Những năm tháng in dấu chân Người
Vladivostok có nghĩa là "chủ nhân phương Đông", cách Moscow, thủ đô Liên bang (LB) Nga khoảng 9.000km. Dù nằm ở vị trí xa xôi, song thành phố Vladivostok ngày nay phát triển mạnh mẽ về kinh tế, giáo dục và văn hóa, trở thành thủ phủ và trung tâm hành chính của vùng Primorye, đồng thời là nơi đặt căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân LB Nga từ năm 1870. Những năm qua, chính quyền Vladivostok đã xây dựng nhiều công trình văn hóa, bảo tàng, di tích lịch sử quy mô, biểu trưng cho nền văn hóa và lịch sử nước Nga phong phú, đầy thăng trầm.
Trong dòng chảy lịch sử ấy, quãng thời gian 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã 3 lần đến Vladivostok vào các năm 1924, 1927 và 1934. Những lần dừng chân ở đây, Người đã sống, làm việc, hoạt động cách mạng, làm nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản và lĩnh hội sâu sắc học thuyết Mác-Lênin, tìm tòi con đường giải phóng dân tộc. Những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vladivostok đã được nhiều sách, báo đề cập đến như: Cuốn sách “Hồ Chí Minh” của tác giả E.V.Kobeleva được Nhà xuất bản Cận vệ trẻ ấn hành tại Moscow năm 1979; bài báo “Về Hồ Chí Minh” in trong cuốn “Vladivostok-Hải Phòng: Nhịp cầu tình bạn” của tác giả E.P.Glazunova được Nhà xuất bản Viễn Đông in năm 1981...
    |
 |
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Vladivostok, Liên bang Nga. |
Câu chuyện Bác Hồ ở Vladivostok đã trở thành một chủ đề được chính quyền, người dân và kiều bào Việt Nam ở đây quan tâm đặc biệt và mong muốn làm những công trình khắc ghi dấu ấn này. Theo văn bản của Bảo tàng Hồ Chí Minh gửi Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Vladivostok ngày 24-4-2007, những lần Bác Hồ đến Vladivostok là: Lần thứ nhất vào cuối tháng 10, đầu tháng 11-1924. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi hành từ ga Yaroslav, Moscow đi tàu hỏa đến Vladivostok. Vào thời đó, mỗi tuần có một chuyến tàu chặng Moscow-Vladivostok và hành trình mất khoảng 3 tuần. Khi đến Vladivostok, Người đã gặp đại diện của Quốc tế Cộng sản tại Vladivostok và tổ chức chuyến đi tới Quảng Châu, Trung Quốc vào tháng 12-1924. Lần thứ hai, Người bắt đầu hành trình từ đầu tháng 5-1927, từ Hồng Công đến Thượng Hải rồi di chuyển đến Vladivostok và đi tiếp đến Moscow vào ngày 15-6-1927. Lần thứ ba, Nguyễn Ái Quốc đến Vladivostok vào tháng 5-1934 trên một con tàu buôn và sau đó đến Moscow vào tháng 6-1934.
Tượng đài của tình hữu nghị
Nhằm bày tỏ sự ngưỡng mộ người cộng sản mẫu mực, lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, danh nhân văn hóa kiệt xuất, ý tưởng về xây dựng bia tưởng niệm, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Vladivostok được nhiều cá nhân, tổ chức chung tay thực hiện. Từ sáng kiến của Hội Hữu nghị Nga-Việt tại vùng Primorye, chính quyền thành phố Vladivostok đã dựng bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tòa nhà ở ga đường sắt thành phố Vladivostok nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 119 của Người vào ngày 19-5-2009. Trên tấm bia được khắc dòng chữ: “Năm 1924, 1927 và 1934, Hồ Chí Minh-nhà hoạt động vì phong trào giải phóng đất nước và quốc tế đã được UNESCO công nhận, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng, người đặt nền tảng vững chắc cho tình hữu nghị Nga-Việt đã nhiều lần đến Vladivostok”.
Sự ngưỡng mộ, tri ân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thêm sâu sắc và trở thành một trong những điểm nhấn của dòng chảy lịch sử của thành phố cảng Vladivostok khi 10 năm sau, vào tháng 7-2019, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành tại vườn hoa trên phố Borisenko. Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Vladivostok Nguyễn Hoàng Việt cho chúng tôi biết: "Tượng đài Bác Hồ được Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vladivostok và Hội người Việt tại vùng Primorye đề xuất vào tháng 6-2015 và đã được chính quyền thành phố Vladivostok triển khai thực hiện. Ngài Igor Puskarov, Thị trưởng thành phố thời điểm ấy khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ anh minh của nhân dân Việt Nam, nhà hoạt động văn hóa lỗi lạc của nhân dân thế giới, người bạn lớn và chí tình của nhân dân Nga. Thành phố Vladivostok là nơi Người đã nhiều lần dừng chân trên chặng đường cách mạng từ chủ nghĩa yêu nước đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Ngày nay, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một điểm du lịch nổi tiếng và trở thành biểu tượng, nơi giao thoa của tình hữu nghị Việt Nam và LB Nga. Những dịp lễ, tết, sự kiện trọng đại trong nước, kỷ niệm sinh nhật Bác và khi có các đoàn đến thăm, Tổng lãnh sự quán và các tổ chức hội, đoàn đều đến đây dâng hương tưởng nhớ Người.
Niềm tự hào ở Vladivostok
Trong các hoạt động của Đoàn Hải quân nhân dân Việt Nam tại Vladivostok, chúng tôi ấn tượng và tự hào khi được đến dâng hương tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban tổ chức của Hạm đội Thái Bình Dương đã bố trí xe ô tô chở chúng tôi vòng qua những con phố trung tâm sầm uất trước khi đến khu vực vườn hoa nơi đặt tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên phố Borisenko. Bức tượng của Bác được đặt chính giữa vườn hoa khoe sắc, yên bình. Không gian xung quanh tượng đài có những chú chim bồ câu tung cánh, ríu rít như ngợi ca và lan tỏa khát vọng hòa bình, độc lập, tự do. Trên bệ bức tượng được khắc chữ theo hai ngôn ngữ Nga và Việt: Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969), Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất.
Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Phó chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân, Phó trưởng đoàn công tác, xúc động chia sẻ: "Được đặt chân đến nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân trên hành trình tìm đường cứu nước, đặc biệt là ở nước Nga xa hàng nghìn dặm là niềm tự hào của đoàn công tác và Biên đội Tàu 015 và 016. Chúng tôi đã có một hành trình dài ngày với nhiều khó khăn, thách thức để tham gia Lễ duyệt binh kỷ niệm 325 năm thành lập Hải quân LB Nga và tranh tài ở môn thi Cúp biển. Hành trình này cũng rất đặc biệt và thiêng liêng khi điểm đến là nơi ghi dấu của hành trình hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn công tác và biên đội tàu đã phát động thi đua, tổ chức học tập, thi đấu, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dâng lên Người và lập thành tích mang vinh quang về cho Tổ quốc".
    |
 |
Tổng lãnh sự quán Việt Nam và kiều bào, du học sinh tại thành phố Vladivostok cùng Đoàn Hải quân nhân dân Việt Nam bên tượng đài Bác Hồ. |
Trong số những người trẻ đến dâng hoa tại tượng đài Bác Hồ cùng với chúng tôi có sinh viên Nguyễn Trần Hoàng Trung, Trường Đại học Tổng hợp LB Viễn Đông. Chàng sinh viên nhỏ nhắn quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong bộ trang phục của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thuộc Liên chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Vladivostok không giấu được vui mừng khi được gặp và chúc mừng đoàn Hải quân nhân dân Việt Nam. Trung chia sẻ: "Dù ở xa Tổ quốc nhưng chúng em luôn cảm thấy ấm áp hơn khi nơi đây có tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian sinh sống, học tập ở Vladivostok chưa lâu nhưng em đã 6 lần được đến dâng hoa trước tượng đài của Người. Em sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện để được về cống hiến cho quê hương, đóng góp sức mình vào mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-LB Nga".
Trong không khí cảm động và thiêng liêng của cuộc gặp gỡ bên tượng đài Bác Hồ, Thượng tá Hoàng Anh, Thuyền trưởng Tàu 016 nhớ lại những tình cảm nồng ấm của bà con kiều bào tại thành phố Vladivostok trong chuyến thăm lần đầu tiên của tàu Hải quân nhân dân Việt Nam tới thành phố này năm 2019. Anh chia sẻ: “Hai lần đến dâng hương tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vladivostok không chỉ là niềm tự hào mà qua đó, tôi hiểu sâu sắc hơn những gian khó, hy sinh, khát vọng của Người trên hành trình tìm đường cứu nước năm xưa. Chúng tôi nguyện noi theo tấm gương của Người, đưa những con tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam thực hiện những hành trình vươn xa, an toàn trên biển, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Bác dành cho Bộ đội Hải quân".
Bài và ảnh: HẢI ÂU (từ Vladivostok, Liên bangNga)