Nhà ông Cần cách nhà tôi khoảng 100m. Mỗi lần ông về phép, đám trẻ chúng tôi thường được ông cho kẹo. Được biết, tên thật của ông là Lê Văn Nhợng, khi lên Việt Bắc, được Bác Hồ đặt tên mới: Lê Văn Cần. Và ông là người đứng đầu trong tổ phục vụ Bác Hồ: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Sau khi Bác Hồ mất, ông Lê Văn Cần được cơ quan Phủ Chủ tịch giao nhiệm vụ tiếp tục lưu giữ, bảo quản những kỷ vật trở thành di sản của Bác. Mãi hơn 70 tuổi, ông mới nghỉ hưu. Sinh thời, với đạo đức thanh liêm, giản dị, Bác Hồ chỉ có mấy bộ quần áo ka ki sờn cũ. Để thay số quần áo cũ, nhiều lần cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch đã giấu Bác giao ông Cần làm người đóng thế Bác để đo may quần áo. Khi quần áo được may xong, ông Cần lẳng lặng đặt vào tủ thay cho bộ quần áo cũ. Tuy cùng kiểu, cùng màu, nhưng Bác Hồ vẫn phát hiện được. Bởi thế, có lần Bác đã phê bình: Quần áo đang dùng được mà đã thay bộ mới là gây lãng phí công quỹ. Năm 1957 và 1961, Bác Hồ về thăm Nghệ An. Cả hai lần ông Cần đều được cùng đi với Bác và đều ghé về thăm nhà kết hợp mua ít khoai lang, cà pháo mang ra Hà Nội. Đây là hai thứ “đặc sản” của quê nhà mà Bác Hồ vẫn thích.

leftcenterrightdel
Bác Hồ vẫy chào nhân dân đón Người về thăm quê lần thứ hai, năm 1961. Ảnh tư liệu    

Năm tôi 13 tuổi, đang học lớp 6 Trường cấp 2 Nghi Khánh (Nghi Lộc, Nghệ An) thì được tham gia đoàn học sinh của trường đi đón Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Sáng 8-12-1961, cả đoàn học sinh trường chúng tôi cùng nhau đi bộ khoảng 15 cây số vào Vinh. Đến nơi, các thầy giáo yêu cầu chúng tôi xếp hàng trật tự ở cổng sân bay Chợ Dâu (bây giờ là sân bay Vinh, Nghệ An) để đón Bác.

Đúng 12 giờ 30 phút, chiếc máy bay Dakota cánh bạc xuyên mây hạ cánh. Bác rời máy bay lên chiếc com-măng-ca mui trần. Chúng tôi ùa ra, tay vẫy cờ và đồng thanh hô to: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác giơ tay vẫy lại. Được biết, ngày đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An bố trí một chiếc xe du lịch mui trần kết hoa để đón Bác. Nhưng khi xuống máy bay, Bác lại lên chiếc xe mui bạt của Bộ tư lệnh Quân khu 4. Ngồi vào xe, Bác bảo tháo bạt ra để Bác còn vẫy chào nhân dân ra đón. Xe kết hoa chạy sau để cụ Lê Nhu, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Nghệ An ngồi. Cụ Lê Nhu râu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào, nhiều người tưởng nhầm là Bác. Có người lại nói đó là người đóng thế Bác, để ngụy trang.

Đây là lần đầu tiên và duy nhất trong đời tôi vinh dự được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ. Ngày đó Bác còn khỏe, nhưng tôi đứng rất gần nhìn thật kỹ, thấy da mặt Bác đã có mấy chấm tím đen. Về nhà, hỏi người lớn thì biết đó là chấm đồi mồi-người già vẫn vậy. Chúng tôi rất phấn khởi, coi đây là kỷ niệm đẹp không bao giờ quên.

Ngay sau đó mấy hôm, thầy Hoàng Văn Bàng, dạy văn lớp chúng tôi ra một bài kiểm tra: “Em hãy tường thuật buổi đón Bác Hồ về thăm quê”. Bài văn của tôi được chấm điểm cao nhất lớp, được thầy Bàng yêu cầu đọc cho cả lớp nghe chung. Chỉ là thành tích rất nhỏ nhưng tôi cảm thấy vinh dự, tự hào.

Tám năm sau, đang chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên, chúng tôi bàng hoàng đau buồn thương tiếc khi nghe tin Bác Hồ mất. Khi đơn vị tổ chức lễ truy điệu theo thông báo của cấp trên, trong tâm trí tôi vụt nhớ lại khoảnh khắc được đón Bác Hồ ở quê...

Trung tướng NGUYỄN MẠNH ĐẨU