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, nhân sĩ trí thức... diễu hành qua các tuyến đường chính, tập hợp ở dinh Ðốc Lý (nay là trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh). Các bài hát: Quốc tế ca, Lên đàng, Thanh niên hành khúc... được hát vang, kêu gọi quần chúng đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc; cảnh giác với âm mưu của bọn phản động. Khẩu hiệu “Độc lập hay là chết” được viết bằng 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Trung, treo xung quanh lễ đài dựng ở phía sau Nhà thờ Lớn và trên nhiều con đường chính ở Sài Gòn. Cờ đỏ sao vàng tràn ngập khắp nơi, phấp phới bay hiên ngang trên các công sở. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng thành công, Sài Gòn về tay chính quyền cách mạng và nhân dân chỉ sau mấy tiếng đồng hồ mà không hề tổn thất. Ông Xuất nhớ lại: “Ngày ấy, khí thế cách mạng hừng hực, tạo nên sức mạnh không gì ngăn cản nổi. Mấy chục năm qua, mỗi dịp đến thăm các địa danh, di tích trong cuộc Tổng khởi nghĩa, tôi luôn trào dâng cảm xúc đặc biệt. Khí thế hào hùng của mùa Thu năm 1945 lại ùa về trong ký ức...”.

Cũng với tâm trạng xúc động mỗi khi nhớ về Cách mạng Tháng Tám 75 năm trước, ông Trương Thành Hỷ, 96 tuổi, nhân chứng trên quê hương cách mạng Hóc Môn, kể: Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, người dân 18 thôn vườn trầu ráo riết chuẩn bị tầm vông, gậy gộc, giáo mác... khi có lệnh là tập hợp lực lượng tham gia. Ngày 24-8-1945, Quận bộ Việt Minh Hóc Môn tổ chức mít tinh tại đình làng Tân Thới Tam. Buổi mít tinh trở thành cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng kéo sang đến ngày 25-8, rồi cùng các địa phương khác nổi lên giành chính quyền. Hàng vạn quần chúng Hóc Môn, Bà Điểm kéo xuống Sài Gòn, hòa cùng các lực lượng, góp phần không nhỏ vào thành công của Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn và chuẩn bị tham gia mừng Quốc khánh...

Phát huy giá trị lịch sử to lớn

75 năm trôi qua, những nơi diễn ra các sự kiện quan trọng trong cuộc Tổng khởi nghĩa giờ đã thành di tích, địa danh lịch sử. Nhiều di tích trong số đó đã có tên trong 177 di tích của thành phố được xếp hạng, thu hút đông đảo khách tham quan. Đặc biệt, năm 2020 được thành phố chọn thực hiện chủ đề: “Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Đây là cơ hội để ngành văn hóa thành phố triển khai tu bổ, nâng cấp, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xếp hạng nhiều di tích quan trọng.

leftcenterrightdel

Dinh Đốc Lý, nơi đoàn người diễu hành tập trung trưa 25-8-1945. Ảnh tư liệu

Trong số các địa danh, di tích gắn với Cách mạng Tháng Tám, hiện mới chỉ có đình Tân Túc (Bình Chánh)-căn cứ địa của Tỉnh ủy Chợ Lớn, nơi nuôi giấu lực lượng vũ trang khu vực Chợ Đệm chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám-đã được công nhận di tích lịch sử cấp thành phố, nhưng cũng đang xuống cấp trầm trọng. Các di tích khác, như: Phòng mạch của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trên đường Chasseloup Laubat (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), nơi cờ đỏ búa liềm lần đầu tiên được treo một cách công khai giữa Sài Gòn; rạp Nguyễn Văn Hảo... cũng xuống cấp và chuyển công năng hoạt động. Theo ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa TP Hồ Chí Minh, những năm gần đây, Sở Văn hóa-Thể thao thành phố tích cực rà soát, lập danh sách di tích cần tu sửa, nâng cấp, từng bước ứng dụng công nghệ để quảng bá du lịch. Nhiều di tích cần tu sửa, trong đó có các di tích, địa danh liên quan đến Cách mạng Tháng Tám được thành phố chủ trương làm từng bước, thẩm định, tính toán chặt chẽ, có hướng xử lý sớm, hiệu quả nhất.

Bài và ảnh: GIANG XUÂN