Núi Le là đảo chìm nằm ở giữa quần đảo Trường Sa, cách đảo Trường Sa khoảng 135 hải lý và cách Cam Ranh khoảng 355 hải lý. Đảo nằm theo hướng tây bắc-đông nam với hình dạng như một chiếc càng cua. Trước đây, khi triển khai xây dựng nhà trên đảo là vào dịp gió mùa Đông Bắc nên chọn vị trí xây ở phía tây nam đảo. Lần này chúng tôi đi vào giữa tháng 6 nên gió mùa Tây Nam đã hoạt động mạnh. Khi tàu ra đến nơi vào buổi chiều, vừa thả neo xong, lợi dụng lúc thủy triều xuống thấp, tôi cùng với chính trị viên tàu vào gặp chỉ huy đảo để bàn kế hoạch chuyển hàng. Khoảng 23 giờ, thủy triều bắt đầu lên, chúng tôi đang chuẩn bị hạ xuồng cao su để đưa dây vào buộc trong đảo thì sóng gió nổi lên rất mạnh, tàu bị rê neo và bị sóng đẩy vào sát rạn san hô ở chân đảo. Mũi tàu bị gác lên một mỏm san hô và tàu có nguy cơ bị hất lên đảo. Không còn cách nào khác, thuyền trưởng buộc phải điều động cho tàu gí mũi vào mỏm san hô, đánh lái cho tàu thẳng hướng vào đảo, thân tàu vuông góc với bờ đảo. Máy vẫn tiến nhẹ để giữ cho tàu tì vào sát mỏm san hô trong khi sóng lớn cứ từng đợt đánh vào đuôi tàu, làm cho tàu có xu hướng xoay ngang. Nếu không giữ nguyên được tư thế đó, tàu sẽ nhanh chóng bị hất lên nền đảo. Đại úy Lê Văn Dậu, giảng viên Khoa Hàng hải đi theo tàu với cương vị là hoa tiêu nói với tôi:
- Trong sách vở dạy từ trước tới nay, chưa có bài ra cạn nào kiểu này cả!
Ngay lúc đó, thuyền trưởng mời tôi cùng Thiếu tá Phạm Ngọc Chỉnh, Trưởng bộ môn của Khoa Tên lửa-Pháo tàu, đội phó phụ trách kỹ thuật lên đài chỉ huy bàn phương án cứu tàu. Thuyền trưởng bảo tôi:
- Nếu không xử lý nhanh, thủy triều lên cao sẽ rất nguy hiểm.
Tôi nói với thuyền trưởng:
- Anh cứ điều động để cho tàu giữ nguyên vị trí như vậy. Tôi sẽ huy động anh em bốc chuyển toàn bộ kết cấu bê tông, khung gỗ trên mặt boong và hầm hàng phía trước ra phía sau. Anh cho tàu bơm hết nước ở két dằn phía mũi. Khi mũi tàu nghếch lên, anh phải cho tàu lùi thật nhanh. Bây giờ chỉ còn phương án này thôi.
Thuyền trưởng nhất trí và ngay lập tức tôi ra lệnh cho tất cả sĩ quan và học viên nhanh chóng chuyển hàng ra phía sau.
Khi mũi tàu vừa nghếch lên cao và con sóng lừng phía sau chưa kịp tràn tới, thuyền trưởng lệnh cho tàu lùi hết tốc độ và tàu rời khỏi bờ đảo. Ngay sau đó, tàu phải chuyển hướng cơ động sang phía đông bắc đảo để thả neo.
Sáng hôm sau, khi thủy triều lên cao, tàu lại cơ động sang bờ phía tây nam để chuẩn bị chuyển hàng vào đảo. Lần này, tàu thả neo ở vị trí xa hơn đề phòng bị mắc cạn. Tôi cùng với hai học viên của lớp H31 là Trung sĩ Phạm Quang Vinh và Trung sĩ Tôn Đức Hậu chèo xuồng cao su với hơn 300kg dây cáp ron để đưa vào đảo. Đây là loại dây cáp rất nhẹ, được nối từ tàu vào đảo cho các xuồng chở hàng bám vào để kéo từ tàu vào đảo và ngược lại. Khi xuồng đến chân đảo, từng cơn sóng lừng cứ chồm lên đẩy xuồng của chúng tôi lên cao rồi lại nhấn xuống, lôi ra khỏi chân đảo. Chúng tôi cứ trồi lên sụt xuống ở chân đảo gần một giờ mà không sao chèo vào được. Lúc đó, tàu lại bị rê neo và bị sóng đánh dạt vào gần đảo, có nguy cơ mắc cạn lần nữa, buộc phải nhổ neo cơ động ra xa. Thế là chiếc xuồng cao su của 3 anh em chúng tôi bị tàu lôi xềnh xệch trên biển. Sóng nhiều lúc cứ chồm qua cả người làm chúng tôi ướt như chuột lột. Khoảng một giờ sau, chúng tôi mới được kéo về đến tàu. Khi lên tàu, thuyền trưởng nói với tôi:
- Tôi đã điện về sở chỉ huy báo cáo tình hình và cấp trên đã đồng ý, nếu khó khăn quá không chuyển hàng lên được thì có thể quay về Đá Đông. Ý anh thế nào?
- Mình đã ra đến đây rồi thì khó khăn mấy cũng phải cố gắng, không thể về được. Bây giờ anh cứ cho tàu quay lại, chọn vị trí neo có thể xa hơn một chút cho an toàn.
Thuyền trưởng cho tàu quay lại tìm chỗ neo an toàn và chúng tôi lại cho xuồng chuyển hàng vào đảo. Chỉ mới chuyển được 3 chuyến thì thủy triều xuống thấp nên chúng tôi phải quay về tàu.
Sáng hôm sau, thấy sóng có vẻ nhẹ hơn và thủy triều đang cao, tôi ra lệnh cho anh em tranh thủ đưa nhanh hàng vào đảo. Cả 8 chiếc xuồng lần lượt đưa mỗi chiếc được hai chuyến thì thủy triều xuống nhanh, chúng tôi không thể đưa xuồng trở về tàu mà phải buộc lại gửi trên đảo. Tối hôm đó, vừa ăn tối xong thì thuyền trưởng nhận được điện từ sở chỉ huy vận tải báo sắp có bão, chúng tôi phải lập tức về ngay Đá Đông để tránh bão; số hàng còn lại sẽ chuyển lên Đá Đông luôn (đảo Đá Đông có hồ trong lòng đảo và tàu nhỏ có thể vào lòng hồ tránh được bão).
Ngay lập tức, chúng tôi họp bàn phương án vào đảo lấy xuồng về tàu. Tôi chọn 16 học viên khỏe nhất và hăng hái nhất cùng tôi vào đảo. Tàu sẽ cơ động vòng sang phía đông bắc đảo để đón. Bao nhiêu pháo sáng, pháo hiệu của tàu dồn lại để đưa cho số đi lấy xuồng. Phương án đưa ra là cả 8 xuồng phải buộc nối đuôi nhau. Xuồng đầu và cuối anh em sẽ cầm pháo sáng trên tay, đốt liên tục để tàu biết vị trí và theo dõi được tình hình trên xuồng. Cứ 30 phút bắn một phát pháo hiệu xanh báo an toàn. Nếu có sự cố thì bắn 3 phát pháo hiệu đỏ. Tôi định đi cùng anh em thì cả thuyền trưởng và anh Chỉnh đều cản lại. Anh Chỉnh nói với tôi:
- Anh cứ ở lại trên tàu, để cho cậu Vinh chỉ huy anh em cũng được. Vinh nó cũng xông xáo và gan dạ. Tôi tin là nó làm được.
Phạm Quang Vinh liền nói:
- Anh không cần phải đi đâu, tụi em làm được mà! Anh cứ yên tâm!
- Thôi được rồi, anh tin tưởng ở em. Cố gắng nha! Nhưng phải hết sức cẩn thận đấy, đừng chủ quan!
Thực tình tôi cũng tin tưởng Vinh vì mỗi lần đi thả dây vào đảo tôi đều chọn cậu ấy.
Anh em bắt đầu xuống xuồng cao su bơi vào đảo thì tàu cũng nhổ neo cơ động lên phía đông bắc đảo để chờ đón anh em ở cuối dòng chảy. Khi tàu thả neo xong, mọi người ăn cháo rồi bắt đầu đi ngủ. Riêng tôi cứ ngồi trên đài chỉ huy của tàu cùng với chiến sĩ trực, dùng ống nhòm theo dõi liên tục tình hình trên đảo, ruột gan cứ như có lửa đốt.
5 giờ sáng hôm sau thì xuồng ra đến mép đảo và đến gần 7 giờ, chúng tôi mới đón được xuồng và anh em lên tàu. Tôi mừng đến rơi nước mắt, bắt tay rồi ôm từng học viên khi họ lên tàu và thở phào nhẹ nhõm vì tất cả người và xuồng đều an toàn tuyệt đối. Lúc chúng tôi nhổ neo để về Đá Đông thì cũng là lúc gió bão bắt đầu nổi lên, trời và biển đều một màu xám xịt. Mặc dù trên sóng vô tuyến vẫn liên lạc được với đảo nhưng không nhìn thấy đảo ở đâu. Chúng tôi bắn pháo hiệu, đảo cũng không thấy và ngược lại, đảo bắn pháo hiệu chúng tôi cũng không thấy. Trước tình hình đó, sở chỉ huy lệnh cho chúng tôi trở về đất liền. Khi về đến gần bờ thì trời quang mây tạnh, nhìn cảnh đồ và so sánh với thực tế, chúng tôi mới phát hiện ra tàu mình bị dạt xuống tận vùng biển Phan Rang. Thế là lại phải chuyển hướng lên phía bắc về cảng Nha Trang.
PGS, TS ĐẶNG THANH BÌNH