|
Nghĩa quân Ba Đình dũng cảm, bất khuất trước kẻ thù. |
Trong lịch sử cận đại Việt Nam, ngay từ khi quân Pháp đặt chân xâm lược lên đất nước ta, hưởng ứng phong trào Cần Vương (1885-1895) đã xuất hiện những cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta nổi lên khắp nơi chống Pháp. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Ba Đình.
Năm 1886, Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Hà Văn Mao, Trần Xuân Soạn... cùng nhau lãnh đạo nghĩa quân chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp ở Thanh Hóa. Trung tâm cuộc khởi nghĩa kháng chiến thành lập ở Ba Đình. Căn cứ Ba Đình cách huyện lỵ Nga Sơn 4km, tây bắc giáp huyện Hà Trung, được xây dựng trên địa bàn ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê. Vào mùa mưa, căn cứ này trông như một hòn đảo nổi giữa cánh đồng nước mênh mông, tách biệt với các làng khác. Gọi là Ba Đình vì mỗi làng có một ngôi đình, từ làng này có thể nhìn thấy đình hai làng kia. Bao bọc xung quanh căn cứ là lũy tre dày đặc và một hệ thống hào rộng thành đất cao 3m, chân rộng từ 8m đến 10m, mặt thành có thể vận động, đi lại. Trên mặt thành, nghĩa quân đặt các rọ tre đựng bùn trộn rơm. Phía trong thành có hệ thống giao thông hào dùng để vận chuyển lương thực và vận động khi chiến đấu. Ở những nơi xung yếu đều có công sự vững chắc. Các hầm chiến đấu được xây dựng theo hình chữ “chi”, nhằm hạn chế thương vong. Ở mỗi làng, tại vị trí ngôi đình được xây dựng một đồn đóng quân. Ở Thượng Thọ có đồn Thượng, ở Mậu Thịnh có đồn Trung và ở Mỹ Khê có đồn Hạ. Ba đồn này có thể hỗ trợ tác chiến cho nhau khi bị tấn công, đồng thời cũng có thể chiến đấu độc lập. Có thể nói rằng căn cứ Ba Đình có vị trí tiêu biểu nhất, là một chiến tuyến phòng ngự quy mô nhất thời kỳ Cần Vương cuối thế kỷ 19. Ngoài Ba Đình, còn có các căn cứ hỗ trợ: căn cứ Phi Lai của Cao Điển, căn cứ Quảng Hóa của Trần Xuân Soạn, căn cứ Mã Cao của Hà Văn Mao.
Về tổ chức biên chế, lực lượng nghĩa quân Ba Đình gồm khoảng 300 người, tuyển từ ba làng và các vùng Thanh Hóa, bao gồm cả người Kinh, Thái, Mường. Nghĩa quân có 10 toán, mỗi toán có một hiệp quản chỉ huy. Về vũ khí, nghĩa quân tự trang bị bằng súng hỏa mai, giáo mác, cung nỏ.
Năm 1886, nghĩa quân liên tiếp tiến công các phủ, thành, huyện lỵ, chặn đánh các đoàn xe, các toán quân lẻ, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại.
Đinh Công Tráng quê ở Hà Nam, nguyên là một chánh tổng. Ông đã từng chiến đấu trong quân đội của Hoàng Tá Viêm và phối hợp với Lưu Vĩnh Phúc đánh Pháp khi chúng kéo ra Bắc Kỳ lần thứ hai (1882) nên rất có kinh nghiệm chỉ huy. Phạm Bành là một viên quan chủ chiến, đã treo ấn từ quan về quê vận động sĩ phu và nhân dân khởi nghĩa. Các thủ lĩnh khác cũng một lòng cùng quân sĩ chiến đấu ngày đêm...
Đến tháng 12-1886 quân Pháp bắt đầu tập trung lực lượng, với 500 quân, có đại bác yểm trợ, tấn công vào căn cứ Ba Đình nhưng thất bại.
Tháng 1-1887, Pháp cử đại tá Bơ-rít-xô sang trực tiếp đảm nhiệm việc đánh phá căn cứ Ba Đình. Ngày 6-1-1887, Bơ-rít-xô đã huy động khoảng 2.500 quân chia làm 3 mũi đánh vào căn cứ có pháo binh yểm trợ. Nhưng quân Pháp vẫn bị chặn lại trước sự kháng cự quyết liệt của nghĩa quân. Sau đó, Bơ-rít-xô phải thay đổi cách đánh, bao vây, lấn chiếm từng bước, nhằm cô lập căn cứ, cắt đứt các nguồn viện trợ, tiếp tế cho nghĩa quân. Đến ngày 15-1-1887, quân Pháp phải dùng dầu phun lửa, đốt cháy lũy tre, tập trung đại bác dồn dập bắn vào căn cứ, tổng tấn công làm hao tổn quân ta.
Trước sức tấn công của quân Pháp, thủ lĩnh Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Nguyễn Khế, Lê Toại... đã tổ chức cho nghĩa quân rút về Mã Cao vào đêm 21-1-1887. Hôm sau quân Pháp chiếm được căn cứ Ba Đình, chúng tiến hành triệt hạ ba làng, tiếp tục cho quân truy kích nghĩa quân ở Mã Cao, rồi tiếp tục đến Thung Voi, Thung Khoai và cuối cùng là tận miền tây Thanh Hóa, nơi đóng quân của Cầm Bá Thước. Các thủ lĩnh Nguyễn Khế, Hoàng Bật Đạt hy sinh. Phạm Bành, Hà Văn Mao, Lê Toại tự sát... chỉ còn Đinh Công Tráng tiếp tục xây dựng lại lực lượng, phát động phong trào tiếp tục kháng chiến. Nhưng mùa hè 1887, ông bị quân Pháp bắt và giết hại.
Cuộc khởi nghĩa Ba Đình thất bại nhưng lịch sử dân tộc, nhân dân Thanh Hóa và trong lòng mỗi người con quê hương vùng Ba Đình hiện nay không bao giờ quên hình ảnh nghĩa quân quả cảm do Đinh Công Tráng, Phạm Bành... chỉ huy đã tổ chức được những trận đánh lớn vào quân Pháp. Chính người Pháp đã phải thừa nhận “1886-1887, cuộc công hãm Ba Đình là quan trọng nhất, cuộc chiến đấu này thu hút nhiều quân lực nhất và làm cho các cấp chỉ huy lo ngại nhiều nhất”.
NGUYỄN HÀ