Gia đình ông bà nội tôi là một gia đình thuần nông nghèo ở xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Côi (nay là huyện Quỳnh Phụ), tỉnh Thái Bình, sinh được 5 người con. Bố tôi là con thứ hai của ông bà nội, kế tiếp là hai chú. Sau khi bố tôi nhập ngũ thì đến tháng 7-1963, chú tôi là Ngô Tiến Đảm, sinh năm 1945 tòng quân vào Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, Quân khu Tây Bắc (nay là Quân khu 2).

Cuối năm 1968, chú Đảm được cấp trên điều động về Đại đội trinh sát thuộc Sư đoàn 316. Tháng 6-1969, chú được cử đi đào tạo sĩ quan tại Trường Quân chính Quân khu Tây Bắc (nay là Trường Quân sự Quân khu 2). Tháng 5-1970, ra trường, chú được phong quân hàm Chuẩn úy, bổ nhiệm Trung đội trưởng và điều động bổ sung vào Tiểu đoàn 580, Sư đoàn 338 (nay là Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 338, Quân khu 1) để huấn luyện đi B. Ngày 8-10-1970, đơn vị chú Đảm được phối thuộc cho Trung đoàn 219 công binh và chú Đảm anh dũng hy sinh tại mặt trận thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị. Chú Đảm được đơn vị an táng tại khu vực cầu 21, Đường 9 (Hướng Hóa, Quảng Trị) cùng với đồng đội là liệt sĩ Trịnh Đình Thành, thông tin ghi trên bia mộ, quê quán: Ngọc Sơn, Triệu Sơn, Thanh Hóa; hy sinh: 8-10-1970. Mộ số: 9.

leftcenterrightdel
Thân nhân của các liệt sĩ Ngô Tiến Đảm và Trịnh Đình Tranh thắp hương tại Nhà truyền thống Lữ đoàn 219, Quân đoàn 2, năm 2022. Ảnh: NGÔ MÙA 

Năm 1987, gia đình tôi nhận được thư của Trung úy Đặng Anh Tuấn, công tác tại Đồn Biên phòng 613 (Đồn Biên phòng Thuận) thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Trong thư đề ngày 23-3-1987, Trung úy Đặng Anh Tuấn thông tin rõ ràng về mộ liệt sĩ Ngô Tiến Đảm. Ngày ấy, do đường sá đi lại còn khó khăn nên gia đình tôi chưa thể vào thăm viếng. Vài năm sau, chúng tôi được biết, hai ngôi mộ của liệt sĩ Ngô Tiến Đảm và Trịnh Đình Thành đã được Đội Quy tập của Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị (Quân khu 4) quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 (Quảng Trị).

Năm 2003, nhờ các cơ quan chức năng, gia đình chúng tôi đã đưa hài cốt chú Đảm về an táng tại nghĩa trang quê nhà. Chú Ngô Tiến Đặng là em trai út của liệt sĩ Ngô Tiến Đảm, nhiều lần nói với tôi là vẫn rất băn khoăn khi chưa báo tin được cho thân nhân thờ cúng liệt sĩ Trịnh Đình Thành đến thăm viếng mộ. Sau đó gia đình chúng tôi đã cố gắng liên hệ với các cơ quan chức năng huyện Triệu Sơn và Phòng Người có công của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, để tìm thân nhân liệt sĩ Trịnh Đình Thành. Tuy nhiên, ở địa phương này không có liệt sĩ là Trịnh Đình Thành và huyện Triệu Sơn không có xã Ngọc Sơn...

leftcenterrightdel
Thân nhân hai gia đình liệt sĩ Ngô Tiến Đảm và Trịnh Đình Tranh. Ảnh: NGÔ MÙA 

Tháng 7-2022, gia đình chúng tôi đến thăm viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 và thắp hương cho đồng đội của chú Đảm, trong đó có phần mộ của liệt sĩ Trịnh Đình Thành đang yên nghỉ tại đây. Sau đó, tôi nhờ một anh bạn công tác tại TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa tìm giúp thông tin về liệt sĩ Trịnh Đình Thành. Mấy ngày sau, chúng tôi nhận được thông tin về liệt sĩ tên là Trịnh Đình Tranh, quê quán: Xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, có thời gian hy sinh và đơn vị khi hy sinh trùng khớp với giấy báo tử của liệt sĩ Ngô Tiến Đảm.

Cuối tháng 8-2022, qua Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Lặc, tôi tìm được người thờ cúng liệt sĩ Trịnh Đình Tranh, là ông Trịnh Đình Lương (em trai út của liệt sĩ). Ông Lương cho biết, bố mẹ ông sinh được 5 người con (2 gái, 3 trai). Liệt sĩ Trịnh Đình Tranh sinh năm 1947, là con trai thứ hai, anh ruột của liệt sĩ Tranh cũng hy sinh trên đất bạn Lào, đã được quy tập, an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ ở Thanh Hóa.   

Tháng 10-2022, vào dịp lễ giỗ lần thứ 52 của liệt sĩ, thân nhân thờ cúng liệt sĩ Trịnh Đình Tranh đã có đơn gửi các cơ quan chức năng, đề nghị hiệu đính lại thông tin chính xác trên bia mộ của liệt sĩ đang an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9.

NGÔ TIẾN MÙA