Luyện tập sẵn sàng chiến đấu ở Vùng C Hải quân. Ảnh: Trọng Thiết

Tôi sinh ngày 4-10-1944, nhập ngũ ngày 10-4-1963. Sau ba tháng huấn luyện tại Núi Đèo, tôi được phân công về đơn vị 200, làm pháo thủ trên tàu săn ngầm.

Đơn vị săn ngầm chúng tôi là một đơn vị bí mật. Tàu săn ngầm hồi ấy là loại tàu khá hiện đại, mới được trang bị. Đơn vị chúng tôi có 4 tàu. Tàu chúng tôi do trung úy Lê Văn Trừng làm Thuyền trưởng. Thuyền trưởng Lê Văn Trừng được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh kiên cường, tác phong chính xác, chu đáo và linh hoạt...

Từ tháng 7-1963, tình hình chiến trường miền Nam đã căng thẳng. Đơn vị thảo luận và nêu quyết tâm: “Quyết đánh, quyết thắng không quân và hải quân của Mỹ”, “Quyết tử cho Tổ quốc”. Chúng tôi được huấn luyện chuyên ngành với mục tiêu phấn đấu rất cụ thể: Kỹ thuật: biết nhiều ngành, giỏi ngành mình; Khoa mục chung: giỏi; Chính trị: giỏi; Kỷ luật: tốt. Sức khỏe: phải bơi được từ 9 đến 10km; Đu quay: 25 vòng; Cầu sóng: 80cm trở lên.

Tôi đã hoàn thành xuất sắc tất cả các nhiệm vụ ấy. Riêng về chuyên ngành pháo thủ tôi tìm ra một cách riêng để rèn luyện. Nhiệm vụ của tôi là bắn. Máy bay Mỹ thì chúng tôi chưa nhìn tận mắt lần nào. Địch tuyên truyền rất ghê về không quân của chúng. Còn trong tay chúng tôi thì chỉ có hình vẽ trong tài liệu. Việc đầu tiên là tôi phải nắm chắc được các kiểu máy bay và tính năng của chúng. Sau đó là học tính lấy phần tử bắn. Nhưng để hiểu kỹ hơn, để làm chủ hoàn toàn khẩu pháo và con tàu, tôi còn can lại từng bộ phận trong tranh kỹ thuật và nghiên cứu cẩn thận, hiểu biết tường tận mới thôi. Trong quá trình nghiên cứu ấy, tôi nảy ra suy nghĩ: tại sao ta không tính sẵn phần tử bắn để khi vào trận chỉ cần nhớ ra là được. Thế là tôi lập một bảng bắn. Đối với F5, độ cao này, tốc độ này, góc bổ nhào này thì phần tử bắn là bằng này. Với F4 và các loại khác cũng thế và tôi học thuộc lòng.

Nhờ sáng kiến ấy, tôi đã đạt loại giỏi trong huấn luyện. Cộng với các thành tích khác nữa, tôi được tặng danh hiệu “Chiến sĩ giỏi”. Tôi còn được Trung ương Đoàn tặng giấy khen.

Ngày 2-8-1964, chúng tôi được phổ biến vụ tàu Ma-đốc xâm phạm lãnh hải. Toàn đơn vị triển khai chiến đấu. Ngày 5-8-1964, đúng vào kíp tôi trực. 12 giờ 20 phút, máy bay địch từ Cửa Vạn lao vào bắn rốc két và ném bom dữ dội xuống đội hình hải quân ta. Chúng tính lợi dụng các yếu tố bất ngờ như thời gian (giờ nghỉ trưa), không gian (bay thấp, địa hình núi) để tập kích. Nhưng điều mà địch không thể ngờ là ta đã sẵn sàng từ lâu. Máy bay địch vừa xuất hiện, các loại hỏa lực của ta cả dưới tàu và trên bờ lập tức nổ súng đánh trả.

Dưới sự chỉ huy bình tĩnh, sáng suốt của Thuyền trưởng Lê Văn Trừng, con tàu của chúng tôi không những cơ động chiến đấu được ngay mà còn khéo léo di chuyển lúc tiến, lúc lùi, lúc rẽ ngang... vừa tránh bom đạn địch, vừa đánh trả quyết liệt. Trong khói lửa mịt mù, đạn bom tứ bề, nhưng khẩu lệnh điềm tĩnh và chính xác của Thuyền trưởng đến vừa như động viên khích lệ, vừa như người hướng dẫn tuyệt vời làm tôi hoàn toàn tự tin. Bảng bắn nhớ rõ trong đầu nên khẩu lệnh của Thuyền trưởng vừa truyền đến, lập tức tôi đã lái pháo và nhả đạn ngay.

Không phân biệt nhiệm vụ, các ngành khác cũng tham gia chiến đấu. Phải nói rằng phức tạp nhất là khâu tiếp đạn. Kho đạn ở dưới hầm tàu. Mỗi thùng nặng 45kg. Thông thường phải dùng tời đưa đạn lên, sau đó hai người khiêng đến vị trí bệ pháo. Nhưng trong trận đầu ấy, những nguyên tắc kia bị phá bỏ. Mọi người chuyển đạn bằng tay dưới hầm tàu lên. Và chỉ một người vác chứ không khiêng. Còn vấn đề nòng pháo nữa. Do bắn liên tục nên nòng pháo nóng đỏ. Nguyên tắc là làm nguội bằng nước. Nhưng nếu vậy thì chậm quá. Một sáng kiến nảy ra: lấy nòng dự trữ thay hễ đỏ lên lại thay lại. Tất cả đều nhịp nhàng. Tôi hoàn toàn yên tâm tập trung cao độ vào thao tác bắn. Nhiều lúc tôi đã nhìn thấy lửa khói phụt ra từ máy bay địch do trúng đạn, thấy cả những chiếc máy bay chòng chành như say rượu kéo theo một vệt khói đen sì. Cuộc chiến đấu diễn ra hơn một tiếng đồng hồ. Đến 17 giờ, chúng tôi nhận được tin vui: ta bắt sống được phi công Mỹ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp xuống Bộ Tư lệnh Hải quân khen ngợi và động viên cán bộ, chiến sĩ trận đầu đánh thắng.

Sau đó tôi được giao nhiệm vụ đi công tác xa. Mấy tháng sau, khi về đơn vị tôi mới được biết là tàu của tôi được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Thuyền trưởng Lê Văn Trừng được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba và tôi cũng được thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì vì “đã lập được chiến công xứng đáng trong trận chiến đấu ngày 5-8-1964”. Tháng 10 năm ấy, tôi được kết nạp Đảng.

Nguyễn Danh Khôi (ghi

)