Phóng viên (PV): Đồng chí có thể cho biết ý nghĩa của việc thành lập Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên trong quân đội?

Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiêu: Trung đoàn 246 anh hùng (tiền thân là Trung đoàn 15) ra đời ngày 30-6-1948, đã lập được nhiều chiến công xuất sắc trên chiến trường Việt Bắc, đặc biệt là bảo vệ Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng Tư lệnh, An toàn khu Việt Bắc. Sau khi bảo vệ an toàn, thành công Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951), trung đoàn vinh dự được Bác Hồ đặt tên Đoàn Tân Trào và Trung ương Đảng tặng “thanh bảo kiếm” để ghi nhận thành tích và nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, phụng sự Tổ quốc và nhân dân.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiêu. 

Trước yêu cầu cấp thiết phải có tổ chức đoàn để tập hợp, giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh niên trong quân đội, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Tổng cục Chính trị và nghị quyết của Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Trung đoàn 246 được chọn làm điểm thành lập Chi đoàn Thanh niên cứu quốc để sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn quân. Ngày 8-2-1952, tại Đại đội 29, Tiểu đoàn 183, ở thôn Văn Minh (nay là thôn Đoàn Kết), xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên chính thức được thành lập trong quân đội.

Ban đầu, chi đoàn có 32 đoàn viên, do đồng chí Phạm Ngọc Rao, Chi ủy viên, Trung đội trưởng Trung đội 1 làm Bí thư chi đoàn. Từ đây, tuổi trẻ trung đoàn nói riêng, của quân đội nói chung được sinh hoạt trong tổ chức quần chúng tiên tiến của thanh niên, làm trung tâm đoàn kết, được giáo dục, giác ngộ, rèn luyện trưởng thành, phấn đấu cho lý tưởng cách mạng cao đẹp, thực sự là đội hậu bị tin cậy của Đảng, phát huy tinh thần tích cực sáng tạo của thanh niên, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Ngày 20-6-2016, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã ra Quyết định số 1034/QĐ-CT công nhận ngày 8-2-1952 là Ngày truyền thống của thanh niên quân đội và Ban Thanh niên Quân đội.

PV: Đồng chí có thể điểm lại những thành tích, chiến công của Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên trong quân đội?

Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiêu: Từ ngọn lửa đầu tiên ở Đại đội 29, đã bùng cháy và lan rộng ra toàn quân, qua các thời kỳ cách mạng, tuổi trẻ quân đội lập được nhiều thành tích, chiến công vô cùng vẻ vang và đáng tự hào. Ngay sau khi ra đời, Chi đoàn Thanh niên cứu quốc Đại đội 29 đã có nhiều hoạt động tích cực, thiết thực trong tập hợp, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đoàn viên, thanh niên; phát huy vai trò xung kích sáng tạo của tuổi trẻ vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Chi đoàn Đại đội 29 thực sự là cầu nối giữa Đảng với quần chúng, tạo nên khí thế sôi nổi thi đua học tập, rèn luyện và chiến đấu. Tiêu biểu là các phong trào: “Thi đua luyện quân, lập công”; “Nâng cao cảnh giác cách mạng, bảo vệ An toàn khu Việt Bắc”; “Quân dân cá nước”... Qua đó góp phần xây dựng động cơ phấn đấu, tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để tuổi trẻ học tập, rèn luyện, phấn đấu lập công, trưởng thành.

Thi đua với Chi đoàn Đại đội 29, các chi đoàn thuộc Đoàn Tân Trào nỗ lực phấn đấu, tạo nên phong trào thanh niên xung kích trong toàn đơn vị, quyết tâm lập công xuất sắc trên các mặt trận, chiến trường. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1985, Trung đoàn 246-Đoàn Tân Trào được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong các thành tích của đoàn viên, thanh niên Trung đoàn 246 có sự đóng góp quan trọng của Chi đoàn Đại đội 29-Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên trong quân đội.

PV: Tự hào truyền thống quê hương Việt Bắc và nơi ra đời Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên trong quân đội, vậy kết quả trong xây dựng phong trào, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, xung kích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của tuổi trẻ LLVT Quân khu 1 đạt được như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiêu: LLVT Quân khu 1 tự hào tiếp nối truyền thống của các Đội du kích Bắc Sơn, Cứu quốc quân, Chiến khu Việt Bắc, Liên khu Việt Bắc, Quân khu Việt Bắc... Gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, những thành tích và chiến công của LLVT Quân khu 1 đều có sự đóng góp to lớn của tuổi trẻ, của đoàn viên, thanh niên. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ biên giới, tuổi trẻ LLVT Quân khu 1 đã tham gia hàng nghìn chiến dịch và trận đánh, tiêu diệt, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm nghìn tên địch; bắn rơi hàng trăm máy bay các loại, trong đó có 2 “pháo đài bay” B-52; thu và phá hủy hàng trăm nghìn phương tiện cơ giới, vũ khí, khí tài của địch... Tuổi trẻ LLVT Quân khu 1 còn chiến đấu, vận động, làm tan rã nhiều tổ chức phỉ, phản động trên các địa bàn Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai v.v.. Tuổi trẻ LLVT Quân khu 1 tham gia xây dựng, huấn luyện hàng nghìn đơn vị dân quân, tự vệ, du kích; huy động hàng chục triệu ngày công giúp dân xây dựng hầm trú ẩn; động viên hàng triệu công dân nhập ngũ chi viện cho các chiến trường và làm nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc. Tuổi trẻ LLVT quân khu sôi nổi triển khai các phong trào: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người’; “Tay cày tay súng”, “Tay búa tay súng”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang” và các phong trào thi đua “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba Nhất”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; “Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ”, “Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển”...  

Những năm gần đây, tuổi trẻ LLVT Quân khu 1 quán triệt thực hiện nghiêm nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và hướng dẫn của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban Thanh niên Quân đội; tổ chức nhiều phong trào hoạt động sôi nổi, rộng khắp; xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả, điển hình tiên tiến. Đó là các cuộc vận động: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; các phong trào: “Thanh niên giành ba đỉnh cao quyết thắng”; “Thanh niên tiến công vào khoa học, công nghệ”, “Thanh niên quân đội thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích, quyết thắng”; “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; các mô hình: “Chi đoàn văn hóa”; “Vọng gác thanh niên”, “Kho thanh niên kiểu mẫu”, các câu lạc bộ: Ngoại ngữ, tin học, học tiếng dân tộc, võ thuật, “Tổ 3 người cùng tiến”, “Chuyện tốt ở đại đội”, “Tiết kiệm xây dựng đơn vị chính quy, sáng-xanh-sạch-đẹp” v.v.. Qua các cuộc vận động, phong trào, xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; góp phần tạo động lực phát triển Phong trào Thi đua Quyết thắng, thi đua yêu nước, giúp cơ quan, đơn vị nâng cao chất lượng công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; tô thắm truyền thống “Trung hiếu, tiên phong, đoàn kết, chiến thắng” của LLVT Quân khu 1.

leftcenterrightdel
 Tuổi trẻ Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1) tham quan, học tập tại nhà truyền thống. Ảnh: LA DUY

PV: Trong thời gian tới, tuổi trẻ LLVT Quân khu 1 có những giải pháp gì để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và nâng cao chất lượng công tác đoàn và phong trào thanh niên, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiêu: Quán triệt và triển khai nghiêm túc, cụ thể hóa các nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên, ngày 9-3-2021, Thường vụ Đảng ủy Quân khu 1 đã ra chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác đoàn và phong trào thanh niên trong LLVT Quân khu 1. Mục tiêu và giải pháp chủ yếu là chăm lo xây dựng tổ chức đoàn các cấp vững mạnh, xuất sắc, thực sự làm trung tâm, lực lượng nòng cốt, xung kích thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo dức, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sẵn sàng chiến đấu của đoàn viên, thanh niên, nhất là đội ngũ cán bộ đoàn, cán bộ làm công tác thanh niên các cấp. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức công tác đoàn và phong trào thanh niên; thực hiện tốt phương châm “chủ động, sáng tạo, xung kích, quyết thắng”, xây dựng, nhân rộng các mô hình mới, hiệu quả, điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa sâu rộng; gắn phong trào thanh niên với các phong trào thi đua, cuộc vận động của quân đội, của địa phương; tăng cường kết nghĩa và nâng cao chất lượng phối hợp hoạt động giữa đoàn thanh niên đơn vị và địa phương; đồng thời nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên; bảo đảm tốt kinh phí và tạo điều kiện cho tổ chức đoàn thanh niên hoạt động hiệu quả...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Đình Xuân (thực hiện)