Nhiều năm đã trôi qua nhưng mỗi lần nhìn chiếc đài cassette màu đỏ mà Đại tướng tặng cha mình là cụ Lò Văn Bóng, ông Lò Văn Biên, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ vẫn rưng rưng xúc động. Theo lời ông Biên kể lại, năm 1954, thời điểm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội ta quyết định chọn Mường Phăng làm sở chỉ huy chiến dịch, ông Lò Văn Bóng được Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Lai Châu trao cho một khẩu súng trường và được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh tuyệt đối, không cho bọn mật thám, tai mắt của Pháp lọt vào Mường Phăng. Nhiều tin quan trọng từ vòng ngoài đều được ông Bóng báo kịp thời cho quân ta.

Ông Biên kể tiếp: “Ngày 7-5-1954, sau khi ta chiến thắng ở Điện Biên Phủ, gia đình tôi và nhân dân trong xã đã tặng một con trâu và một con ngựa để Đại tướng cùng các chiến sĩ và dân bản quanh khu vực sở chỉ huy ăn mừng. Đất nước hòa bình, bố tôi tự nguyện bảo vệ Khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch cho đến ngày cụ mất”.

Nhâm nhi chén trà hoa vàng trên tầng hai ngôi nhà sàn lộng gió, ông Biên rưng rưng nhớ lại ngày đón Đại tướng trở về Mường Phăng nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Khoảng 10 giờ ngày 19-4-2004, bầu trời trên đỉnh núi Pú Đồn như thấp hẳn xuống. Ngay từ sáng sớm, đồng bào các dân tộc Thái, Kinh, Mông ở xã Mường Phăng đã tề tựu, chờ đợi được gặp Đại tướng. Từ hướng Tây Bắc thung lũng Mường Phăng, một chiếc trực thăng hạ dần độ cao rồi hạ cánh. Đại tướng cùng phu nhân và đoàn công tác bước xuống trong tiếng reo hò, vỗ tay không ngớt của nhân dân. Từ cụ già tóc bạc, chống gậy đến các em thơ, ai cũng háo hức ra đón chào vị Tổng Tư lệnh năm xưa.

leftcenterrightdel
Ông Lò Văn Biên và vợ kể chuyện về chiếc đài cassette được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng. Ảnh: PHẠM KIÊN 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân đi bộ vào rừng Mường Phăng rồi ngồi xuống chiếc bàn làm việc trong những ngày chiến dịch năm xưa. Trò chuyện với nhân dân Mường Phăng, Đại tướng cảm ơn đồng bào vì đã giúp đỡ, chở che bộ đội trong thời gian sở chỉ huy đóng ở đây. Đại tướng căn dặn người dân phải đoàn kết, cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ấm no, khang trang hơn nữa. Hôm đó, Đại tướng tặng quà người dân trong xã. Cụ Bóng được Đại tướng nhắc đến, biểu dương nhiều lần, đồng thời tặng cụ chiếc đài cassette màu đỏ. Cụ Bóng vui sướng, tự hào lắm. Năm 2013, cụ Bóng mất. Trước lúc lâm chung, cụ Bóng căn dặn con cháu phải gìn giữ kỷ vật này thật cẩn thận.

Cũng đợt về thăm Mường Phăng lần ấy, Đại tướng nhiều lần nhắc đến cụ Lò Thị Đôi là người dân tộc Thái và đề nghị cụ Đôi chụp ảnh cùng Đại tướng. Bức ảnh ấy hiện vẫn được gia đình cụ treo ở nơi trang trọng. 

Theo lời ông Biên kể: Cùng thời với bố mẹ ông ở bản Bua, cũng như bao thiếu nữ người Thái khác ở Mường Phăng, cụ Đôi đã làm quen với việc đi nương, thêu thùa, dệt vải. Trong kháng chiến, cụ được các cán bộ cách mạng ở địa phương vận động tham gia vào đội tự vệ của Mường Phăng. Thời điểm thực dân Pháp cho quân nhảy dù tăng cường cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cuối năm 1953, chúng bố trí lực lượng, lập đồn bốt ở khắp mọi ngả đường vào trận địa và cho máy bay quần thảo nhằm chặt đứt mọi đường tiếp tế nhu yếu phẩm của Quân đội ta. Đầu năm 1954, khi Sở chỉ huy chiến dịch chuyển vị trí đóng quân từ xã Nà Nhạn lên Mường Phăng, cụ Lò Thị Đôi và nhiều người dân trong xã Mường Phăng đã ngày đêm lặn lội vào từng nhà ở khắp các cánh rừng vận động đồng bào ủng hộ bộ đội được gần 9 tấn gạo, góp phần làm tốt công tác hậu cần, chi viện cho bộ đội.

Những năm sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Đôi giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường Phăng cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1979. Cụ được các cấp tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen vì những thành tích trong công tác. Cụ Lò Thị Đôi cùng cụ Lò Văn Bóng đều được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời xuống gặp mặt ở Hà Nội lúc sinh thời.

Ghi nhớ lời dặn của Đại tướng: “Hãy làm một trận Điện Biên Phủ trong xây dựng và phát triển kinh tế”, nhân dân xã Mường Phăng đã nỗ lực lao động sản xuất, làm đổi thay, khởi sắc vùng căn cứ địa cách mạng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,9%; thu nhập bình quân đầu người 36 triệu đồng/năm; hệ thống giao thông được sửa chữa, nâng cấp khang trang... Khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành điểm tham quan, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

THÙY NGÂN