Từ dòng thư viết trên “pơ-luya cây dừa”
QĐND - Những cánh thư của cha tôi đã ghi dấu đường hành quân của thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” được viết trên giấy pơ-luya in hình cây dừa, mẹ tôi gửi cho cha từ khi đang luyện tập ở Hòa Bình. Ngày ấy, Hà Nội thường có các loại giấy viết thư bằng pơ-luya màu xanh, hồng, trắng… trông thật nhã nhặn, lịch sự. Để thể hiện tình cảm Bắc - Nam ruột thịt, các nhà máy sản xuất giấy in hình cây dừa lên một góc thư, nên mọi người thời đó cứ quen gọi là “pơ-luya cây dừa”. Ngày nay, chỉ có thể tìm thấy loại giấy viết thư này ở trong những gói thư từ ông bà đã cất kỹ và nó đã trở thành một hình ảnh của văn hóa người Hà Nội thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
 |
Thư của liệt sĩ Phạm Đình Thám gửi gia đình. |
Lại một lần nữa, tôi đọc thư và đi theo bước chân hành quân của cha tôi. Từ những lá thư ghi dấu đường hành quân, kết hợp với hồ sơ lưu còn giữ được, trong đó ghi rõ quyết định ngày 25-7-1967 của Ủy ban Hành chính khu Hai Bà Trưng: “Điều động đồng chí Phạm Đình Thám là quân dự bị thuộc Phân xưởng dệt 3 Nhà máy dệt 8-3 ra phục vụ tại ngũ, đúng 17 giờ 30 phút ngày 30-7-1967, có mặt” đã cho tôi khẳng định chính xác: Cha tôi đã có mặt trong đợt đầu tiên của Quân tăng cường Thủ đô ngày 1-8-1967, bổ sung cho chiến trường miền Nam, chủ yếu là bổ sung cho miền Đông Nam Bộ.
Ngày gặp mặt của “Quân tăng cường Thủ đô”
Ngày 1-8-1967, Bộ tư lệnh Thủ Đô được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức, xây dựng, huấn luyện Quân tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam. Đợt đầu tiên tăng cường cho chiến trường miền Nam có đủ mặt công nhân ở các nhà máy đầu đàn của công nghiệp thành phố: Công cụ số 1, Cao-Xà-Lá, Dệt 8-3, Cơ khí Mai Động… Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Trân là người chủ trương chọn cán bộ, đảng viên, công nhân từ các nhà máy xung phong đợt đầu tiên và nói: “Hôm nay tiễn các đồng chí xung phong vào chiến trường, ngày chiến thắng trở về, Thành ủy sẽ đón các đồng chí”. Sau một thời gian khẩn trương tổ chức, xây dựng lực lượng và huấn luyện chiến đấu, cuối năm 1967, Bộ tư lệnh Thủ Đô đã đưa 3 đơn vị quân tăng cường (gồm Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 6) lên đường chi viện chiến trường, trực tiếp chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (đợt II). Đi trong đội ngũ điệp điệp trùng trùng bổ sung cho chiến trường, thư cha tôi còn ghi rõ: “Hồi 6 giờ tối ngày 13 tháng Giêng 1968, tức 14 tháng 12 Đinh Mùi, anh đã chính thức lên đường vào Nam chống Mỹ, cứu nước”. Cảnh xuân trên đường hành quân đã được cha tôi miêu tả bằng thơ: “Cúc mận hồng đào đua nhau nở/ Nhân dân nô nức đón xuân về/ Đoàn quân nhanh bước trong xuân ấm/ Tiến thẳng vào Nam diệt giặc thù”.
Sau ba tháng hành quân, tháng 4-1968, cha tôi đã đến Long An, bổ sung cho Tiểu đoàn 2 Tỉnh đội Long An, làm cán bộ tham mưu của tiểu đoàn. Nhưng cũng từ đây, không bao giờ mẹ con tôi nhận được lá thư nào của cha nữa. Chỉ đến năm 1975, khi tìm gặp một số thương binh của đại đội Nhà máy dệt 8-3, mẹ tôi mới biết, cha tôi đã hy sinh ở Cần Giuộc hè năm 1968.
Kể từ năm 1967 đến năm 1974, Bộ tư lệnh Thủ Đô đã đưa 42 tiểu đoàn với gần 30.000 cán bộ, chiến sĩ quân tăng cường chi viện cho các chiến trường, từ Quảng Trị đến miền Trung, Tây Nguyên, từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ, trong đó có các đơn vị được bổ sung cho Quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế giúp Cách mạng Lào và Cam-pu-chia; hơn 7000 người con ưu tú của Hà Nội đã hy sinh anh dũng. Những câu chuyện trên đường ra trận, nhắc lại sau chiến tranh, trở thành nỗi đau đáu, xót xa, về người còn, người mất, nhưng thật thiêng liêng, cao quý trong niềm tự hào của anh Bộ đội Cụ Hồ.
Đã hai năm qua rồi từ buổi gặp mặt với các bác, các chú trong đội quân tăng cường Thủ đô, nhưng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh một cựu chiến binh đứng cuối hội trường giơ cao tay lên “Ai là quân 30-7-1967 tập trung về đây”. Kể cả mẹ tôi thay mặt cha đến cùng các cựu chiến binh chụp ảnh kỷ niệm, chỉ còn gần 10 người. Tay bắt mặt mừng, các bác nắm tay mẹ tôi mà mắt đỏ hoe: “Luyện tập ở Chi Nê và Lạc Thủy (Hòa Bình) rồi vào Đông Nam Bộ, anh em hy sinh nhiều trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968 chị ạ. Chị còn tìm được hài cốt anh, đưa về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà là may mắn rồi. Còn bao nhiêu liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt”... Tôi chụp ảnh kỷ niệm, xin địa chỉ nhưng các bác đều nói: Chúng tôi ở nội thành cả, khi Bộ tư lệnh mời đến gặp mặt, anh em bác cháu lại gặp nhau thôi mà.
Các bác không để lại địa chỉ riêng, và chỉ có một tên gọi chung, thân thiết trong đội ngũ Bộ đội Cụ Hồ: Quân tăng cường Thủ đô.
Bài và ảnh: PHẠM KIM THANH