|
Một khai trường của Tổng công ty Đông Bắc-Bộ Quốc phòng, lực lượng bổ sung có chất lượng cao vào đội ngũ công nhân mỏ. |
Đem quân xâm lược nước ta, thực dân Pháp coi việc chiếm, khai thác vùng mỏ Quảng Yên, Hòn Gai, Cẩm Phả là một mục tiêu trọng điểm. Tháng 3-1883, chúng đánh chiếm và thiết lập bộ máy cai trị. Năm 1888, chúng bắt đầu lập mỏ khai thác than. Cũng từ đây, đội ngũ công nhân Việt Nam ra đời.
Mở đầu cao trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ ở khu mỏ là cuộc đấu tranh của một vạn công nhân mỏ Cẩm Phả nổ ra ngày 12-11-1936. Ngày đó, tất cả các cơ sở sản xuất đều nhất loạt bãi công, đòi tăng lương lên 3 hào một ngày, đòi chủ mỏ trả tiền mua cuốc xẻng, dầu mỡ cho công nhân, chống đánh đập, cúp phạt... Chủ mỏ điều 40 xe nhà binh chở 500 lính lê dương, lính khố xanh từ Hải Phòng, Quảng Yên về đàn áp. Thanh tra chính trị Bắc Kỳ Đen-san-lơ, chánh mật thám Bắc Kỳ Ác-nu, Công sứ Quảng Yên Mát-xi-mi, kéo nhau về Cẩm Phả cùng bọn quan lại ở khu mỏ như: đại lý hành chính, chỉ huy đồn binh, chánh mật thám mỏ, bàn cách đối phó. Lính lê dương và lính khố xanh đóng quân và tuần tra dọc đường từ Cẩm Phả đến Cửa Ông, gây áp lực với quần chúng, đe dọa công nhân bãi công. Đại lý mỏ Cẩm Phả nhận định: “Nguồn sống của công nhân đình công đều cạn, số tiền mà công ty ứng trước chỉ đủ nuôi sống họ một, hai ngày nữa là cùng. Không duy trì được cuộc bãi công nữa thì họ phải đi làm”. Chủ mỏ ra lệnh đóng các cửa hàng bán gạo, tuyên bố tăng lương cho công nhân lên 0,27 đồng/ngày. Chúng thực hiện các thủ đoạn: bắt ép một số công nhân đi làm, tung bọn mật thám chỉ điểm vào các lán thợ và hòa cùng dòng người bãi công để tìm cán bộ lãnh đạo, cho lính đến các ngã ba đường, đường lên các tầng thợ, bắt bớ tự vệ công nhân của ta canh gác ở đó...
Không hề nao núng trước những khó khăn, Ban lãnh đạo cuộc bãi công đi tuyên truyền các cửa hiệu bán gạo chịu cho công nhân. Đồng bào các dân tộc thiểu số, nông dân, ngư dân tìm mọi cách vận động, chở lương thực, thực phẩm giúp đỡ công nhân mỏ tiếp tục đấu tranh. Báo Lao động (tiếng Pháp) của Đảng ra ngày 27-11-1936 viết: “Họ đã tỏ ra đoàn kết vô sản một cách vô cùng tốt đẹp. Họ đã nấu chung bữa cháo cuối cùng với nắm gạo cuối cùng. Họ đã nuốt phần cháo của mình và thề sẽ đấu tranh quyết liệt”.
Ngày 18-11-1936, đại lý Cẩm Phả điện về cho thống sứ Bắc Kỳ: “Tình hình vẫn đứng nguyên như cũ, các mỏ vẫn im lìm không hoạt động và công nhân vẫn không nhận lời cam kết chặt chẽ với yêu cầu tăng lương tối thiểu. Tình hình hình như đang dẫn đến một kết quả nặng nề nào đó, không những đối với người làm ở mỏ mà đối với nhân dân bản xứ ở đây”. Cùng ngày, toàn quyền Đông Dương chỉ thị cho thống sứ Bắc Kỳ: “Không được gián đoạn các cuộc đàm phán và phải tỏ thái độ thiện chí dung hòa để nối lại quan hệ thật tốt. Phải cố gắng sao cho có thể giữ gìn được trật tự an ninh không xảy ra bạo động”.
Cuộc bãi công của công nhân mỏ Cẩm Phả đã làm rung chuyển bộ máy cai trị của Pháp ở Đông Dương. 5 giờ chiều ngày 20-11-1936, bọn chủ mỏ buộc phải tuyên bố chấp nhận các yêu sách của công nhân: tăng tiền lương trung bình lên 30 xu, trả 1/2 tiền sắm cuốc xẻng, sở mỏ chịu tiền dầu mỡ dùng cho xe gông, không phạt thợ nếu họ nghỉ với bất cứ lí do gì.
Cuộc bãi công của công nhân mỏ Cẩm Phả thắng lợi đã thúc đẩy các cơ sở khác đứng lên đấu tranh. Ngày 23-11, công nhân nhà máy cơ khí Hòn Gai phát động bãi công, công nhân trên đoàn tàu chở than từ Hà Tu, Hà Lầm ra bến cùng hưởng ứng. Ở nhà máy điện cọc 5, bọn chủ mỏ huy động lính đến bao vây không cho công nhân nhà máy tham gia bãi công. Lập tức hàng nghìn công nhân các mỏ Hà Tu, Hà Lầm, Hòn Gai đến hỗ trợ giải vây cho anh em. Cuộc ẩu đả giữa công nhân và lính xảy ra. Bọn chủ lo sợ, phải mở cổng cho công nhân ra ngoài tham gia đấu tranh. Trong ngày 23-11, tất cả công nhân mỏ ở khu vực Hòn Gai, Hà Tu, Hà Lầm đồng loạt bãi công.
Phong trào đấu tranh lan rộng ra Cửa Ông, Kế Bào, Cái Đá, Đồng Đăng, thu hút toàn bộ công nhân mỏ than thuộc Pháp, với 3 vạn người tham gia, tạo thành làn sóng đấu tranh chưa từng có ở vùng mỏ. Toàn bộ bọn đầu sỏ thực dân: thống sứ Bắc Kỳ Tô-lăng-xơ, thanh tra chính trị Đen-san-lơ, trung tá tư lệnh lê dương Rô-lê-lan, công sứ Quảng Yên Mát-xi-mi, tuần phủ Nguyễn Văn Đào, bố chánh Cung Đình Vận... đã cấp tốc về Hòn Gai. Đồng thời, chúng điều về đây hàng trăm lính lê dương, lính khố xanh, cảnh binh, mật thám, 2 tàu quân sự từ Hải Phòng, Quảng Yên, Kiến An. Chúng tuyên bố: nếu ai đấu tranh sẽ bị bắt cả gia đình, vợ con xuống tàu, trục xuất khỏi đất mỏ. Thị xã Hòn Gai lúc này như xảy ra chiến tranh. Lính Pháp lăm lăm súng trong tay, rầm rập vây ráp các ngả đường. Chúng đàn áp làm bị thương 7 người, bắt 11 người giải về Hải Phòng.
Địch càng đàn áp gắt gao, làn sóng đấu tranh của công nhân mỏ càng dâng cao. Báo chí của Đảng (tờ Lao động), báo chí tiến bộ (tờ Đông Pháp) đã kịp thời cổ vũ tinh thần dũng cảm, kiên quyết của 2 vạn công nhân mỏ Hòn Gai. Thấy không thể dùng vũ lực để dập tắt các cuộc bãi công, ngày 28-11-1936, bọn chủ mỏ chấp nhận các yêu sách của công nhân, thả những người bị bắt ở khu vực Cửa Ông, Kế Bào. Thấy công nhân ở Uông Bí, Vàng Danh, Mạo Khê rục rịch bãi công, bọn chủ mỏ tăng ngay 10% lương cho anh chị em. Báo Lao động số ra ngày 6-12-1936 viết: “Nếu cuộc bãi công ở mỏ Cẩm Phả đã biểu thị tinh thần kỷ luật của giai cấp vô sản, thì cuộc bãi công ở Hòn Gai lại chứng rỏ rằng giai cấp vô sản có sức mạnh rõ rệt”.
Cuộc bãi công của 3 vạn thợ mỏ tháng 11-1936 trải trên khu vực từ Đồng Đăng đến Mông Dương dài gần 100km kết thúc thắng lợi, đánh một đòn choáng váng vào bọn đế quốc Pháp và chủ mỏ, làm chấn động dư luận cả nước, đồng thời chuẩn bị điều kiện cho những trận chiến đấu quyết liệt mới trong giai đoạn 1939-1945.
Ngày mở đầu cuộc bãi công, 12-11-1936, trở thành ngày Truyền thống công nhân vùng mỏ.
HÀ BÁCH TOÀN