Kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh, anh em lâu ngày gặp nhau, nhìn phong độ sinh động trẻ khỏe của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó trưởng ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn, chẳng mấy ai nghĩ ông có cuộc đời xưa khá gian truân.
 |
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn về thăm lại bà con vùng "túi lửa" làng Gio Mai (Quảng Trị)
|
Quê chính của Hoàng Anh Tuấn ở Kim Sơn, thị xã Sơn Tây (cũ), nhưng anh lại ra đời giữa Hà Nội vào thời gian khủng khiếp nhất. Tháng cuối đông lạnh ngắt, mới tảng sáng, chiếc xe cút kít đã đi lượm thây người còng queo ở các hè phố. Thấy xác nào còn thoi thóp, tiện đâu có nhà thương liền đưa vào cấp cứu. Nhà hộ sinh ở giữa phố Khâm Thiên đêm nào cũng có xe chở người đến. Cô hộ sinh Đào Thị Quỳnh Yến, mẹ Hoàng Anh Tuấn cùng mấy cô hộ lý tiếp nhận, bón cháo vuốt mắt cho người hấp hối. Sau những giờ làm việc hãi hùng, Quỳnh Yến ôm con về Ngã Tư Sở, nơi Hoàng Giao-chồng chị đang làm xưởng cơ khí lúc này cũng vắng ngắt. Quỳnh Yến thì thầm với chồng liệu cách tản cư về quê Hà Nam. Hoàng Giao thở dài: “Ở đấy đang lũ lụt… dân phải chạy đi ăn xin… chết như ngả rạ…”. Quỳnh Yến nghẹn ngào: “Con chưa đầy ba tháng, em cạn cả sữa rồi, mớm cháo bón cũng không đủ”. Hoàng Giao ứa nước mắt nhìn con. Thằng bé tóp teo trắng bợt, hơn chục ngày nhịn sữa rồi. Thế sự ngày càng nhộn nhịp, Quỳnh Yến nghĩ đến cha ở Thái Nguyên, hi vọng vùng quê miền rừng đỡ bị ma đói đe dọa để tạm đưa con lên đấy!
Hoàng Giao đồng ý, nhưng để mẹ và vợ đi trước, anh còn phải thu gom số tiền nợ của khách để làm vốn sống, sẽ lên sau.
Lúc này ông Đào Hàm đã định cư ở Đồng Mỗ làm nghề chích thuốc chữa bệnh và dạy học trong xã. Quỳnh Yến lên, ông giúp cho con gái tiếp tục nghề hộ sinh. Khi Tổng khởi nghĩa năm 1945, Quỳnh Yến tích cực tham gia công tác phụ nữ. Đang hoạt động sôi nổi bỗng có tin sét đánh “anh Hoàng Giao đã chết trong cuộc loạn”. Quỳnh Yến ngất lịm liền một tuần. Ông bà Hàm thương xót đứa cháu chưa đầy năm tuổi đã mồ côi cha, mẹ nó lại đổ bệnh…
Cách mạng Tháng Tám thành công rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, phong trào đầu quân, ủng hộ kháng chiến rầm rộ như vực Quỳnh Yến dậy. Chị dồn cả tình thương chồng vào công tác xã hội ủng hộ tiền tuyến. Kẻ địch bị thất bại nặng, tung máy bay đánh vùng tự do của ta. Thái Nguyên là trọng điểm bắn phá, làng Đồng Mỗ bị máy bay giội bom mấy ngày liền. Nhà ông Đào Hàm đổ sụp xuống hầm, nơi bé Tuấn cùng bọn trẻ ẩn nấp. Đội cấp cứu kịp thời đến đào bới, Tuấn đã nghẹt thở, may thoát chết. Ông Hàm vội đưa cả gia đình sang bên kia sông tránh giặc, nhưng rồi máy bay giặc lại ào đến giội bom dọc sông. Hoàng Tuấn bị lăn tòm xuống nước, may bà chủ vó bè kịp thấy liền nhảy ào vớt được cậu không bị trôi mắc dưới gậm vó.
Ngày giặc Pháp tấn công lên Thái Nguyên, truy lùng cán bộ, ông ngoại Hoàng Tuấn trốn thoát về nhà, ngay trong đêm tổ chức tản cư sang Phú Thọ. Hoàng Tuấn mới 6 tuổi, lon ton theo mấy ngày phồng cả hai chân, người lớn phải thay nhau cõng đến Bình Ca, xuôi thuyền tới Đoan Hùng. Gia đình trụ lại thôn Bạch Quê, lúc này cả nhà không còn gì để bán, đành lần hồi rau cháo qua ngày. Bà con thương tình cảnh ông già, cháu nhỏ khốn khó, mỗi người cho bát gạo, nải chuối, nắm rau, có ông bà cho gia đình Tuấn nương sắn để hằng ngày đào lấy ăn. Địa phương cấp cho bốn sào ruộng để cày cấy sinh sống. Dần dà ổn định, cô hộ sinh Quỳnh Yến lại làm nghề đỡ đẻ, ông bố tiêm thuốc cho bà con quanh vùng.
Mùa đông 1953 trời rét quá đậm, cá dưới suối chết cứng, cây táp lá, bệnh tim của Quỳnh Yến trỗi dậy kịch phát, liệt giường mấy hôm. Sáng 8-11-1953 chị thổ huyết, mắt đờ dại, cố gượng ôm đứa con côi cút thều thào: “Tuấn ơi!… Mợ chết… đây…” rồi máu trào ra ướt gối. Hoàng Tuấn nghe tiếng than xé lòng của mẹ, trong ngực cồn lên nỗi đau cháy bỏng, nghẹn cổ. Mặt giàn giụa nước mắt, cậu bật lên nức nở: “Mẹ… mẹ ơi…, sao lại bỏ con…”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Đào Hàm hồi cư về xã Kim Sơn, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (cũ). Tháng 2-1961, Hoàng Tuấn trở thành chiến sĩ lái xe của Trung đoàn ô tô 245 vượt cổng trời lên Tây Trường Sơn.
Qua 10 năm, các chiến sĩ Trung đoàn 245 đã hàng trăm lần vượt những tập đoàn trọng điểm khét tiếng ác liệt: Seng Phan-Pha Nốp, Tha Mé-Văng Mu, Bản Đông-La Hạp, Bến Bạc-Đèo Long… Chỉ huy, chiến sĩ toàn tiểu đoàn chiến đấu hết mình góp vào thành tích “Binh trạm vạn tấn mùa” trên đường Hồ Chí Minh. Mãi sau này Hoàng Anh Tuấn còn kể lại kỉ niệm nhớ đời trận vượt trọng điểm liên hoàn A.T.P năm 1971. Anh chỉ huy đoàn xe mới lên khỏi đèo, núi rừng bỗng rung bần bật, cả vùng trời mù mịt. Mọi người chỉ kịp nhoài xuống mặt đường, tai ù đặc, ngực tức thở. Rồi phản lực rẹt đến phóng rốc-két… Lập tức những chùm “roi lửa” từ các trận địa phòng không vút lên xoắn lấy kẻ địch. Chúng vội bốc cao. Cán binh Tiểu đoàn 52 vùng dậy xốc lại đội hình, kéo cả 7 chiếc xe bị hỏng băng khỏi vùng B52 rải thảm, theo đường vòng về tổng kho giao đủ hàng… Với những chiến tích đặc sắc ấy, về sau Tiểu đoàn 52 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Thất bại cay đắng tại Quảng Trị năm 1972, Tổng thống Mỹ quyết định trả đũa miền Bắc và chiếm lại Thành cổ. Mỗi ngày hàng trăm phi vụ và pháo hạm oanh kích rải thảm vùng đất hẹp bắc Quảng Trị. Các trục giao thông bị chặt nát, đúng vào lúc lũ Trường Sơn đổ xuống các dòng sông Bến Hải-Cam Lộ-Đắc-krông-Thạch Hãn nước dềnh lên ngập mênh mông. Không thể dùng đường bộ tiếp sức chiến đấu cho bộ đội ta giữ Cổ thành, Bộ tư lệnh 559 quyết định mở tuyến vận tải thủy. Hoàng Tuấn đã có dịp khảo sát địa bàn, được giao làm Chính trị viên Tiểu đoàn 166 thuyền máy, cùng ban chỉ huy tiểu đoàn tổ chức lực lượng chiến đấu. Trong chiến tranh, mọi việc phải tranh thủ từng giờ, chỉ một tuần đã triển khai xong thế trận hai tuyến vận tải sông, ven biển. Sở chỉ huy phía trước đặt tại Gio Mai bên sông Thạch Hãn. Hoàng Tuấn trực tiếp điều khiển cung đoạn vào Thành cổ. Hơn một tháng, đơn vị vượt dòng sông rực lửa đưa được 200 xuồng tiếp tế chiến lũy, chuyển về sau hơn 3.000 thương bệnh binh. Tuyến ven biển cũng giao được 15 chuyến chi viện B5.
Mỹ-ngụy càng dốc sức ngăn chặn bằng các loại bom chùm, bom tấn, bom từ trường, lân tinh và chất độc hóa học hòng dìm chết các lực lượng giữ Thành cổ. Tiểu đoàn vẫn quyết tâm tập trung toàn lực chi viện lớn cho các trận địa. Qua đợt “Vận tải nước rút” đã tiếp tế Trung đoàn 48 và các chốt ép sát địch hơn 800 tấn, nhưng tiểu đoàn bị tổn thất khá nặng. Đêm 21-7 bị trúng trận bom từ trường, 8 xuồng vỡ tan, hi sinh 11 thủy thủ, 20 người trọng thương. Chiếc xuồng chỉ huy trúng bom, Hoàng Tuấn bật tung người, đập mặt xuống, bùn xộc vào mồm mũi. Anh được cứu sống, đưa về Đội điều trị 14 dưỡng thương. Mới nửa tháng, nghe tin một đại đội xuồng bị tập kích, Hoàng Tuấn cố xin về đơn vị làm việc kết hợp điều trị. Đang tập trung sức củng cố đơn vị đẩy mạnh chi viện Thành cổ, B52 rải thảm vào làng Gio Mai, lửa bom cháy đốt đội trưởng Nguyễn Sắc đen thui, Hoàng Tuấn rộp mặt, phải đưa ngay đến bệnh xá đặc công Hải quân.
Hơn một tuần điều trị, đã đỡ đau, vẫn phải trùm mạng chống ruồi nhặng, cuối tháng 8 Chính trị viên phó Hiệm đến thăm cho biết tình hình chiến sự càng ác liệt, một số cán bộ, chiến sĩ vận tải dao động thoái thác nhiệm vụ. Hoàng Tuấn lắng nghe chợt cảm thấy như mình có lỗi, không cùng anh em chiến đấu trong giai đoạn này. Xin bác sĩ chiếu cố cho về điều trị tại đơn vị, Hoàng Tuấn cùng Nguyễn Hiệm đến ngay nơi tập trung số anh em đòi về tuyến sau. Mọi người đang ngỡ ngàng nhìn ông chỉ huy che mạng thì Tuấn lên tiếng ngay: “Thưa anh em, tôi mới ra viện, biết anh em về đây xin chữa bệnh nên đến thăm…”. Có tiếng hỏi: “Thủ trưởng ra viện vì sao phải trùm mạng thế?”. Tuấn gỡ tấm mạng: “Vì tránh ruồi bâu”. Mọi người nhìn khuôn mặt méo xệch, có chỗ lở loét dễ sợ, tiếng xuýt xoa bật lên, có ai đó sụt sùi. Đàn ruồi bâu đến, Tuấn đưa tay xua xua, nói: “Các bạn yếu mệt, đã chữa chạy thế nào?”. Những gương mặt cúi xuống, mấy anh rụt rè đứng dậy, giọng hối hận: “Chúng tôi có lỗi… chẳng đau ốm gì…”, “Tôi xin vào cùng thủ trưởng…”. Hoàng Tuấn xúc động nói: “ Thế thì nên liên hoan buổi họp mặt cùng về đơn vị chứ nhỉ!”.
Tối đó, trời không trăng sao, hai chiếc xuồng máy đưa Chính trị viên tiểu đoàn cùng các chiến sĩ trở lại vùng “túi lửa”.
Rồi tuyến vận tải thủy được tăng thêm hai tiểu đoàn thuyền máy quân sự vào trận. Hoàng Tuấn được trên tín nhiệm giao lãnh đạo, chỉ huy. Anh cùng đồng chí, đồng đội sát cánh chiến đấu cho tới ngày Hoa Kỳ phải chịu kí Hiệp định Pa-ri.
Bài và ảnh: Phương Việt