Bí thư Ngô Vi Thiện xem báo cáo thống kê của Ban Quân nhu chiến dịch, trong đó có 3 cột ghi: Bao to, bao nhỏ, gạo lẻ. Do không hiểu bao to, bao nhỏ là gì, nhưng ở cột gạo lẻ thấy ghi rõ có hơn 3 tấn ở kho, ông liền báo cáo với đồng chí Trần Đăng Ninh là trong kho của thị xã có hơn 3 tấn gạo. “Nhận được báo cáo, anh Ninh giật mình không tin, tôi vừa cầm tờ thống kê vừa trả lời đó là số liệu theo báo cáo mới nhất mà Ban Quân nhu chiến dịch vừa gửi tới. Nghe xong, anh Ninh lệnh cho tôi gọi ngay cho Trưởng ban Đinh Trọng Nữu, yêu cầu nếu thiếu gạo thì bổ sung bột mì và cử người xuống đơn vị hướng dẫn bộ đội sử dụng, không thể để bộ đội thiếu ăn”-đồng chí Ngô Vi Thiện kể.
Chiều hôm ấy, đồng chí Đinh Trọng Nữu tới Sở chỉ huy ở Lam Sơn, báo cáo Chủ nhiệm Trần Đăng Ninh rằng gạo ở kho thị xã Cao Bằng là hơn 100 tấn. Nghe vậy, Bí thư Ngô Vi Thiện đứng bên cạnh liền đưa báo cáo thống kê ra, và chỉ vào phần ghi số liệu rõ ràng. Trưởng ban Quân nhu Chiến dịch Biên giới Đinh Trọng Nữu cười nói: Thế anh không tính mấy trăm bao to-nhỏ, mỗi bao to một tạ, bao nhỏ nửa tạ à. Còn hơn 3 tấn gạo lẻ là gạo rơi vãi, gom lại trong cót không đóng thành bao.
Báo cáo xong, đồng chí Đinh Trọng Nữu ra về. Trong nỗi phập phồng lo sợ, thấy khuyết điểm của mình quá lớn, phụ lòng tin của thủ trưởng, đồng chí Ngô Vi Thiện sẵn sàng chờ đợi bị khiển trách. Chẳng ngờ, đồng chí Trần Đăng Ninh lại thừa nhận bản thân cũng có khuyết điểm, nghe báo cáo mà không kiểm tra lại, nếu trực tiếp xem báo cáo thống kê sẽ hiểu ngay. Đồng thời nhắc bí thư của mình rút kinh nghiệm, lần sau không được chủ quan, giấu dốt, cái gì chưa hiểu, chưa rõ cần phải hỏi lại, suy nghĩ kỹ trước khi kết luận. Từ đó, ông cũng không nhắc lại chuyện này nữa. Còn đồng chí Ngô Vi Thiện thì nhớ mãi: “Đối với tôi đây là bài học vỡ lòng về công tác hậu cần tôi không bao giờ quên. Và điều quan trọng hơn, lớn hơn tôi học được ở thủ trưởng Trần Đăng Ninh chính là tinh thần tự phê bình, thẳng thắn và nghiêm khắc với khuyết điểm, đồng thời độ lượng, khoan dung với những khuyết điểm không cố tình của cấp dưới”.
NGỌC MAI
(theo Trần Đăng Ninh, con người và lịch sử-NXB Chính trị Quốc gia, H.1996)