Năm 1980, khi đang là Biên tập viên hồi ký của Nhà xuất bản Quân đội, tôi có đến gặp tướng Hoàng Cầm (khi đó là Tư lệnh Quân đoàn 4) để mời ông tham gia viết hồi ký chiến tranh. Sau đó, vì nhiều lý do, mãi tới đầu năm 1985, khi ông về Nghệ An giữ chức Tư lệnh Quân khu 4, ông mới thu xếp thời gian và rủ tôi thực hiện chuyến trở lại chiến trường xưa để phục vụ cho việc viết hồi ký. Tướng Hoàng Cầm quê ở huyện Ứng Hòa - Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) nhưng đời binh nghiệp của ông lại có nhiều năm gắn bó với chiến trường miền Đông Nam Bộ. Trong chuyến đi thăm lại chiến trường cùng ông, tôi có dịp ghi nhận những tình cảm quý mến, kính trọng mà người dân Nam Bộ và đồng đội cũ dành cho vị tướng xứ Đoài, người mà họ vẫn thân mật gọi là “anh Năm Thạch”.
Chuyến đi năm ấy, chúng tôi vào Bình Dương đúng ngày mồng 8 Tết. Tỉnh ủy tổ chức đón tướng Hoàng Cầm long trọng mà sâu đậm nghĩa tình. Trong bữa cơm thân mật do Tỉnh ủy tổ chức, tôi có cảm tưởng cả chủ và khách tuy hai mà như một, bởi họ đều là những người vừa ra khỏi cuộc chiến ác liệt, từng sống chết có nhau. Câu chuyện hàn huyên xoay quanh kỷ niệm trong những tháng ngày gian khổ, hào hùng. Trong bữa ăn, Chín Mây-Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Bình Dương, nguyên Chính ủy Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 nhiều lần nhắc lại với tướng Hoàng Cầm: “Anh Năm ra công tác ngoài đó, nhưng tụi tôi vẫn coi anh là quân số trong này”.
 |
Đồng chí Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4 (người đội mũ mềm) trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho Chỉ huy Sư đoàn 7 trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh tư liệu
|
Ngay chiều hôm đó, tướng Hoàng Cầm quyết định bắt đầu chuyến đi từ Thủ Dầu Một lên thẳng Phước Long, sau đó theo đường 13 dừng lại ở An Lộc, Chơn Thành, Bầu Bàng, Dầu Tiếng. Chiều muộn, chúng tôi đến thị xã Phước Long. Buổi tối, cuộc hội ngộ ở thị xã vùng biên diễn ra với đông đủ nhân chứng thuộc nhiều chức vụ, lứa tuổi. Trong những câu chuyện hàn huyên, rôm rả nhất vẫn là chuyện chiến dịch Phước Long xuân 1975. Thấm thoắt đã 10 năm, nhưng ký ức về những trận đánh vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí họ. Cảm xúc dồn nén, tướng Hoàng Cầm đã bật ra những ý thơ và ông đọc ngay trong cuộc gặp mặt:
Ba nghìn sáu trăm ngày sắp đến
Phước Long ơi ta lại nhớ mình
Không vì mình đẹp, mình xinh
Mà vì mình có mối tình sắt son
Ta lại nhớ ngày còn đánh Mỹ
Đã cùng nhau áo rách cơm mì
Nhưng mà chẳng có suy bì
Quyết tâm đánh Mỹ để ghi công đầu…
Đầu năm 1993, khi ông là Thượng tướng, Tổng Thanh tra Quân đội, tôi và ông lại có chuyến trở lại thăm chiến trường miền Nam để người kể có cơ hội nhớ thêm những chi tiết sống động - những “hạt bụi vàng” còn vương vãi nơi trận địa và người ghi hồi ký có cơ hội nhận biết núi đồi, sông suối, cây cỏ, mây trời… nơi xảy ra sự kiện. Ngày 24-2, chúng tôi về Đồng Xoài. Thượng tướng Hoàng Cầm khi đó vẫn giản dị như người lính chiến năm xưa. Ông mang bộ quân phục mùa hè, đầu đội mũ mềm, hành lý mang theo là ba lô con cóc, khẩu súng săn. Ông còn mang theo bánh mì để lót dạ khi xe lăn bánh. Lúc nghỉ tối tại huyện đội Đồng Xoài, ông lấy ra nào võng, màn, chăn… rồi tự mình phục vụ, không đầy 10 phút ông đã thoải mái nằm nghỉ trên võng.
Rời Đồng Xoài, chúng tôi tới Bù Đăng, Phước Long để tướng Hoàng Cầm hồi tưởng lại những trận chiến đấu ác liệt khi ông là Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân giải phóng Miền. Tối hôm ấy, lãnh đạo thị xã Phước Long tổ chức mời cơm tướng Hoàng Cầm. Trong bữa ăn, một số cán bộ trẻ hỏi tôi: “Bác Hoàng Cầm đây là tác giả của bếp Hoàng Cầm?”. Tôi cười và ghé tai tướng Hoàng Cầm, nói nhỏ: “Một số người nghĩ anh là tác giả của bếp không khói đấy”. Ông vui vẻ cười, bảo: “Hay quá, thế là mình được “kiêm” cả hai chức danh cơ đấy!”…
Hôm sau, chúng tôi leo lên núi Bà Rá, một trong ba ngọn núi cao nhất vùng Đông Nam Bộ để có cái nhìn toàn cảnh về cuộc chiến đấu giải phóng thị xã Phước Long. Cùng đi có anh Ba Ngoan, Chỉ huy trưởng Thị đội. Kế hoạch dự kiến chỉ leo tới lưng chừng núi là đủ tầm quan sát, nhưng tướng Hoàng Cầm cứ leo mãi không dừng. Anh Ba Ngoan bảo tôi: “Anh khuyên Thượng tướng dừng lại, leo tiếp nhỡ xảy ra chuyện gì thì sao”, tôi cười, bảo: “Anh là “thổ công” ở đây không ngăn, tôi làm sao dám nói”. Thế là hai chúng tôi cùng mệt nhoài bám theo vị tướng trận đã ở tuổi “thất thập”…
Trong chuyến đi năm ấy, tướng Hoàng Cầm và tôi đã có thời gian lưu lại thị xã An Lộc và có những ngày trở về với cuộc sống dã chiến. Cán bộ, công nhân Nông trường Cao su Bình Long khi đó phần lớn là lính cũ của Quân đoàn 4 và đều mến phục tài đánh giặc của tướng Cầm nên đã phân công nhau đón tiếp, mở tiệc chiêu đãi ông. Trong cuộc hội ngộ không hẹn trước ấy, ông rất vui và xúc động. Nhiều lần, tôi thấy ông rơm rớm nước mắt khi nhắc đến hàng nghìn đồng đội đang nằm lại tại các nghĩa trang trên địa bàn miền Đông…
Từ những câu chuyện kể và tư liệu trong những chuyến khảo sát thực tế với Thượng tướng Hoàng Cầm, tôi đã giúp ông thể hiện hồi ký “Chặng đường mười nghìn ngày” và xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau những chuyến đi cùng tướng Hoàng Cầm, trong tôi vẫn đọng lại những ấn tượng khó quên về tác phong gần gũi, giản dị của một vị tướng tài năng từng trải qua các cuộc trường chinh gian khổ, ác liệt của dân tộc.
Đại tá Nguyễn Nhật Tiến (kể)
Bùi Minh (ghi)