1. Tại sao Mỹ quyết định dùng máy bay B-52 ném bom vào ban đêm

Đó là nhằm loại bỏ 90% lực lượng phi công MiG của Việt Nam chỉ bay ban ngày, nỗi ám ảnh rất lớn của phi công B-52 Mỹ, ra khỏi cuộc chơi. Rất nhiều tài liệu tình báo chỉ ra rằng, Không quân nhân dân Việt Nam chỉ có hơn chục phi công bay đêm và mới hơn nửa số đó có thể tham chiến. Tuy nhiên, chính quyết định này đã tạo điều kiện cho tên lửa hoạt động thuận lợi hơn, do ban đêm các máy bay ném bom khó xác định vị trí các trận địa tên lửa và cũng khó xác định hiệu quả của các dải nhiễu.

2. Cái tên Linebacker II và các mục tiêu chính 

Ngay sau khi trở về Lầu Năm Góc từ Nhà Trắng, Đô đốc Thomas H.Moorer điện cho Đô đốc Noel Arthur Meredyth Gayler, người vừa đảm nhận vị trí Tư lệnh của lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương (1972-1976) và Đại tướng 4 sao-John Charles Meyer (cựu phi công Ace trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bắn rơi 24 máy bay Đức), Tư lệnh Bộ tư lệnh Không quân chiến lược (SAC), chuẩn bị ra hiệu lệnh chiến đấu để các “pháo đài bay” B-52 tấn công Hà Nội lúc 7 giờ tối (giờ Hà Nội) ngày chủ nhật. Do chiến dịch mà Mỹ tiến hành trước đó gọi là Linebacker I nên chiến dịch này được gọi là Linebacker II.

Đến cuối ngày 15-12, SAC nhận được danh mục 8 mục tiêu ở Hà Nội, trong đó có Đài phát thanh Mễ Trì, Sở chỉ huy (SCH) Bạch Mai, các sân bay... Sau này, có nhiều nhà phân tích chính trị hoài nghi về danh sách 8 mục tiêu oanh tạc đợt đầu mà phía Mỹ cho là quan trọng cốt tử này. Vì trừ SCH Bạch Mai và các sân bay thì những mục tiêu còn lại rõ ràng không phải là mục tiêu quân sự có ý nghĩa chiến lược hay phục vụ cho mục tiêu chiến lược đến mức phải điều máy bay B-52 với số lượng lớn như vậy và bay gần 10 giờ từ Guam sang. Danh sách này cũng không xứng tầm với một đòn tập kích có ý nghĩa chiến lược như Chiến dịch Linebacker II.  

3. Bị lùi lại một ngày

Thời điểm bắt đầu Chiến dịch Linebacker II đã bị lùi lại đến ngày 18-12-1972, vì rằng, đến lúc đó, SAC mới phát hiện ra là không có đủ cơ số máy bay tiếp dầu trên không (KC-135) cho chiến dịch. Hơn nữa, như một chính trị gia lão luyện, Nixon, người vừa hoàn tất chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc tháng 2-1972 hiểu rằng, không nên gây sự với Trung Quốc, khi cố vấn Lê Đức Thọ từ Paris về vẫn đang lưu lại Trung Quốc ngày 17-12.

4. Những sai lầm về chiến lược, chiến thuật

Đã xuất hiện một số bài báo phân tích, phê phán cách điều hành chiến dịch của Bộ chỉ huy Không quân Mỹ và SAC. Một số tác giả Mỹ cho rằng, nhiều sĩ quan của SAC đặt tại căn cứ không quân Offutt AFB (Omaha, Nebraska) khởi thảo ra kế hoạch của chiến dịch, nhưng chưa hề tham gia không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam; nhiều ý kiến của các phi công từ căn cứ Andersen (Guam) và U-Tapao (Thái Lan) đã không được tiếp thu.

Đáng chú ý hơn cả là dư luận về những câu chuyện “vỉa hè” xoay quanh các sai lầm trong điều hành chiến dịch và đặc biệt là dư luận về những hành động của một số tổ bay “từ chối bay nhiệm vụ”, thậm chí là nổi loạn. Trên Tạp chí Armed Forces Journal số tháng 7-1977 xuất hiện một bài viết mang tựa đề “The Tragedy of Linebacker II” (Bi kịch của Chiến dịch Linebacker II) của Đại úy phi công Dana Drenkowski, tốt nghiệp Học viện Không quân Mỹ (1968), từng lấy bằng thạc sĩ về Tâm lý học pháp lý. Bài báo của Drenkowski đã gây sốc cho không quân Mỹ khi chỉ ra trách nhiệm của SAC đã gây ra những sai lầm, dẫn đến nhiều tổn thất của giai đoạn đầu chiến dịch. Sau đó, Drenkowski còn cho đăng hai bài báo trong loạt bài “Linebacker II” trên Tạp chí Soldier of Fortune. Bản thân Drenkowski đã từng bay hơn 200 phi vụ ở Đông Nam Á trên máy bay B-52. Trong 12 ngày đêm của Chiến dịch Linebacker II, Drenkowski bay trên máy bay F-4, lại từng ngồi trong SCH ở căn cứ Udorn (Thái Lan) nên có thể nhìn cuộc chiến ở cả vai trò phi công trực tiếp tham chiến và sĩ quan SCH.

leftcenterrightdel

Máy bay ném bom B-52 của Mỹ. Ảnh tư liệu 

Trong bài báo của mình, Drenkowski vạch ra một số sai lầm của SAC như: Cách tấn công rời rạc, từng phần, các đường bay vào lãnh thổ Việt Nam liên tục lặp lại, chiến thuật không rõ ràng, không lắng nghe ý kiến của các tổ bay; các sĩ quan ở SCH hầu hết là “không dám nói”, không dám phê phán những quyết định không chính xác của các sĩ quan cao cấp trong SAC; đội hình của tất cả đợt tấn công bay vào cùng một hướng, cùng độ cao, tốc độ và góc tiến vào, khi thoát ly cũng cùng một hướng. Theo Drenkowski, những sai lầm về chiến thuật này từ Tư lệnh-tướng Meyer cho đến các tổ bay B-52 đều biết, nhưng nó bị giấu đi trong nội bộ SAC. Drenkowski cho rằng, hai sĩ quan cao cấp chịu trách nhiệm chính là tướng John Meyer-Tư lệnh SAC và tướng Pete Sianis-phụ trách công tác kế hoạch và hành quân của SAC.

Sự xuất hiện bài báo của Drenkowski gây ra cuộc tranh luận gay gắt không chỉ trong nội bộ không quân Mỹ mà giới báo chí Mỹ cũng vào cuộc tranh luận về những vấn đề lịch sử và hiệu quả của Chiến dịch Linebacker II. Thậm chí, nó còn gây rắc rối cho một số tướng lĩnh tham gia chỉ huy chiến dịch và cho chính biên tập viên Benjamin Schemmer của Tạp chí Armed Forces Journal, người đã đưa bài viết của Drenkowski lên mặt báo.

5. Số lượng máy bay B-52 và KC-135 được sử dụng

Trong Chiến dịch Linebacker II, có đến 50% số máy bay B-52 và 75% số tổ bay B-52 có mặt tại căn cứ Andersen và U-Tapao. Các máy bay B-52 cất cánh từ căn cứ Andersen được tiếp dầu trên không từ các máy bay KC-135 cất cánh từ căn cứ trên đảo Okinawa (Nhật Bản). Trong chiến dịch này, SAC đã huy động 172 chiếc KC-135 để thực hiện 1.312 lần cất cánh với 4.593 cuộc tiếp dầu trên không.

Ngoài các máy bay B-52 và KC-135 của SAC, còn có sự tham gia của lực lượng máy bay chiến thuật, bao gồm các máy bay F-4, F-105, A-6, A-7, F-111. Các máy bay tác chiến điện tử: EB-66, EA-3, EA-6B, EC-121 và các máy bay trực thăng sẵn sàng tìm cứu phi công. Tính trung bình, mỗi máy bay B-52 được hộ tống và trợ giúp bởi 120 chiếc máy bay chiến thuật các loại.

6. Bao nhiêu tên lửa SAM đã phóng lên

Một số tác giả Mỹ cho rằng, Bắc Việt Nam tại thời điểm năm 1972 có hệ thống phòng không mạnh nhất và có chiều sâu nhất thế giới. Trong Chiến dịch Linebacker II, phía Mỹ cho rằng Bắc Việt Nam đã phóng lên 884-1.285 quả tên lửa SAM, trong khi đó phía Việt Nam công bố phóng lên 239-335 quả, diệt 29 máy bay B-52 (9,2 quả/tiêu diệt 1 máy bay B-52)...

TS NGUYỄN SỸ HƯNG - Phi công, nguyên giảng viên Học viện Phòng không-Không quân