Tôi là đảng viên, được cử chỉ huy tổ mũi nhọn luồn sâu tìm mục tiêu. Tổ gồm: Tôi, Quy và Rật (quê Thanh Hóa), thêm một đồng chí người dân tộc thiểu số thạo địa hình dẫn đường. Lúc ấy khoảng 1 giờ đêm, trăng sáng lờ mờ. Cả tổ vào sát nhà mà tên đồn trưởng vẫn không biết gì. Căn nhà sàn chắc chắn, cao ráo. Chúng tôi vịn cầu thang nhón chân đi lên.
Bố trí anh em đâu đấy, tôi bất ngờ bật đèn pin quét một vòng, miệng quát:
- Tất cả ngồi im! Bộ đội giải phóng đây!
Không có tiếng đáp lại. Bỗng nghe đánh “huỵch” phía dưới sàn nhà và bước chân chạy gấp. Tên ác ôn cáo già đã vùng chạy. Hắn quáng quàng vấp phải khẩu trung liên của trung đội phục phía ngoài. Ta không kịp nổ súng. Nghe tiếng quát, một phụ nữ trạc 40 tuổi, vợ tên ác ôn ngái ngủ che mặt khỏi ánh đèn pin của chúng tôi chiếu vào đi ra.
- Lục soát kiểm tra!-Tôi hô anh em.
Cả tổ lục soát các ngóc ngách, không thấy gì. Sau cùng, đồng chí Rật lôi dưới sạp nằm ra một cái tráp màu đen tựa như “tráp thầy đồ” thời trước. Tráp dài ngót hai gang tay, rộng một gang, cao một gang. Tôi yêu cầu người phụ nữ mở tráp, chị ta mắt lấm lét vẻ chần chừ. Thấy tôi cương quyết yêu cầu, chị ta mới run lập cập, lấy chìa khóa, lóng ngóng tra vào ổ. Tráp mở. Trước mắt chúng tôi đầy ắp một tráp vàng óng ánh đủ loại: Nhẫn, vòng xuyến, dây chuyền và từng xấp thìa vàng úp khít chồng lên nhau từng lớp, từng lớp. Tôi hoa cả mắt. Thú thật, chưa bao giờ tôi thấy nhiều vàng đến thế!
Tôi tay phải nắm chắc cò súng, bước lại gần, tay trái vục xuống kiểm tra xem thử.
- Toàn là vàng!-Tôi thốt lên. Cùng lúc chân tôi lùi về sau, xòe bàn tay trái làm hiệu cho người phụ nữ đóng tráp lại.
- Khóa vào!-Tôi quát.
Người phụ nữ run run làm theo. Từ run sợ đến ngạc nhiên, hai tay chị ta hết chắp trước ngực lại đưa lên trán, cúi rạp người đụng sàn nhà vái lia lịa, miệng líu ríu nói không thành tiếng.
- Dạ!... Dạ!... Nhà con... đội... ơn... đội... ơn...
Chúng tôi nhanh chóng thu chiến lợi phẩm gồm: 1 bộ quân phục rằn ri có đính lon trung úy, 1 đôi giày sĩ quan, 1 băng (không có đạn) của súng
carbine. Chiếc tráp chúng tôi để nguyên chỗ cũ và không quên nhắc chị ta khuyên chồng cải tà quy chính về với nhân dân để được hưởng khoan hồng, rồi ra khỏi nhà tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Cậu Quy vừa đi vừa lẩm bẩm: “Có cho kẹo nó cũng không dám về nữa”. Thật không ngờ, sau này cơ sở báo ra: Tên ác ôn đã từ bỏ tội ác, quay về với thôn bản. Có lẽ đó mới là chiến lợi phẩm đích thực của chúng tôi.
HỒNG THỊNH - Ghi theo lời kể của CCB Phạm Đức Dung, nguyên chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 301, Tỉnh đội Đắc Lắc.