Trận đánh điển hình “luồn sâu, đánh hiểm”

Mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi về lịch sử truyền thống đơn vị, Thượng tá Bùi Quang Trung, Phó chính ủy Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 cho biết, tháng 11-1967, Hội nghị tổng kết hoạt động của các đơn vị ở phía Tây do Cục Nghiên cứu (Bộ Tổng Tham mưu) tổ chức tại Hà Nội nhận định: Các đơn vị đặc biệt này cần được kiện toàn về tổ chức, đầu tư xây dựng thật tinh nhuệ ngay ở hậu phương để kịp thời tăng cường cho tác chiến ở phía Tây và trên các chiến trường ở miền Nam. Theo Chỉ thị của Tổng Tham mưu trưởng, ngày 15-4-1968, Tư lệnh Binh chủng Đặc công ra quyết định thành lập Tiểu đoàn Đặc công biệt động 1 (tiền thân của Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 ngày nay) trực thuộc Binh chủng Đặc công.   

Đáp ứng yêu cầu tác chiến Đặc công biệt động, từ năm 1968 đến 1971, Binh chủng Đặc công và Tiểu đoàn Đặc công biệt động 1 đã đưa hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho các đơn vị chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Lực lượng này đã phát huy tốt tinh thần cách mạng, đoàn kết thống nhất cao, chủ động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; tiến hành xây dựng thành công hành lang, bàn đạp, cơ sở, luồn sâu vào hậu phương chiến lược của địch; tạo thế bám địch, đánh địch đúng thời cơ, tiến công kiên quyết, táo bạo lập nhiều chiến công.

leftcenterrightdel
Một số mô hình, trang thiết bị huấn luyện tham gia Hội thi công tác chuẩn bị huấn luyện năm 2023 của Lữ đoàn Đặc công biệt động 1. Ảnh do đơn vị cung cấp 

Theo giới thiệu của đơn vị, tôi tới trò chuyện với Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Hoạt, nguyên Phó tham mưu trưởng Binh chủng Đặc công, ở phường Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội). Khi tôi nhắc tới trận đánh táo bạo vào căn cứ X, Anh hùng Nguyễn Văn Hoạt giọng sôi nổi: “Năm 1988, tôi là Phó đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Đoàn Đặc công biệt động 1 đã được nghe Đại tá Trần Thế Lại, lúc đó là Đoàn trưởng, kể nhiều lần về trận đánh căn cứ X của địch diễn ra ngày 9-1-1972. Hôm đó, đơn vị sử dụng một tổ chiến đấu gồm 3 đồng chí: Trần Thế Lại, chỉ huy bộ phận “hợp pháp”, trực tiếp tổ chức trận đánh; Bùi Văn Phương và Vũ Công Đài trực tiếp luồn sâu vào trong sân bay của căn cứ X. Đồng chí Phương và Đài vượt qua các tầng lớp bảo vệ của địch, kiên quyết, dũng cảm, linh hoạt, khắc phục gian khổ, nguy hiểm để đánh căn cứ X. Kết quả trận đánh, ta đã phá hủy, phá hỏng nhiều máy bay B-52; đồng chí Vũ Công Đài đã anh dũng hy sinh (sau này được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân), đồng chí Bùi Văn Phương và Trần Thế Lại sau này đều được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân...”. Ngừng một lúc, giọng Đại tá Nguyễn Văn Hoạt trầm xuống: “3 người trong trận đánh vào căn cứ X, nay đều đã về thế giới bên kia...”.

leftcenterrightdel
Đoàn công tác của Binh chủng Đặc công kiểm tra Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 tham gia diễn tập ĐK-22, năm 2022. Ảnh do đơn vị cung cấp

Nhớ lại những ngày Đoàn Đặc công biệt động 1 về vị trí đóng quân mới, Anh hùng Nguyễn Văn Hoạt kể: “Giai đoạn 1995-2003, tôi làm Đoàn trưởng Đặc công biệt động 1 là thời điểm gian nan, vất vả cả về vật chất và tinh thần. Cán bộ, chiến sĩ đã vận chuyển hàng chục tấn vật liệu, đóng hàng vạn viên gạch, đào đắp hàng trăm mét khối đất san mặt bằng...

Năm 1996, tôi cùng với Đại tá Hà Đình Loan, Trưởng phòng Khoa học-Công nghệ-Môi trường Binh chủng Đặc công biên soạn tài liệu “Nghệ thuật tác chiến Đặc công biệt động trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” được Hội đồng Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Bộ Quốc phòng nghiệm thu. Tài liệu này là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng ban hành các quyết định về tổ chức biên chế và tiêu chuẩn, định mức tiền ăn cho Bộ đội Đặc công biệt động...”.

Lập công trong điều kiện mới

Để minh chứng về những nỗ lực của cán bộ, chiến đấu viên, Trung tá Dương Văn Hải, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 giới thiệu chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện với một số cán bộ, chiến đấu viên. Đại úy QNCN Nguyễn Ngọc Chiến, chiến đấu viên Đội 7, là một trong những chiến đấu viên có bề dày thành tích trong huấn luyện, hội thao của đơn vị. Với thành tích nổi bật trong bắn súng, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo trung cấp Đặc công biệt động (2005-2007), anh được cấp trên điều động về công tác tại Lữ đoàn Đặc công biệt động 1, chính thức trở thành xạ thủ bắn súng quân dụng và bắn tỉa của Binh chủng.

 55 năm xây dựng, trưởng thành, Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 và 3 tập thể thuộc Lữ đoàn cùng 4 cá nhân đã được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Lữ đoàn được tặng 5 Huân chương Quân công; 7 Huân chương Chiến công; 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Hơn 10 năm qua, xạ thủ Nguyễn Ngọc Chiến đều tham gia các hội thao, hội thi bắn súng quân dụng, bắn tỉa do cấp trên tổ chức và giành giải cao. Tiêu biểu là Hội thao Bắn súng quân dụng toàn quân năm 2016, đoàn của Binh chủng Đặc công giành 2 huy chương vàng và 1 huy chương đồng; Hội thao Quân sự Quốc tế năm 2020 (Army Games 2020), Tổ bắn tỉa Quân đội nhân dân Việt Nam giành 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng; Hội thi Xạ thủ bắn tỉa toàn quân năm 2021, đoàn của Binh chủng Đặc công giành 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc.

“Một trong những lần tham gia hội thao ấn tượng nhất đối với tôi và đồng đội là ở Army Games 2020. Tôi cùng các xạ thủ phải cách ly phòng dịch Covid-19, ở lại khu huấn luyện 4-5 tháng. Khó khăn nhất là thời điểm chúng tôi tự luyện tập ở Nga để chuẩn bị sang thi đấu ở Belarus, do thời tiết khắc nghiệt, ăn uống không hợp khẩu vị. Gần một tháng cách ly tại Nga, anh em ở từng phòng đều tự giác hỗ trợ nhau luyện tập bổ trợ nghiêm túc, ý thức kỷ luật cao... nên kết quả thi đấu đạt mục tiêu đề ra”, xạ thủ Nguyễn Ngọc Chiến chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Đại diện Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 đón nhận Cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi" năm 2022, của Bộ Quốc phòng. Ảnh do đơn vị cung cấp

Đặc biệt, năm 2022, Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 đã phối hợp với các đơn vị Tổng cục II hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập ĐK-22 tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Miếu Môn. Thiếu tá Lê Hoàng Hà, Đội trưởng Đội 10 biệt động, Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 kể: “20 năm trong quân ngũ, tôi chưa bao giờ tham gia cuộc diễn tập với quy mô lớn, yêu cầu cao như đợt diễn tập ĐK-22. Tình huống giả định, chúng tôi nhập vai “quân đỏ” tấn công, còn đơn vị bạn là “quân xanh” phòng ngự. Lực lượng “quân xanh” được trang bị các loại vũ khí, hệ thống nghe, nhìn... hiện đại nhất hiện nay. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm mọi cách vô hiệu hóa các loại trang thiết bị, đột nhập vào sở chỉ huy và khu vực “quân xanh” phòng ngự. Để hoàn thành nhiệm vụ trên giao, chúng tôi khổ luyện ngụy trang như vùi mình trong cát, ngâm mình dưới nước liên tục 5-6 tiếng, không để “quân xanh” phát hiện. Với nỗ lực khổ luyện, sức khỏe dẻo dai, tinh thông kỹ năng nghiệp vụ... chúng tôi đã lập chiến công mới trong diễn tập ĐK-22, được cấp trên biểu dương, khen thưởng”. 

leftcenterrightdel
Chiến đấu viên Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 trình diễn khả năng vận công chịu đựng lực đập lớn. Ảnh: HOÀNG DŨNG

Ôn lại truyền thống vẻ vang của đơn vị, Đại tá Tạ Thành Trung, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 cho hay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn ý thức giác ngộ đặc biệt cao về lý tưởng chiến đấu, có trình độ kỹ thuật, chiến thuật đặc biệt tinh nhuệ và kỷ luật tự giác nghiêm minh; đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, vượt qua mọi thử thách để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu chủ yếu, trọng yếu cấp trên giao; xứng đáng với truyền thống Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 anh hùng.

NGUYỄN KIÊN THÁI