Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Quân sinh năm 1948, quê ở xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1966, ông nhập ngũ và được biên chế về Ban Thông tin, Phòng Tham mưu (nay là Bộ Tham mưu) Quân khu 9. Là chiến sĩ nhưng Nguyễn Văn Quân vốn nhanh nhẹn nên học nghiệp vụ báo vụ, điện đài rất nhanh. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin, ông còn trực tiếp chiến đấu, bảo vệ sở chỉ huy tiền phương của ta.
Với chiến dịch “nhổ cỏ U Minh” càn quét sâu, lấn chiếm rộng và thủ đoạn “vết dầu loang” đánh chiếm, đóng đồn chốt chặt từng khu vực, Mỹ-ngụy ráo riết huy động lực lượng của Lữ đoàn B thủy quân lục chiến và Giang đoàn 74 đóng chốt tại 130 đồn, 8 căn cứ, dùng bom, đạn pháo, chất độc hóa học... đánh phá hủy diệt diện rộng, tạo thành vòng cung bóp nghẹt khu căn cứ địa U Minh của ta. “Tôi học gài mìn từ anh em công binh. Năm 1969, địch ở đồn 20 đứng chân trên ngã ba sông Trẹm giáp ranh giữa Cà Mau và Kiên Giang. Đồn được bố trí 5 đến 7 lớp hàng rào, hằng ngày, địch đưa lực lượng đi càn, tìm diệt căn cứ của ta. Nghiên cứu quy luật hoạt động của chúng, chiều tối, tôi bí mật gài lựu đạn quanh cửa chính. Bên ngoài thì chuẩn bị sẵn mìn, sau khi nhử địch bằng tiếng nổ, chúng liền ra kiểm tra, đúng lúc đó tôi bấm điện kích nổ mìn làm chúng thương vong nhiều. Ngoài ra, lực lượng của chúng đến chi viện cũng bị bộ binh ta đánh thiệt hại nặng”, ông Quân kể.
Tháng 3-1970, các cơ quan quân khu dời về xã Nhào, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Biết căn cứ của ta, một tiểu đoàn địch càn vào, sau khi phi pháo dọn đường, chúng cho hai mũi thọc sâu vào cơ quan khác gần đó. Biết địch đông, cơ quan bạn ít, ông nhanh chóng cất giấu máy thông tin rồi dẫn 4 đồng chí sang chi viện. Ông Quân cho biết: “Lúc đó tôi là tiểu đội phó, cùng anh em chiến đấu suốt một ngày. Chúng tôi đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, diệt hàng chục tên, giữ vững trận địa. Đến đêm, tiểu đoàn biệt động địch phải lùi xa, chúng tôi lấy máy tiếp tục làm nhiệm vụ”.
Đầu năm 1972, do yêu cầu nhiệm vụ cấp bách trên chiến trường, Ban Thông tin tổ chức thành 3 đại đội và ông Quân được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội Thông tin 1. Cuối năm 1973, sở chỉ huy tiền phương của quân khu dời về đóng ở huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ). Lúc này, máy thông tin thiếu, đặc biệt là pin phải sử dụng rất tiết kiệm và tận dụng tối đa cho nhiệm vụ. “Máy phát thông tin thì quay tay để cung cấp nguồn, máy thu thì dùng pin, mà pin không thể mua được, chỉ có trên cấp nên chúng tôi phải dùng tiết kiệm. Nếu như năng lượng pin đã giảm, chúng tôi hàn, đấu nối lại để cho công binh kích nổ bom, mìn đánh địch hoặc có khi để xài đèn pin cho nhiệm vụ trong đêm tối”, ông Quân cho biết.
“Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi vinh dự được phục vụ đồng chí Lê Đức Anh, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh cánh quân hướng Tây-Tây Nam và đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Khu ủy Khu 9 chỉ đạo tác chiến ở khu vực Tây Nam Bộ. Nhiệm vụ cấp bách và nặng nề, yêu cầu bảo đảm thông tin cho Bộ tư lệnh quân khu cũng như báo cáo từ các đơn vị càng khẩn trương. Vì vậy, các tổ đài thường xuyên thay nhau trực điện báo, có ngày hàng trăm bức điện, nhận nhiều nhất là ban đêm. Sau khi nhận xong, chúng tôi nhanh chóng bàn giao cho cơ yếu dịch bức điện, kịp thời báo lên thủ trưởng quân khu”, ông Quân kể tiếp. Khi nghe tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh đầu hàng, các đơn vị của quân khu đã đánh chiếm sân bay Trà Nóc lúc 14 giờ ngày 30-4-1975. Trong khi đó, tại thị xã Cần Thơ, cán bộ chính trị đã lãnh đạo quần chúng nổi dậy chiếm các phường An Cư, An Nghiệp, An Hòa, An Hội, An Thạnh... 15 giờ ngày 30-4, các lực lượng của Quân khu 9 đánh thẳng vào Sở chỉ huy Quân đoàn 4 địch và làm chủ hoàn toàn thị xã Cần Thơ. Tại tất cả các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đều diễn ra tiến công và nổi dậy, sôi sục nhất trong ngày 29, 30-4 và 1-5-1975. Trước sức tiến công mạnh mẽ của quân và dân các tỉnh thì toàn bộ chính quyền và quân đội địch bị tan rã, hầu như các tỉnh đều được giải phóng cùng thời điểm với giải phóng Sài Gòn.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1978, Trung úy Nguyễn Văn Quân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Thông tin 29 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
HỮU TÀI