Bác sĩ Trọng quê ở xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, nhập ngũ từ năm 16 tuổi. Học xong lớp đào tạo y tá ngắn hạn, Phạm Văn Trọng được điều về làm y tá tiểu đoàn bộ binh thuộc LLVT tỉnh Bình Dương. Trong thời gian này, phương pháp cầm máu và băng bó cho thương binh đứt động mạch chủ của ông đã được đưa vào chương trình đào tạo y tá của LLVT tỉnh. Cấp cứu tại chiến trường, do điều kiện thiếu thốn phương tiện, thuốc men, rất nhiều lần ông “liều mạng” dùng kìm lớn banh bụng thương binh ra để phẫu thuật, cứu sống thương binh. Thiếu nẹp xương, ông lấy một mảnh xương của đồng đội đã bị lìa, làm nẹp cố định xương đùi cho thương binh. Một lần mổ cho thương binh giữa trận càn của địch, ông bị đạn địch găm trúng sườn phải, máu chảy đầm đìa nhưng vẫn động viên mọi người: “Hãy đứng xung quanh lấy thân mình chắn đạn cho người bệnh!”. Những năm tháng chiến tranh, ông đã thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật trong tình huống cấp bách, hiểm nguy, khó khăn, gian khổ để cứu sống thương binh. Với những thành tích xuất sắc, năm 1978, ông được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Từ một y tá, ông được đào tạo thành bác sĩ chuyên khoa, được bổ nhiệm các chức vụ: Phó giám đốc, Giám đốc Bệnh viện 7A (Quân khu 7), Chủ nhiệm Quân y Quân khu 7. Rời quân ngũ, ông chuyển về làm Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trưởng đoàn Thầy thuốc tình nguyện Cơ quan phía Nam của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
    |
 |
Đại tá Phạm Văn Trọng (thứ ba, từ phải qua) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm những ngày chiến đấu trên nước bạn. |
Giai đoạn để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong đời quân ngũ của ông Phạm Văn Trọng là làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1979, Bệnh viện dã chiến 7D Mặt trận 779, Quân khu 7 được thành lập, với nhiệm vụ thu dung, điều trị cho bộ đội ta tại Mặt trận 779, bộ đội địa phương và nhân dân của 5 tỉnh nước bạn. Lúc đó, ông là Chủ nhiệm Khoa Ngoại. Ông Trọng nhớ lại: “Bệnh viện được triển khai ở khu vực Trường Kỹ thuật Cơ khí đã bị bọn Pôn Pốt đập phá xơ xác. Khi tiếp nhận, bệnh viện chỉ là những đống gạch vương vãi, không điện, không nước. Cán bộ, y sĩ, bác sĩ phải dốc hết sức dọn dẹp. Để có nước sinh hoạt, phải dùng xe chở cách đó 2km, dùng máy phát điện thắp sáng để hoạt động chuyên môn, phẫu thuật, cứu chữa cho thương binh, bệnh binh trong tiếng nổ ầm ào của đạn, pháo. Có lần ông đang mổ cho thương binh thì trúng pháo địch, làm sập cả một góc nhà bệnh viện. Ban đêm, ngoài bộ phận làm chuyên môn, bệnh viện phải bố trí lực lượng canh gác, bảo vệ, đề phòng địch tập kích. Thời gian này, bệnh viện đã cứu sống, điều trị cho hàng nghìn người, trong đó có cả những người lính của phía bên kia. Ông Trọng cười hiền: “Tháng 4-1983, lực lượng của ta đánh địch tại tỉnh Công-pông Thom đã thu được giấy ra viện của một người lính phía bên kia do Giám đốc Bệnh viện 7D Phạm Văn Trọng ký. Lúc đó tôi mới biết, mình chữa bệnh cho cả người của bên đối phương. Trong điều kiện chiến trường, mỗi khi có thương binh đưa vào là chúng tôi phải cứu chữa, không phân biệt người đó là ai. Đó không chỉ là chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta mà còn là cái tâm của những người thầy thuốc…”. Có lúc thương binh, bệnh binh ở các mặt trận chuyển về nhiều, cán bộ, y sĩ, bác sĩ phải tham gia mổ suốt ngày đêm, không kịp ăn uống, chân tê cứng vì đứng lâu. Ông bồi hồi nhớ lại: “Cuối tháng 4-1982, bệnh viện tiếp nhận 4 thương binh bị nát cẳng chân do mìn của địch. Dù đã được sơ cứu nhưng khi về đến bệnh viện, vết thương nhiễm trùng nặng, người tím tái, trụy tim mạch, tính mạng thương binh rất nguy kịch, cần phải được phẫu thuật cấp cứu cắt bỏ sớm mới mong cứu được. Tôi đã vừa làm vừa rơi nước mắt khi trong một đêm phải phẫu thuật liên tục cắt bỏ chân của 4 đồng chí. Các đồng chí ấy rất trẻ, chỉ mới tuổi đôi mươi...”.
Bệnh viện 7D còn là địa chỉ thu dung, điều trị cho quân, dân nước bạn, là nơi ghi nhận ân tình quân dân sâu đậm của hai nước Việt Nam, Campuchia. Rất nhiều người được ông Trọng và các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện 7D cứu chữa sau này đã trở thành những cán bộ, tướng lĩnh cao cấp trong quân đội, nhà nước Campuchia. Mỗi khi sang Việt Nam, họ đều tìm đến ông Trọng để thăm hỏi, tri ân. Năm 2002, sau khi nghỉ hưu, ông Trọng được mời tham gia Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và làm Trưởng đoàn Thầy thuốc tình nguyện Cơ quan phía Nam của hội. Mười mấy năm qua, ông và các đồng đội của mình đã vận động các “mạnh thường quân” tổ chức nhiều đợt khám, cấp thuốc miễn phí, mổ mắt đục thủy tinh thể, tặng quà cho người dân nghèo nước bạn. Hàng vạn lượt dân nghèo đã được đoàn của ông giúp đỡ. Theo đề nghị của bạn, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đưa nhiều cán bộ, người dân bạn về TP Hồ Chí Minh để điều trị những căn bệnh nặng, hiểm nghèo. “Được trở lại đất nước Campuchia, nơi mình đã sống và chiến đấu là niềm vui đối với tôi. Tình cảm của cán bộ, nhân dân Campuchia đối với tôi rất thân thiết. Đó là ân tình mà cả cuộc đời này tôi không thể nào quên”-ông chia sẻ với chúng tôi trong một buổi chiều đầy nắng.
Bài và ảnh: TRẦN HUY BÌNH