Giọng đầy xúc động, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Lâm Thị Minh Tâm, nguyên Chủ tịch Hội cựu TNXP TP Cần Thơ kể với chúng tôi về những năm tháng đi tìm hài cốt đồng đội.

“Vào sinh ra tử”

Năm 1966, đường Hồ Chí Minh trên biển bị địch phát hiện, đánh phá gắt gao, kiểm soát chặt chẽ đã gây nhiều khó khăn cho việc vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam. Vì vậy, tháng 9-1966, Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập Tuyến đường 1C, gồm 500 chiến sĩ TNXP với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đưa đường cho bộ đội từ miền Đông về phục vụ chiến trường các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Tháng 9-1967, cô gái quê huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau Lâm Thị Minh Tâm tham gia lực lượng TNXP thuộc Đại đội Nguyễn Việt Thái 3, Liên đội 1 thực hiện nhiệm vụ trên Tuyến đường 1C.

leftcenterrightdel
Cựu TNXP Lâm Thị Minh Tâm thắp hương tưởng nhớ đồng đội. Ảnh: HỮU TÀI

Lật giở từng trang nhật ký, bà Tâm kể với chúng tôi những giây phút “vào sinh ra tử” mà bà cùng đồng đội đã vượt qua. Đó là lúc đơn vị của bà đang ẩn nấp trong hang Hòn Me (thuộc huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang), giặc vây kín lối ra vào và gọi ta ra hàng. Bà và đồng đội chiến đấu, giành với địch từng cửa hang, hốc đá để bảo vệ cho cả tiểu đoàn tân binh từ miền Bắc vào chi viện cho bộ đội chủ lực miền Tây. Bà Tâm nhớ lại: “Được lệnh khẩn của cấp trên, 25 phút sau đơn vị phải ra khỏi hòn. Ban chỉ huy đại đội hội ý, bàn kế hoạch rút cho an toàn. Bỗng nghe một tiếng nổ chát tai, đất đá đổ rào rào, địch bắn M79 lọt vào cửa hang làm 1 người hy sinh và 1 người bị thương”. Trong giờ phút khẩn trương, quyết liệt ấy, bà Tâm và đồng đội chỉ còn kịp bó thi hài đồng chí của mình rồi chôn tạm ở căn cứ. Tất cả đơn vị, từng người, từng người một đi qua, cúi đầu chào vĩnh biệt để ra đi. Hay như những lần trận địa bị lộ, trực thăng quần thảo khắp nơi, 5 anh em ẩn nấp cùng một công sự. “Lúc đó, anh Sáu Thiện là Liên đội phó ra lệnh: “Mở đường máu rút các đồng chí ơi!”. Mấy anh em vừa bắn vừa chạy, thoát khỏi vòng vây. Sau đó tìm lại đủ cả, các anh chị lo cho tôi vì hôm ấy chỉ có mình tôi là nữ”, bà Tâm kể. Giây phút khó khăn, gian khổ ấy, bà Tâm và các đồng đội đã mạnh mẽ vượt qua, kiên cường bám địa bàn, sát cánh trong nhiều trận đánh lớn nhỏ để vận chuyển hàng chục nghìn tấn vũ khí, phương tiện phục vụ chiến đấu và đưa đường cho bộ đội.

Sau ngày giải phóng, trải qua nhiều vị trí công tác nhưng bà vẫn luôn day dứt vì chưa tìm được mộ phần của đồng đội năm xưa để đưa về nơi an nghỉ ở quê nhà.

Hành trình đi tìm đồng đội   

Trong căn nhà của mình ở đường Trần Quang Diệu, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, bà Lâm Thị Minh Tâm dành vị trí trang trọng để ngày ngày hương khói, tưởng nhớ đến đồng đội. Tiếc thương cho những người còn nằm lại, hết lần này đến lần khác, bà trở lại chiến trường xưa để tìm nơi chôn cất đồng đội, thắp nén nhang tri ân và đưa các anh, chị về nghĩa trang liệt sĩ.

Bà Tâm kể, lần đầu tiên bà và các cựu TNXP đi tìm hài cốt đồng đội là vào năm 1997. Kế hoạch đầu tiên là tìm nữ đồng chí Sáu Bé, bị biệt kích bắn chết gần mé biển, nơi đơn vị chiến đấu với địch, bị chúng bao vây hơn 5 tháng ở Hòn Me. “Ngày 12-4-1971, mấy anh em đang nghỉ trưa thì biệt kích vào nổ súng. Ta và địch cách nhau hơn 10m, các anh kịp thời chiến đấu, tôi và Sáu Bé vừa chạy ngang qua hố bom thì Bé bị trúng đạn ngã trên mặt nước. Mắt vẫn còn mở to, tôi cứ ngỡ là bị té, liền đứng lại gọi: Bé ơi! Bé!... Thấy Bé vẫn nằm im, máu loang ra đỏ cả một vùng, tôi mới biết Bé đã hy sinh”, bà Tâm xúc động nhớ lại.

Khó khăn đầu tiên trong chuyến đi của bà Tâm là cảnh vật hoàn toàn thay đổi, hơn 20 năm đã qua, không còn sót lại dấu vết của ngày xưa. Muốn tìm lại nơi chôn cất đồng đội thật khó, chỉ còn cách là hỏi thăm người dân địa phương sống trước đây, nhờ họ dẫn đi tìm.

Khi đến Hòn Me, bà Tâm hỏi thăm người dân nơi đó về cây me và hố bom (nơi chôn Sáu Bé) thì được họ chỉ tận tình và kể cho bà nghe câu chuyện ly kỳ về bóng người con gái mặc đồ đen còn rất trẻ hay ngồi ở gốc me. “Tuy không tin vào mộng mị nhưng điều đó trùng hợp quá, tôi cảm thấy mừng thầm vì tìm đúng nơi rồi. Nghe xong, mấy anh em liền vượt qua chiếc cầu khỉ bắc ngang con rạch nhỏ, đến gốc me nhưng chưa đào được vì đang là mùa mưa, nước dâng cao quá”, bà Tâm nói.

Đánh dấu vị trí chôn đồng đội xong, xuồng máy tiếp tục chở bà đi mấy giờ đồng hồ, hết kênh này đến rạch khác. Gần 2 giờ chiều, bà về đến Trung đoàn 30, Sư đoàn 4, được cán bộ nơi đây thông tin, vừa qua đơn vị lao động, đào được 12 bộ hài cốt trên cùng một bờ đìa, còn nhặt được vài chiếc kẹp bồ câu bằng vỏ máy bay và đã đưa về nghĩa trang Hòn Đất. Bà Tâm nói: “Tôi biết ngay đó là nơi chôn 16 đồng chí ở Liên đội 2 trên đường đi tăng cường cho Liên đội 1 bị địch phục kích. Từ manh mối này, tôi chỉ dẫn cho đơn vị tiếp tục tìm được thêm 4 bộ hài cốt nữa. Nhặt từng mảnh xương, kỷ vật của đồng đội mà nước mắt cứ rơi lã chã, không kìm nén được cảm xúc. Các anh chị đã bao năm nằm đây và giờ đây chúng tôi sẽ đưa mọi người về với quê nhà”.

Suốt từ năm 1997 đến năm 2005, cựu TNXP Lâm Thị Minh Tâm đã tìm được 80 bộ hài cốt của đồng đội và đưa về an táng tại các nghĩa trang. Dù tuổi đã cao, không còn sức khỏe như trước nữa nhưng bà vẫn hết lòng vì đồng đội-những người đã hy sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

CỬU LONG