Năm 1994, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến hành kỷ niệm trọng thể 40 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-1994). Để xứng đáng với tầm vóc lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà nước đã chỉ đạo làm nhiều việc có ý nghĩa lớn như tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, nhất là Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy Mường Phăng... Điều đáng chú ý là, do nhiều nguyên nhân, đến thời điểm đó, sau 40 năm, chúng ta chưa có đầy đủ danh sách liệt sĩ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Toàn bộ hồ sơ danh sách liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp do Cục Quân lực (Bộ Tổng Tham mưu) quản lý, lưu trữ, trong đó không phân ra trường hợp nào là liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bởi vậy, muốn biết được những người hy sinh ở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) đã nghiên cứu đề xuất và được trên chấp thuận xác định các tiêu chí về phạm vi: Không gian của chiến dịch, thời gian diễn ra chiến dịch, đơn vị tham gia chiến dịch. Dựa vào các tiêu chí đó, Cục Chính sách đã tổ chức một lực lượng hơn 10 người, dành thời gian nhiều tháng liền để đọc lại danh sách hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp để lập được cơ bản đầy đủ danh sách liệt sĩ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Làm được điều đó trong điều kiện lưu trữ thủ công ngày ấy cũng là một kỳ công. Danh sách liệt sĩ được lập ra theo từng địa phương đã bàn giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để sau đó tiến hành chỉ đạo gắn toàn bộ danh sách liệt sĩ (đúc chữ bằng đồng) lên các bức tường của Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 kịp phục vụ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ....

leftcenterrightdel
Tác giả đọc bài thơ cảm tác của mình tại Điện Biên, tháng 3-2004. Ảnh: LÊ ĐỨC 

Lần thứ hai, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ ngày 25 đến 28-3-2004, Trường Sĩ quan Lục quân 1 tổ chức đoàn cán bộ, giáo viên do tôi (Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng về Chính trị) dẫn đầu lên thăm Điện Biên Phủ. Đoàn xuất phát ở trường từ 5 giờ ngày 25-3 theo đường Sơn Tây qua Sơn La, lên Điện Biên Phủ. Tối hôm đó, cả đoàn ngủ ở doanh trại của Tiểu đoàn 1 (Bộ CHQS tỉnh Điện Biên). Tôi bồi hồi xúc động khi được trở lại mảnh đất lịch sử mà tròn 50 năm trước, cha tôi đã cùng đồng đội-những chiến binh bình dị-vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh để làm nên chiến thắng huy hoàng, tỏa sáng đến muôn đời sau.
Trong niềm cảm xúc dâng trào, đêm khuya, tôi đã viết liền một mạch bài thơ "Về Điện Biên". Ngay trong đêm ấy, từ Điện Biên, tôi đã đọc bài thơ qua điện thoại di động cho một người bạn ở Hà Nội để gửi đăng trên Báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Văn nghệ quân đội. Sáng hôm sau, lúc 8 giờ, khi đoàn Trường Sĩ quan Lục quân 1 vào viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1, tôi đã rưng rưng nước mắt xúc động đọc bài thơ này trước hàng quân. Và trên nền bài thơ, Đội văn nghệ Trường Sĩ quan Lục quân 1 đã dàn dựng thành công hoạt cảnh thơ và đoạt giải xuất sắc trong Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quân năm 2004.
Về Điện Biên
(Kính tặng Cha và các đồng đội của Cha)
Con về thăm Điện Biên
Chiến tích anh hùng
Tỏa sáng ngàn năm bất hủ
Những chiến binh băng mình trong máu lửa
Đã tạc ghi lịch sử một trang vàng.
Con vào thăm Chỉ huy sở Mường Phăng
Nơi Đại tướng cùng Bộ Tham mưu Chiến dịch
Ôi! Trí tuệ tuyệt vời, quyết tâm bằng thép
Vạch trúng con đường xuyên thẳng tới trung tâm.
Con vào thăm A1, Hồng Cúm, Him Lam
Những chiến công vô cùng oanh liệt
Giành giật đêm ngày máu thấm từng thước đất
Có chiến công nào chẳng đổi những hy sinh!
Con đã về đây từ dốc ấy, Pha Đin
Nhớ thuở ông cha bàn chân trần tứa máu
Từ muôn ngả non sông về đây hội tụ
Vực thẳm đèo cao in dấu những đoàn quân...
Chúng con về đây xin dâng nén hương thơm
Kính cẩn tâm linh những hàng bia thẳng lối
Di tích trầm hùng chất chứa điều nhắn gửi
Từ Điện Biên rọi sáng tới tương lai!

Trung tướng NGUYỄN MẠNH ĐẨU