Sau thất bại của các cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất và lần thứ hai bằng không quân, hải quân, đồng thời nhằm gây sức ép buộc Việt Nam phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản sửa đổi của Mỹ, ngày 17-12-1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh mở cuộc tiến công bằng không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận. Ngày 18-12-1972, không quân Mỹ bắt đầu cuộc tiến công mang tên “Linebacker II” hay còn có tên gọi khác là “The December Raids” (Cuộc tập kích tháng 12) hoặc “The Christmas Bombings” (Ném bom Lễ Giáng sinh).

Nếu mục tiêu của Chiến dịch Linebacker I là ném bom miền Bắc Việt Nam, phong tỏa cảng Hải Phòng bằng thủy lôi, phá hủy, gây tê liệt và làm kiệt quệ miền Bắc Việt Nam, ngăn chặn các nước đồng minh viện trợ cho Việt Nam và ngăn chặn hậu phương miền Bắc chi viện cho miền Nam thì mục tiêu của Chiến dịch Linebacker II là phá hủy các mục tiêu trọng yếu ở Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận, tạo ra cường độ khủng khiếp để buộc Việt Nam phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo điều kiện của Mỹ; đồng thời cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thấy rằng Mỹ không bỏ rơi họ.

Đánh giá về quy mô của Chiến dịch Linebacker II, Tiến sĩ William P.Head, trong cuốn sách nhan đề “War from above the clouds: B-52 operations during the Second Indochina War and the effects of the air war on theory and doctrine” (Cuộc chiến trên tầng mây: Hoạt động của máy bay B-52 trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai và hiệu quả của tác chiến không quân về lý luận và học thuyết), Nhà xuất bản Air University Press, ấn hành tháng 7-2002, đã viết: Liên tục 11 ngày đêm (tính theo thời gian của Mỹ), Bộ tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ (SAC) đã huy động tổng cộng 729 lượt máy bay B-52D/G ném xuống 34 mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam, chủ yếu ở Hà Nội và Hải Phòng 15.237 tấn bom; 1.216 máy bay tiêm kích của không quân và hải quân Mỹ, trong đó có: 170 lượt máy bay kiêm kích F-105, F-4C/E chế áp phòng không, ném 5.000 tấn bom; 599 lượt máy bay trinh sát và rải nhiễu. Ngoài ra, hải quân và hải quân đánh bộ Mỹ còn sử dụng 277 lượt máy bay A-6/7 và F-4 yểm trợ B-52 bay đêm. Điều đặc biệt là lần đầu tiên, tài liệu chính thức của Đại học Không quân Mỹ thừa nhận, trong Chiến dịch Linebacker II, có 36 máy bay bị bắn rơi, trong đó có 15 máy bay B-52 bị bắn rơi tại chỗ và 9 chiếc khác bị rơi trên đường bay về căn cứ không quân U-Tapao (Thái Lan) và Andersen (Guam), tổng cộng 24 máy bay B-52, nhưng trước đây, Mỹ chỉ thừa nhận 15 máy bay B-52 bị bắn rơi (thực tế là trong chiến dịch này, lực lượng phòng không, không quân Việt Nam đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52).

leftcenterrightdel

Máy bay B-52 ở căn cứ Andersen (Guam). Ảnh tư liệu

Đánh giá về Chiến dịch Linebacker II, trong bài viết nhan đề “Linebacker II: The Decisive Use of Airpower?”, đăng trên Tạp chí Air University Review, quý I-1987, Kenneth P.Werell đã chỉ ra những yếu kém của chiến dịch. P.Werell cho rằng, Chiến dịch Linebacker II đã bộc lộ 3 điểm yếu cơ bản: 1) Hiệu quả phá hủy mục tiêu không cao vì xác định mục tiêu không chính xác; 2) Trong khi những hạn chế về chính trị ngăn cấm các hành động của phi công thì chiến thuật và trang bị không phù hợp đã dẫn đến hiệu suất chiến đấu không cao và chịu tổn thất lớn; 3) Chiến dịch ném bom không đưa lại kết quả về chính trị và ngoại giao. Theo P.Werell, lẽ ra Mỹ phải thực hiện loại hình chiến dịch này từ sớm hơn để kết thúc chiến tranh và Chiến dịch Linebacker II là ví dụ điển hình của sự kém hiệu quả, với tinh thần sụp đổ, hiệu suất chiến đấu thấp và ngoại giao không đáng có.

Marshall Michel, nguyên phi công phục vụ trong lực lượng không quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam, từng có 321 giờ bay ở chiến trường Việt Nam và Lào, trong cuốn sách “The Eleven Days of Christmas: America’s Last Vietnam Battle” (Mười một ngày Giáng sinh: Trận chiến Việt Nam cuối cùng của Mỹ), Nhà xuất bản Encounter Books, 2002, đã viết: Không giống như người Mỹ, người Việt Nam có cái nhìn rất lạc quan về Chiến dịch Linebacker II, ngay trong cái tên họ đặt cho chiến dịch này là “Trận Điện Biên Phủ trên không”. Sau ngày đất nước Việt Nam thống nhất, tôi đã có dịp đi khắp mảnh đất hình chữ S và nhận ra rằng, người Việt Nam coi Linebacker II là chiến thắng, là nhân tố buộc Mỹ phải rút quân khỏi đất nước họ và là điều kiện thuận lợi để họ thống nhất đất nước. Chiến dịch tiến công bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc càng làm cho người dân miền Bắc đoàn kết hơn và củng cố quyết tâm thống nhất đất nước.

Có nhiều nguyên nhân về khía cạnh tâm lý để “Trận Điện Biên Phủ trên không” có chỗ đứng “độc nhất vô nhị” trong các chiến thắng lịch sử của Việt Nam. Vì lúc bấy giờ, máy bay B-52 được coi là bất khả chiến bại, là biểu tượng của sức mạnh quân sự Mỹ. Chính vì vậy, việc bắn rơi máy bay B-52 cũng đồng nghĩa với việc họ đã hạ bệ “thần tượng sức mạnh” của quân đội Mỹ. Máy bay B-52 bị bắn hạ, không phải vì Việt Nam có vũ khí siêu đẳng mà vì bộ đội Việt Nam có lòng dũng cảm và trí thông minh...

Guenter Lewy, nhà văn, nhà khoa học chính trị, giáo sư danh dự khoa học chính trị của Đại học Massachusetts Amherst, trong cuốn sách nhan đề “America in Vietnam” (Nước Mỹ ở Việt Nam), Nhà xuất bản Oxford University Press, xuất bản năm 1980, đã viết: Việc ném bom đã gây tổn thất lớn cho Bắc Việt Nam, song lại không thể ngăn cản được Hà Nội giải phóng miền Nam Việt Nam. Cả chiến dịch Operation Rolling Thunder (Sấm rền) và Linebacker II đều không mang lại sự nhượng bộ quan trọng của Bắc Việt Nam. Cái giá mà Mỹ phải trả cho cuộc chiến tranh không quân ở Bắc Việt Nam là quá cao, cả về tài chính và chính trị. Việc ném bom cũng giúp các nhà cộng sản Bắc Việt Nam tổ chức đất nước họ trong điều kiện chiến tranh. Nhưng có thể hậu quả nguy hiểm nhất của việc ném bom Bắc Việt Nam là nó đã làm phân tán sự chú ý vào trung tâm điểm của vấn đề Việt Nam, đó là chiến trường Nam Việt Nam-nơi chiến tranh có thể là thắng lợi hay thất bại.

Guenter Lewy kết luận: “Chúng ta phải thừa nhận rằng, việc ném bom là không có hiệu quả, thậm chí là vô ích trong việc ngăn chặn hoạt động tiếp tế từ miền Bắc cho miền Nam hoặc bẻ gãy ý chí của Hà Nội trong việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những người ủng hộ sức mạnh không quân cả thời đó và hiện nay đều khẳng định rằng, nếu Mỹ sử dụng sức mạnh lớn hơn và kéo dài hơn Chiến dịch Linebacker II thì có thể khuất phục được Hà Nội. Không quân và hải quân Mỹ đã tranh giành nhau trong việc thực hiện các phi vụ ném bom với mục đích chủ yếu là bảo vệ kế hoạch mua sắm máy bay tương lai và điều này có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tác chiến”.

VŨ HỒNG KHANH