Tiếng sét trên bầu trời quang đãng

Cuộc nổi dậy quét sạch chế độ chuyên chế Sa hoàng nổ ra vào Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3-1917, tức ngày 23-2-1917 theo lịch cũ Julius của Nga). Nhà sử học George Katkov, tác giả cuốn sách “Cách mạng Tháng Hai” xuất bản năm 1967, cho biết, cuộc cách mạng khởi đầu bằng cuộc đình công của thợ dệt trong các nhà máy ở quận Vyborg của Petrograd (nay là Saint Petersburg). Cuộc đình công đã biến thành tổng bãi công chính trị và nhanh chóng lan ra khắp thành phố. Chỉ trong ngày đầu tiên, cuộc biểu tình trên đã quy tụ 90.000 người. Nhà sử học George Katkov nhớ lại: Ban đầu, người dân xuống đường đấu tranh với khẩu hiệu “Bánh mì”, bởi thành phố đang gặp vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung lương thực. Nhưng sau đó, các khẩu hiệu khác như: “Đả đảo chiến tranh”, “Đả đảo chế độ chuyên chế”... lần lượt xuất hiện.

Cuộc tổng bãi công chính trị nhanh chóng biến thành khởi nghĩa vũ trang, khi công nhân biểu tình kêu gọi binh lính đứng về cách mạng, lật đổ Sa hoàng. Ngày 12-3-1917, cuộc khởi nghĩa lan ra khắp nơi ở thủ đô. Triều đình Sa hoàng phải huy động 60.000 binh lính đàn áp phong trào. Tuy nhiên, binh lính được nhân dân vận động đã đứng về phe những nhà cách mạng. Ba ngày sau, Sa hoàng Nicholas II thoái vị, chế độ quân chủ chuyên chế Sa hoàng đã bị lật đổ. “Không ai nghĩ rằng, Ngày Quốc tế Phụ nữ lại là ngày đầu tiên của cuộc cách mạng”, Leon Trotsky-một trong những nhà lãnh đạo Bolshevik-từng viết trong cuốn “Lịch sử Cách mạng Nga” như vậy. Còn theo nhà sử học George Katkov, cuộc Cách mạng Tháng Hai nổ ra như “một tiếng sét trên bầu trời quang đãng”.

leftcenterrightdel

V.I.Lênin phát biểu trước người dân Petrograd năm 1917. Ảnh: Sputnik 

Một ngày sau khi chế độ quân chủ chuyên chế Sa hoàng bị lật đổ, nước Nga chứng kiến ??sự thành lập của một hệ thống đặc biệt, theo đó quyền lực thuộc về hai cơ cấu độc lập: Chính phủ lâm thời (đại diện cho giai cấp tư sản) và các Xô viết đại biểu (cơ quan được bầu ra hình thành từ lực lượng công nhân, nông dân và binh sĩ-đại diện cho giai cấp vô sản). Tuy nhiên, Chính phủ lâm thời không giải quyết những vấn đề đã hứa, như: Cải cách ruộng đất cho nông dân, tạo việc làm cho công nhân, vẫn quyết theo đuổi chiến tranh... Nhà báo người Mỹ John Reed viết trong cuốn sách “Mười ngày rung chuyển thế giới” rằng: “Nước Nga rộng lớn quằn quại trong đau đớn khi khai sinh ra một thế giới mới”. Trong cuốn sách trên, ông John Reed miêu tả những vụ bắn nhau trên đường phố, nhưng cũng nhận thấy sự hình thành của một con người mới: “Ở nước Nga mới, mọi người đều có quyền bầu cử và đất nước đã thấy sự xuất hiện những tờ báo công nhân, Xô viết và công đoàn”.

Tuy nhiên, cục diện chính trị trên không thể kéo dài vì hai chính quyền đại diện cho hai giai cấp đối lập trong xã hội không thể cùng song song tồn tại. Do đó, V.I.Lênin và Đảng Bolshevik xác định cần lật đổ chính quyền tư sản lâm thời, chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, với khẩu hiệu: “Tất cả chính quyền về tay Xô viết” và “Hòa bình, ruộng đất, bánh mì”.

Chiến thắng của những người Bolshevik

Trong bài viết “1917: Khi cách mạng tràn qua nước Nga”, tác giả Oleg Egorov nhấn mạnh: “Trước khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra, tại Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ nhất khai mạc tại Petrograd tháng 6-1917, V.I.Lênin từng tuyên bố: “Đảng Bolshevik sẵn sàng nắm lấy toàn bộ chính quyền”. Khi đó những tràng cười vang lên trong phòng, vì không ai tin vào sự thành công của những người Bolshevik. Tuy nhiên, chỉ một vài tháng sau, những người Bolshevik đã nắm giữ tất cả quyền lực”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bolshevik và V.I.Lênin, đêm 24 rạng sáng 25-10-1917 (tức ngày 7-11-1917), cách mạng nổ ra, quân khởi nghĩa đã nhanh chóng chiếm Petrograd và bao vây Cung điện Mùa Đông, nơi ẩn náu cuối cùng của giai cấp tư sản. 2 giờ sáng 25-10-1917, quân khởi nghĩa đánh chiếm Cung điện Mùa Đông, bắt sống toàn bộ bộ trưởng, Chính phủ Kerensky bị sụp đổ hoàn toàn. Cuộc nổi dậy của những người Bolshevik đã thành công rực rỡ.

Ngay trong đêm thắng lợi đầu tiên của Cách mạng Tháng Mười (25-10-1917), Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ hai đã cử ra Chính phủ Xô viết đầu tiên, được gọi là Hội đồng Ủy viên nhân dân do V.I.Lênin làm Chủ tịch. Đại hội đã thông qua hai văn kiện đầu tiên của chính quyền Xô viết, gồm: “Sắc lệnh hòa bình” và “Sắc lệnh ruộng đất” do V.I.Lênin soạn thảo và công bố. “Sắc lệnh hòa bình” là một văn kiện lịch sử có giá trị như một cương lĩnh hòa bình đầu tiên của nhân loại trong thế giới đương đại, trong đó V.I.Lênin khẳng định bảo vệ hòa bình là vấn đề cấp bách, có ý nghĩa sống còn của nhân loại. Người cũng kêu gọi chính phủ tất cả các bên can dự vào Chiến tranh thế giới thứ nhất phải đình chiến và tiến hành những cuộc thương lượng, đàm phán hòa bình để “ký kết một hòa ước hòa bình ngay lập tức” mà không cưỡng bức, không thôn tính, không xâm chiếm đất đai của nhau và không được sáp nhập các dân tộc khác vào lãnh thổ của mình.

Trong khi đó, “Sắc lệnh ruộng đất” chỉ rõ ruộng đất là một trong những nội dung cơ bản của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và nó phải được đặt ra một cách rõ ràng trong chương trình nghị sự, các kế hoạch hành động của chính quyền cách mạng. V.I.Lênin cho rằng, sau thời khắc Cách mạng Tháng Mười giành thắng lợi, thì quyền sống làm người, quyền được sử dụng tất cả tài sản, ruộng đất mà cách mạng đã giành lại từ tay giai cấp địa chủ, tư sản và tay sai đều phải giao, trả lại cho chính quyền cách mạng quản lý và nó phải thuộc về quyền sở hữu toàn dân.

Chỉ một tuần sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, ngày 2-11-1917, Chính phủ Xô viết đã công bố bản “Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga”, trong đó khẳng định những nguyên tắc căn bản của chính quyền Xô viết đối với các dân tộc. Tuyên bố trên nêu rõ, các dân tộc ở nước Nga có chủ quyền; được tự quyết ở lại trong nước Nga hoặc tách ra thành lập các quốc gia độc lập; các dân tộc được bình đẳng và phát triển tự do; xóa bỏ mọi đặc quyền và mọi hạn chế về dân tộc và tôn giáo...

leftcenterrightdel

Hàng dài người xếp hàng mua thực phẩm ở Petrograd năm 1917. Ảnh: rbth.com 

Tiếp theo thắng lợi ở Petrograd, chính quyền Xô viết được thành lập ở Moscow và khắp mọi miền đất nước. Do sự kháng cự điên cuồng của kẻ thù, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Moscow phải kéo dài từ ngày 26-10 đến 3-11-1917. Đến cuối tháng 3-1918, chính quyền Xô viết giành được thắng lợi hoàn toàn trên phạm vi toàn nước Nga rộng lớn.

Năm 1922, trước yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ nền độc lập, an ninh của các nước Cộng hòa Xô viết, V.I.Lênin chủ trương thành lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, trên cơ sở hợp nhất tự nguyện của các nước Cộng hòa Xô viết bình đẳng và tự chủ. Ngày 30-12-1922, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (còn gọi là Liên Xô) được thành lập. Lần đầu tiên trong lịch sử, thế giới chứng kiến một biện pháp giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc, thủ tiêu mọi bất bình đẳng dân tộc và xây dựng một cộng đồng anh em giữa các dân tộc.

“Yếu tố quan trọng giúp Đảng Bolshevik do V.I.Lênin lãnh đạo giành được thắng lợi, đó là Đảng Bolshevik và những người Xô viết là một tổ chức chặt chẽ, có quyết tâm nhằm thực hiện ngay lời hứa với nhân dân, “ở đây và bây giờ”, không chờ đợi chiến thắng trong chiến tranh và không chờ triệu tập Quốc hội lập hiến. Các yêu cầu thiết yếu là hòa bình và đất đai đã được những người Bolshevik thực hiện ngay khi giành thắng lợi”, tác giả Oleg Egorov nhận định. Còn theo nhà báo John Reed, “những người Bolshevik bảo đảm thành công bằng cách đi ngược lại với Chính phủ lâm thời vốn “ngại tiếp cận” trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu”.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, nhưng giá trị tinh thần của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn tỏa sáng, khẳng định sức sống thời đại và ý nghĩa lịch sử toàn thế giới.

YÊN BÌNH (lược dịch và tổng hợp)