Tình đồng đội thiêng liêng
Ngày 23-8-1971, chàng thanh niên Nguyễn Văn Khoái, ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của non sông khi mới 19 tuổi và được biên chế vào Tiểu đoàn Đặc công 30 huấn luyện. Tuy từ nhỏ đã quen với lao động đồng áng nhưng chương trình huấn luyện đặc biệt dành cho đội quân đặc biệt nhiều lúc làm cho Khoái tưởng như kiệt sức. Những lúc ấy, đồng đội là điểm tựa tinh thần, là động lực để Khoái vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt những yêu cầu đề ra trong huấn luyện. Năm 1972, Nguyễn Văn Khoái được biên chế về Tiểu đoàn 25, Sư đoàn 305, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1973, anh nằm trong đội hình thọc sâu vào Tây Nguyên được biên chế về Tiểu đoàn 401 Đặc công của tỉnh Đắc Lắc. Khi Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Khoái cùng đồng đội lại lên đường bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.
“10 năm quân ngũ là khoảng thời gian tôi cảm nhận được sự thiêng liêng của tình đồng chí, đồng đội. Đó là tinh thần luôn sẵn sàng giành khó khăn nguy hiểm về mình; tinh thần nhường cơm sẻ áo, chia ngọt sẻ bùi. Có những lần tổ đặc công chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện dài ngày. Ai cũng đói và mệt, thế nhưng đồng đội tôi lượm được củ khoai, củ sắn, cũng chỉ dám ăn dè phần ít, còn lại phần nhiều để lại trong ba lô, chờ đến khi gặp thì chia cho người khác. Trong lửa đạn chiến tranh, chúng tôi-những người lính còn sống có được ngày trở về quê hương, xây dựng gia đình là nhờ các đồng đội đã anh dũng hy sinh”-CCB Nguyễn Văn Khoái xúc động nhớ lại.
Những ngày ở chiến trường Tây Nguyên trong đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn 401, Nguyễn Văn Khoái (Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2) chơi thân với Trịnh Xuân Nam (Tiểu đội trưởng Tiểu đội 5). Sau giờ huấn luyện hay chiến đấu, hai người thường tâm sự, chia sẻ với nhau cả những bức thư từ hậu phương, cùng hẹn nhau ngày toàn thắng sẽ đưa nhau về quê nhà. Thế nhưng, trong một trận công đồn, Trịnh Xuân Nam đã anh dũng hy sinh khi lao ra chụp quả lựu đạn địch ném vào đội hình của Tiểu đội 5. Đất nước đã hòa bình, dấu vết chiến tranh trên các miền quê đã dần phai mờ, nhưng lời hứa cùng nhau về quê đến giờ vẫn đè nặng tâm can của CCB Nguyễn Văn Khoái...
Xoa dịu nỗi đau
Năm 1982, ông Khoái xuất ngũ với thương tật 45% do bị thương vì mìn ở chiến trường Campuchia và bị phơi nhiễm chất độc da cam. Nghị lực và ý chí của anh Bộ đội Cụ Hồ được tôi luyện nơi chiến trường đã giúp ông ổn định và vươn lên trong cuộc sống. “Đầu năm 2000, tôi có đến thăm nhà liệt sĩ Cao Văn Vĩnh ở xóm Bình Trung, xã Giao Lâm (nay là thị trấn Quất Lâm). Ước nguyện của gia đình là được đưa liệt sĩ trở về đoàn tụ với quê hương. Nhưng do không biết thông tin nên cuối cùng gia đình đã nhờ đến nhà ngoại cảm, cho rằng liệt sĩ Vĩnh đang an nghỉ tại địa bàn tỉnh Quảng Nam. Nhưng thực tế, là đồng đội nên tôi biết đồng chí Vĩnh hy sinh và được đơn vị an táng ở tỉnh Bình Định. Lúc đầu gia đình bán tín bán nghi, tôi phải đưa gia đình liên hệ với Ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Bình Định và được cơ quan cung cấp thông tin nơi an táng liệt sĩ Vĩnh ban đầu là ở huyện Hòa An. Lúc đấy gia đình mới tin và bày tỏ niềm hy vọng vì đã có được những thông tin về liệt sĩ”-ông Khoái kể.
Niềm vui của gia đình liệt sĩ Vĩnh đã truyền động lực cho CCB Nguyễn Văn Khoái. Từ đó, ông thu thập thông tin về liệt sĩ và gửi đến hội CCB các xã nhờ đồng đội thông báo đến mỗi gia đình. Nhờ những thông tin này, rất nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ đã viết thư phản hồi bày tỏ niềm vui và sự biết ơn. Nhiều gia đình đã trực tiếp đến nhờ ông giúp đỡ tìm kiếm để đưa liệt sĩ về quê nhà. Mỗi lần như vậy, ông lại trực tiếp liên hệ với các đồng đội CCB để xác minh thông tin và địa điểm an táng. Như trường hợp ông Nguyễn Văn Đóa, ở TP Hồ Chí Minh có nhờ ông tìm giúp mộ anh trai là liệt sĩ Đáng, nguyên chiến sĩ đặc công. Qua thông tin từ CCB Vũ Hồng Thịnh, ông Khoái đã đưa gia đình đến tỉnh Xiengkhuang (Lào) cất bốc và đưa liệt sĩ trở về. Hay trường hợp con gái liệt sĩ Trần Hữu Ngoạn ở xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định khi tìm được mộ cha đã nghẹn ngào khóc và nói: “Từ khi cất tiếng khóc chào đời đến nay đã hơn 40 năm con mới được gặp bố”, càng khiến ông có thêm động lực đi tìm đồng đội...
Bài và ảnh: NGỌC GIANG